Nước Mỹ giữa cuộc đua vào Nhà Trắng - Kỳ 1: Cuộc bầu cử 'kỳ lạ'

Ngô Minh Trí
(từ Washington D.C)
01/11/2024 06:30 GMT+7

Dù thay đổi ứng viên 'giữa dòng', thì ngay từ đầu cho đến lúc này, cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm nay vẫn luôn là cuộc bầu cử kỳ lạ, xưa nay hiếm, thậm chí có thể nói là chưa từng có.

Như bao lần khác, Washington D.C vẫn đón tôi trong không khí yên bình vốn có của thủ đô nước Mỹ. Yên bình là vậy, nhưng một nhà phân tích chính trị quốc tế của Mỹ từng nói rằng: "Nếu suy nghĩ trong 30 giây để dùng 1 từ mô tả về Washington D.C, tôi sẽ chọn từ transaction". Tạm dịch thì từ này có thể là "đổi chác" hoặc "giao dịch". Có lẽ yếu tố tâm điểm ảnh hưởng chính trị toàn cầu của Washington D.C, nên vị chuyên gia đã dùng từ "transaction" để mô tả về thủ đô này.

Nước Mỹ giữa cuộc đua vào Nhà Trắng - Kỳ 1: Cuộc bầu cử 'kỳ lạ'- Ảnh 1.

Nhà Trắng chuẩn bị đổi chủ vào đầu năm tới

Ảnh: N.M.T

Cũng chính vì thế, tuy phố xá ở đây vẫn yên bình nhưng cả thế giới đang đổ dồn sự quan tâm về đây, nơi có Nhà Trắng chuẩn bị đổi chủ bằng một cuộc bầu cử chưa từng có. Chính đặc điểm của 2 ứng viên (đương kim Phó tổng thống Kamala Harris đại diện đảng Dân chủ và cựu Tổng thống Donald Trump đại diện đảng Cộng hòa) làm nên điều đó.

Nữ ứng viên có nhiều "đầu tiên"

Trước hết, ứng viên Harris trở thành người thứ 4 trong lịch sử nước Mỹ cạnh tranh để đại diện 1 trong 2 đảng lớn nhất nước này tranh cử chức tổng thống.

Trước bà Harris có nghị sĩ đảng Cộng hòa Margaret Chase Smith (cuộc bầu cử năm 1964) và nghị sĩ đảng Dân chủ Shirley Chisholm (cuộc bầu cử năm 1972) và cựu đệ nhất phu nhân Mỹ Hillary Clinton. Trong đó, bà Clinton vào năm 2008, khi đang là thượng nghị sĩ đại diện bang New York, đã cạnh tranh với ông Barack Obama để đại diện đảng Dân chủ tranh cử tổng thống, nhưng thất bại. Phải đến năm 2016 thì bà mới thành công làm ứng viên đại diện đảng Dân chủ.

Ghi nhận từ thủ đô Washington D.C: Cuộc bầu cử chưa từng có

Chính vì thế, bà Harris tuy là người phụ nữ thứ 2 đại diện 1 trong 2 đảng lớn nhất của Mỹ để tranh cử tổng thống, nhưng lại "một phát ăn ngay" khi là người phụ nữ đầu tiên thành công ngay trong lần đầu cạnh tranh để đại diện cho đảng của mình. Hơn thế nữa, bà trở thành nữ ứng viên da màu đầu tiên (có mẹ là người Ấn Độ) tranh cử tổng thống Mỹ.

Không những vậy, trước khi chính thức tranh cử, bà Harris cũng là người phụ nữ có vị trí chính trị cao nhất trong lịch sử nước Mỹ khi giữ chức Phó tổng thống Mỹ. Bà chính là nữ Phó tổng thống Mỹ đầu tiên. Trước đó, bà là nữ thượng nghị sĩ thứ 2 mang dòng máu châu Phi và là nữ thượng nghị sĩ đầu tiên có dòng máu Nam Á. Thành tích của ứng viên Harris còn được ghi nhận khi là nữ biện lý đầu tiên của quận San Francisco (bang California), rồi nữ tổng chưởng lý đầu tiên của bang California.

Nếu thắng cử lần này, bà Kamala Harris sẽ trở thành nữ tổng thống đầu tiên của nước Mỹ.

Nước Mỹ giữa cuộc đua vào Nhà Trắng - Kỳ 1: Cuộc bầu cử 'kỳ lạ'- Ảnh 2.

Thủ đô Washington D.C của Mỹ với không khí yên bình vốn có

Ảnh: N.M.T

Và vị ứng viên hiếm có

Về phía đối nghịch với bà Harris, ông Donald Trump cũng trở thành ứng viên tổng thống Mỹ có nhiều đặc điểm hiếm có. Trong lịch sử nước Mỹ thì ông Trump là cựu tổng thống thứ 3 chạy đua để quay lại làm chủ nhân Nhà Trắng.

Trong lịch sử nước Mỹ, ông Grover Cleveland (1837 - 1908, đảng Dân chủ) từng thắng cử tổng thống Mỹ tại kỳ bầu cử năm 1884 nhưng lại thất bại khi tái cử vào năm 1888. Để rồi sau đó 4 năm, ông tranh cử trở lại và chiến thắng để bắt đầu nhiệm kỳ 1893 - 1897. Vì thế, ông Cleveland cũng là người đầu tiên làm tổng thống Mỹ ở 2 nhiệm kỳ không liên tục.

Một cựu tổng thống Mỹ khác từng tái tranh cử là ông Theodore Roosevelt. Vốn là cấp phó cho Tổng thống William McKinley trong nhiệm kỳ thứ 2 (1901 - 1905), ông Theodore Roosevelt trở thành chủ nhân Nhà Trắng khi ông McKinley qua đời sau vụ ám sát xảy ra vào tháng 9.1901 ngay trong đầu nhiệm kỳ.

Đến cuộc bầu cử năm 1904, ông Theodore Roosevelt chiến thắng nên tiếp tục làm chủ nhân Nhà Trắng đồng thời tuyên bố sẽ không ứng cử nhiệm kỳ thứ 3 - điều mà hiến pháp Mỹ thời điểm đó vẫn cho phép. Việc giới hạn số nhiệm kỳ làm tổng thống Mỹ được quy định trong Tu chính án 22 của hiến pháp nước này được thông qua vào năm 1951 với nội dung: 1 người không được làm tổng thống quá 10 năm liên tục và cũng không được bầu trở thành tổng thống quá 2 lần.

Trong cuộc bầu cử 1908, Tổng thống Theodore Roosevelt ủng hộ ông William Howard Taft cùng đảng Cộng hòa để chạy đua vào Nhà Trắng. Ông Taft đã thắng cử nhưng nhanh chóng bất hòa với cựu Tổng thống Theodore Roosevelt. Mối bất hòa ngày càng sâu sắc và chỉ trích kịch liệt nhằm vào đối phương nên vào năm 1912, cựu Tổng thống Theodore Roosevelt quay lại ứng cử tổng thống Mỹ, đại diện cho đảng Tiến bộ sau khi không thể giành quyền đại diện đảng Cộng hòa. Trong cuộc bầu cử năm 1912, ứng viên Woodrow Wilson của đảng Dân chủ đã chiến thắng, nhưng ông Roosevelt "về nhì" khi vẫn giành số phiếu bầu nhiều hơn đáng kể so với ông Taft.

Vì thế, trong cuộc bầu cử năm 2024 này, nếu ông Donald Trump chiến thắng thì sẽ trở thành cựu tổng thống Mỹ thứ 2, đồng thời là cựu tổng thống Mỹ đầu tiên thuộc đảng Cộng hòa, quay trở lại làm chủ nhân Nhà Trắng. Tuy nhiên, khi đó, ông Trump cũng mang một số đặc điểm "đầu tiên" không mấy tích cực. Đó là: tổng thống bị luận tội đầu tiên được bầu trở lại, người tội phạm bị kết án đầu tiên được bầu làm tổng thống Mỹ.

Quy định chọn ngày bầu cử của Mỹ

Theo quy định của Mỹ, ngày bầu cử tổng thống Mỹ và nghị sĩ liên bang diễn ra vào "thứ ba kế sau thứ hai đầu tiên của tháng 11", tức sẽ diễn ra trong giai đoạn từ ngày 2 - 8.11 trong năm bầu cử. Trước hết, quy định này nhằm né ngày bầu cử không rơi vào ngày 1.11 vốn là lễ Các Thánh.

Ngược dòng lịch sử, vào năm 1792, luật liên bang cho phép mỗi cơ quan lập pháp tiểu bang bỏ phiếu chọn tổng thống bất kỳ lúc nào trong khoảng thời gian 34 ngày trước thứ tư đầu tiên của tháng 12. Việc bầu cử diễn ra vào tháng 11 được cho là thuận tiện vì đã thu hoạch vụ mùa xong và thời tiết chưa chuyển sang giai đoạn khắc nghiệt nhất của mùa đông vốn có thể cản trở việc đi lại. Và kết quả bầu cử mới cũng sẽ gần như phù hợp với một năm mới.

Ngày bầu cử được chọn diễn ra vào thứ ba vì thời gian Mỹ mới thành lập, việc đến điểm bỏ phiếu có thể cách khá xa, có thể mất gần 1 ngày đi đường. Trong khi đó, người dân đi lễ nhà thờ vào chủ nhật, còn thứ tư trong tuần lại là ngày mà nông dân họp chợ để bán nông sản. Vì thế, ngày bầu cử được chọn diễn ra vào thứ ba, để người dân có thể đi từ thứ hai để đến điểm bỏ phiếu xong thì quay về.

Hơn nửa thế kỷ sau, do sự phát triển của điện báo Morse, dẫn đến việc nếu việc bầu cử không diễn ra cùng ngày giữa các bang thì kết quả bầu cử của bang tổ chức trước ảnh hưởng đến quyết định bỏ phiếu của bang tổ chức sau. Vì thế, từ năm 1845, Quốc hội Mỹ thống nhất các bang sẽ tổ chức bỏ phiếu cùng ngày và chọn "thứ ba kế sau thứ hai đầu tiên" trong tháng 11.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.