Nước nào cũng bảo vệ sản xuất thượng nguồn

13/04/2024 04:51 GMT+7

Việc điều tra chống bán phá giá đối với thép cán nóng (HRC) nhập khẩu là để bảo vệ ngành thép trong nước mà rất nhiều quốc gia đã thực hiện.

"Không nước nào chấp nhận thép nhập khẩu lớn hơn sản xuất trong nước"

Xung quanh việc Tập đoàn Hòa Phát và Formosa gửi đơn đề xuất điều tra chống bán phá giá (CBPG) HRC nhập khẩu, tại Đại hội cổ đông thường niên 2024 diễn ra vào ngày 11.4 vừa qua, ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát, cho rằng đây là điều rất bình thường. Nhiều quốc gia cũng có tiến hành điều tra CBPG đối với hàng hóa nhập từ VN. Vấn đề chính là lượng thép HRC nhập khẩu về VN quá lớn. Cụ thể, năm 2023 sản xuất HRC trong nước chỉ 6,7 triệu tấn mà tổng lượng nhập khẩu lên đến 9,6 triệu tấn. Mới nhất, số liệu sản phẩm HRC nhập khẩu qua hải quan quý 1/2024 là 3 triệu tấn trong khi 2 đơn vị sản xuất HRC trong nước là Hòa Phát và Formosa chỉ làm ra 2 triệu tấn.

Lượng thép HRC trong năm 2023 nhập khẩu lớn hơn cả sản xuất trong nước

Lượng thép HRC trong năm 2023 nhập khẩu lớn hơn cả sản xuất trong nước

CTV

Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát phân tích: 30 năm trước VN chỉ sản xuất 300.000 tấn thép và chưa có tên trên bản đồ thép thế giới, thì nay tự hào khi đã có tên trên bản đồ, đặc biệt là sản xuất được thép chế tạo, thép cao cấp. VN hiện cũng là nước sản xuất thép lớn nhất ASEAN với trên 20 triệu tấn. Thép là "bánh mì" của nền công nghiệp. Nhìn vào các cuộc xung đột gần đây trên thế giới thì cũng dễ dàng nhận thấy thép rất có ý nghĩa với công nghiệp quốc phòng, an ninh quốc gia. Chủ trương của Đảng và Nhà nước luôn ủng hộ, khuyến khích sản xuất công nghiệp thượng nguồn. 

Hơn nữa, không một nước nào chấp nhận việc trong nước đã đầu tư rất lớn để sản xuất thép, mà lại để cho thép nước ngoài nhập khẩu ồ ạt với số lượng thậm chí còn lớn hơn. Với những nước phát triển như Mỹ, khi số lượng thép nhập khẩu chỉ bằng 10% thì lập tức không những áp ngay thuế CBPG, mà còn áp dụng luôn điều luật 232 về an ninh quốc gia để bảo vệ ngành sản xuất thép trong nước. Thái Lan nhập khẩu chiếm 60% là ngay lập tức áp thuế CBPG để bảo vệ ngành sản xuất HRC. Tương tự, khi lượng thép nhập khẩu Indonesia ở mức 37% so với sản xuất trong nước ngay lập tức nước này áp thuế CBPG.

Kiến nghị về việc điều tra chống bán phá giá là một kiến nghị rất bình thường. Có hai yếu tố chính: Một là lượng nhập vào quá lớn, lớn hơn sản xuất thì không một nước nào trên thế giới này chấp nhận. Thứ hai việc có bán phá giá hay không thì hãy để cho cơ quan trọng tài, Bộ Công thương làm việc. Tuy nhiên về quan điểm, phải nhìn cái tổng thể.

Ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát

"Kiến nghị về việc điều tra CBPG là một kiến nghị rất bình thường. Có hai yếu tố chính: Một là lượng nhập quá lớn, lớn hơn sản xuất thì không một nước nào trên thế giới này chấp nhận. Thứ hai việc có bán phá giá hay không thì hãy để cho cơ quan trọng tài, Bộ Công thương làm việc. Tuy nhiên về quan điểm, phải nhìn cái tổng thể. Chủ tịch Hiệp hội Thép VN đã trả lời rất rõ quan điểm là bảo vệ sản xuất từ thượng nguồn. Không có lý do gì chúng tôi bỏ ra đến 7 tỉ USD, tương đương hơn cả trăm nghìn tỉ đồng, mà lại không bảo vệ chúng tôi. Còn nếu không có việc bán phá giá thì mọi việc xuất nhập khẩu vẫn bình thường", ông Trần Đình Long nhấn mạnh.

Điều tra chống bán phá giá là cần thiết

Thực tế, ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, ngành công nghiệp sản xuất thép thượng nguồn (sản phẩm thép cán nóng) luôn được bảo vệ. Bởi đây là ngành cung cấp nguyên vật liệu đầu vào quan trọng nhất cho các ngành sản xuất, chế tạo, đặc biệt là các ngành như cơ khí, công nghiệp đóng tàu, sản xuất ô tô xe máy, sản xuất đồ gia dụng, công nghiệp quốc phòng, công nghiệp khai khoáng, công nghiệp điện… Với tình trạng gia tăng lượng thép HRC từ nước ngoài ồ ạt vào VN thời gian gần đây đi kèm với dấu hiệu bán phá giá rõ rệt thì sớm mở cuộc điều tra chi tiết, cụ thể là điều cần phải làm.

TS Dương Như Hùng, Trưởng khoa Quản lý công nghiệp - Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cảnh báo khi lượng thép HRC nhập khẩu lớn sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp sản xuất trong nước. Từ đó ảnh hưởng đến công ăn việc làm của người lao động, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất hay mở rộng đầu tư. Hơn nữa, đây là sản xuất thượng nguồn, liên quan đến việc cung cấp nguyên liệu cho nhiều ngành sản xuất khác nên việc chủ động trong nước là cực kỳ quan trọng. Vì vậy khi có dấu hiệu lượng nhập khẩu thép HRC quá lớn với giá thấp, các doanh nghiệp yêu cầu khởi kiện điều tra là hợp lý. 

"Bất kỳ quốc gia nào cũng có mục tiêu bảo vệ sản xuất trong nước để đảm bảo nguồn cung, tự lực tự cường của nền kinh tế. Chúng ta thử nghĩ xem trong bối cảnh khi kinh tế thế giới biến động, nguồn cung HRC trên thế giới có thể bị gián đoạn thì VN đang sản xuất được sản phẩm này sẽ đảm bảo được hoạt động của nhiều ngành sản xuất khác, trong đó có các đại dự án hạ tầng quan trọng mà không sợ bị đứng lại nếu thiếu nguyên vật liệu. Như nhiều quốc gia khác, VN cũng cần phải thực hiện nhiều giải pháp, hàng rào kỹ thuật để bảo vệ sản xuất trong nước phù hợp với quy định của các hiệp định thương mại quốc tế đã tham gia. Việc mở cuộc điều tra CBPG đối với thép HRC nhập khẩu là cần thiết. Đây là câu chuyện minh bạch đối với doanh nghiệp chứ không phải là bảo hộ. Việc điều tra là một quá trình lâu dài và khi có kết quả thì mới đưa ra các chính sách phòng vệ thương mại cụ thể hơn. Đây là điều cần thiết cho cả ngành thép", TS Dương Như Hùng nói.

Đồng tình, TS Vũ Tiến Lộc, đại biểu Quốc hội - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế VN, cho rằng VN đã có những quy định cụ thể liên quan về việc khởi kiện CBPG đối với hàng hóa nhập khẩu. Việc doanh nghiệp trong nước nộp đơn yêu cầu điều tra CBPG đối với thép HRC nhập khẩu vào VN là chuyện bình thường. Cơ quan điều tra sẽ xem xét cụ thể theo đơn của các doanh nghiệp. Việc bảo vệ sản xuất trong nước là điều mà hầu như quốc gia nào cũng thực hiện và tuân thủ theo quy định quốc tế. 

Trên cơ sở kết quả điều tra đó sẽ có những giải pháp cụ thể như có hay không sản phẩm HRC bán phá giá? Nếu có thì ở biên độ như thế nào? Thậm chí, nếu xác định có bán phá giá thì cơ quan điều tra cũng sẽ xem xét kỹ lưỡng mức độ như thế nào và nếu áp dụng thuế CBPG sẽ có tác động đến những doanh nghiệp khác, đến người tiêu dùng ra sao… Chúng ta phải đảm bảo sự cạnh tranh công bằng trên thị trường, bảo vệ doanh nghiệp sản xuất lẫn người tiêu dùng. 

Yêu cầu Hòa Phát, Formosa nộp bằng chứng thiệt hại từ thép HRC nhập khẩu

Trả lời Thanh Niên, ông Chu Thắng Trung, Phó cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương), cho biết đã xem xét bước đầu về hồ sơ của Tập đoàn Hòa Phát và Công ty Formosa kiến nghị điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cán nóng HRC nhập khẩu.

Sau khi xem xét, Cục Phòng vệ thương mại nhận thấy hồ sơ vẫn chưa đầy đủ thông tin cho quá trình thẩm định tiếp theo. Theo đó, ngày 3.4, Cục Phòng vệ thương mại có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp này cung cấp bổ sung thông tin, cụ thể là bằng chứng cho thấy thép cán nóng HRC nhập khẩu gây ra thiệt hại đối với doanh nghiệp sản xuất trong nước.

Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cũng cho biết Bộ Công thương đã tiếp nhận hồ sơ, nghiên cứu và thẩm định hồ sơ, yêu cầu bổ sung hồ sơ, sau đó sẽ đánh giá tính hợp lệ của hồ sơ, nếu đầy đủ các điều kiện mới có thể xem xét tiến hành khởi xướng điều tra và quá trình điều tra được triển khai chặt chẽ để đi đến quyết định áp dụng hoặc không áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.

Phan Hậu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.