"Hiện tại, chắc không có ai ở Washington D.C này dám khẳng định kết quả bầu cử năm nay sẽ thế nào. Bởi cả hai bên đều cạnh tranh quyết liệt". Đó là nhận định của TS John Hamre, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) - cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ, khi nói chuyện với tôi vào chiều 1.11 (giờ địa phương).
Cùng quan điểm, một chuyên gia làm việc cho một tổ chức liên quan chính phủ Mỹ cũng nhận xét kết quả bầu cử năm nay sẽ gay cấn đến phút cuối, thậm chí sẽ còn căng thẳng ngay cả sau khi công bố kết quả. Theo quy định, những người làm việc liên quan chính phủ không được chia sẻ nhận định với truyền thông về tình hình bầu cử (trừ những quan chức có chức năng liên quan).
Yếu tố quyết định
Theo chuyên gia nói trên, trong khi nhiều người quan tâm những chính sách mang tính chiến lược thì với nhiều cử tri, có lẽ bài toán quan trọng nhất vẫn là kinh tế, khi Mỹ đang đối mặt không ít khó khăn.
Ghi nhận thực tế ở khu vực Arlington (thuộc vùng đô thị Washington D.C mở rộng, nhưng thuộc địa phận hành chính của bang Virginia), một số cơ sở thương mại vốn thu hút đông người nhưng nay đã đóng cửa. Ví dụ, trung tâm khá lớn của chuỗi bán lẻ Macy's đóng tại khu vực Ballston thuộc Arlington cũng đã dừng hoạt động. Cửa hàng gần nhất của Macy's ở khu vực này nằm ở khu phức hợp Pentagon City (gần Lầu Năm Góc) cách đó đến hơn 6 km.
Cửa hàng của chuỗi bán hàng giảm giá Marshalls trên đường F (khu trung tâm Washington D.C), nằm gần Nhà Trắng, cũng đã đóng cửa sau giai đoạn khó khăn hậu đại dịch Covid-19. Tại trung tâm Washington D.C, nhiều cơ sở kinh doanh khác cũng lâm vào tình trạng tương tự.
Từ thực tế đó, TS John Hamre chia sẻ: "Giới kinh doanh đang chờ kết quả sau cùng để có thể biết được định hướng kinh tế trong thời gian tới". Đây là điều quan trọng "sống còn" với nhiều người hiện nay.
Để thu hút cử tri, cả hai ứng viên là cựu Tổng thống Donald Trump và đương kim Phó tổng thống Kamala Harris đều đưa ra nhiều quyết sách kinh tế. Ông Trump nhấn mạnh việc tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu nhằm bảo vệ nền sản xuất nội địa và thúc đẩy các doanh nghiệp nước ngoài đẩy mạnh sản xuất tại Mỹ. Bà Harris thì nghiêng về việc hỗ trợ nhóm trung lưu và người có thu nhập thấp, hỗ trợ thuế cho doanh nghiệp mới thành lập, tăng thu thuế của người có thu nhập cao.
Tuy nhiên, chính sách của hai bên đều bị đánh giá chưa hoàn hảo. Việc ông Trump tăng thuế nhập khẩu có thể dẫn đến giá cả càng leo thang bởi nền sản xuất Mỹ vẫn còn lệ thuộc vào nguồn cung từ nước ngoài. Còn chương trình hỗ trợ người có thu nhập thấp của bà Harris thì vấn đề đặt ra là nguồn ngân sách để thực hiện.
Ẩn số cử tri mới ở "đấu trường sinh tử"
Trong khi đó, số lượng cử tri đi bầu sớm đã ở mức khá cao. Đến ngày 1.11, theo các thống kê, có khoảng 64 triệu cử tri đã bỏ phiếu sớm (tính chung cả phần phiếu bầu gửi qua đường bưu điện), chứ không chờ đến ngày 5.11. Tuy nhiên, số lượng bỏ phiếu sớm năm nay vẫn thấp hơn năm 2020. Ước tính năm nay, Mỹ có khoảng 160 triệu cử tri đăng ký đi bầu.
Lượng phiếu bầu sớm đã khá lớn, nhưng thực tế vẫn có nhiều ẩn số khó đoán định tác động lớn đến cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay. Trong đó, mọi sự quan tâm đều đổ dồn về 7 bang "chiến địa": Arizona, Georgia, Michigan, Nevada, North Carolina, Pennsylvania và Wisconsin. Kết quả ở những bang này được dự báo sẽ mang tính quyết định chung cuộc.
Theo giới phân tích, những lá phiếu của cử tri mới - những cử tri không đi bầu năm 2020 hoặc đến đợt này mới đủ điều kiện tham gia bỏ phiếu - là điều đặc biệt đáng quan tâm. Vì đây là những lá phiếu có thể thay đổi những gì đã xảy ra vào năm 2020. Ở nhóm này, đặc biệt tại nhiều bang "chiến địa", số lượng cử tri mới vượt quá mức chênh lệch về số phiếu giữa hai ứng viên Joe Biden và Donald Trump trong cuộc bầu cử năm 2020.
Chẳng hạn ở bang Pennsylvania, năm 2020, ông Biden đã thắng ông Trump khi có nhiều hơn 80.555 phiếu. Nhưng năm nay, có hơn 100.000 cử tri mới đã bỏ phiếu ở Pennsylvania và dự kiến số này vẫn còn tăng lên.
Tương tự, ở bang "chiến địa" khác là Arizona thì số lượng cử tri mới (tính đến ngày 29.10) đã vượt mức 86.200, nhiều hơn 8 lần so với số phiếu chênh lệch chung cuộc giữa 2 ứng viên Biden và Trump vào năm 2020.
Nhìn chung, tại hầu hết các bang "chiến địa", số phiếu bầu sớm của cử tri mới đã vượt qua biên độ chênh lệch trong lần bầu cử năm 2020. Đồng thời, một tỷ lệ lớn cử tri mới không thuộc đảng phái, hoặc nhiều người không đăng ký đảng nào, càng khiến cho kết quả chung cuộc trở nên khó đoán định.
Tuy nhiên, theo một số thông báo chính thức, việc đếm phiếu năm nay có nhiều cải tiến nên dự báo hiệu suất cao hơn, giúp kết quả có thể sớm được công bố.
Cuộc bầu cử đầy tốn kém
Theo công bố ngày 1.11 (giờ Mỹ) của tổ chức phi lợi nhuận về minh bạch bầu cử Open Secrets, dự báo tổng số tiền chi ra cho đợt bầu cử năm nay tại Mỹ là khoảng 16 tỉ USD. Được tính dựa trên tất cả các bên cũng như của nhiều ứng viên ở các vị trí khác, con số này chỉ đứng sau lần bầu cử năm 2020, nhưng cao hơn tất cả kỳ bầu cử còn lại trước đây.
Trong đó, 2 ứng viên đã không tiếc tiền để chi cho quảng cáo tại các bang chiến địa, thậm chí ngay cả khi kỳ bầu cử chỉ còn vài ngày nữa là kết thúc. Điển hình, hình ảnh bà Harris đã xuất hiện ở màn hình LED quả cầu tại tổ hợp Las Vegas Sphere ở Nevada (một trong 7 bang "chiến địa"). Theo truyền thông Mỹ, chi phí để quảng cáo tại "kỳ quan" màn hình LED này lên đến 450.000 USD mỗi ngày.
Chiến dịch tranh cử của bà Harris có xu thế chi nhiều tiền hơn đối thủ Trump. Tính đến ngày 1.11, phía bà Harris đã chi ra khoảng 800 triệu USD, nhiều hơn gấp đôi con số 365 triệu USD của ông Trump. Những con số này chưa tính đến tiền của các siêu ủy ban vận động của hai bên đã chi ra. Ước tính, các siêu ủy ban của cả hai bên đã tiêu tốn không dưới 2 tỉ USD.
Riêng tại 7 bang "chiến địa", tính đến ngày 24.10, ông Trump chi tiền nhiều hơn bà Harris ở Pennsylvania, Wisconsin và Arizona. Còn bà Harris chi nhiều tiền hơn ông Trump ở Georgia, Nevada và North Carolina. Số tiền hai bên tiêu ngang nhau ở Michigan.
Bình luận (0)