Gần hai tháng nay, hầu hết sông suối trên địa bàn H.Krông Năng (Đắk Lắk) đều cạn kiệt, người trồng cà phê loay hoay tìm đủ cách để cứu vườn cây khỏi khô héo.
Nông dân đào giếng lấy nước tưới cà phê trong mùa khô ở Đắk Lắk - Ảnh: Ngọc Quyền
|
Ông Trần Văn Th. ở xã Phú Xuân, H.Krông Năng, quyết định bỏ ra 70 triệu đồng để thuê khoan hai giếng sâu gần 80 m để tưới cho 3 ha cà phê; may sao cả hai giếng đều có nước. Khi được hỏi việc thực hiện thủ tục xin phép khai thác khoan nước ngầm, ông Th. tỏ ra ngạc nhiên: “Lâu nay nhiều người trong vùng khoan giếng lấy nước không thấy làm thủ tục gì cả. Tôi cũng thuê người khoan đến khi có nước sử dụng cũng chẳng có ai hỏi han, gây khó dễ”...
Việc khoan giếng khai thác nước ngầm ở nông hộ như ông Th. diễn ra phổ biến từ nhiều năm nay trên hầu hết các vùng chuyên canh cà phê ở Đắk Lắk. Theo ông Phạm Tiến San, Giám đốc Chi cục Thủy lợi Đắk Lắk, tỉnh này có gần 220.000 ha cà phê nhưng chỉ có khoảng 130.000 ha được tưới bằng các công trình thủy lợi, còn lại trông chờ vào nguồn nước ngầm lấy từ giếng đào, giếng khoan.
Hiện chưa có con số thống kê của các ngành chức năng về lượng nước ngầm khai thác hằng năm phục vụ tưới cà phê ở Đắk Lắk. Tuy nhiên, theo ngành nông nghiệp, trong mùa khô cà phê được tưới 4 - 5 lần, bình quân mỗi cây tưới 500 lít nước/lần, với trung bình 1.000 cây/ha thì diện tích cà phê tưới bằng nước ngầm khoảng 90.000 ha trên địa bàn sẽ tiêu thụ ước từ 180 - 225 triệu m3.
Khoan nước ngầm vô tội vạ
Đánh giá về quản lý, khai thác nguồn nước ngầm trên địa bàn, ông Dương Đình Hoành, Trưởng phòng Quản lý tài nguyên nước và khí tượng thủy văn Sở TN-MT Đắk Lắk, cho rằng có nhiều bất cập trong lĩnh vực này. “Hàng chục ngàn hộ sử dụng giếng đào tưới cà phê đều không xin phép cơ quan chức năng. Các giếng này được đào sâu vài chục mét, hết nước là nạo vét, đào sâu thêm; thậm chí khoan ngang trong giếng nhiều hướng để hút nước về, gây cạn kiệt nguồn nước ngầm trong khu vực”, ông Hoành nói.
Theo ông Hoành, hiện phần lớn các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước ngầm trên địa bàn tỉnh chưa đăng ký cấp phép theo quy định của pháp luật, kể cả một số tổ chức của nhà nước.
Thạc sĩ Lê Ngọc Đỉnh, Đoàn trưởng Đoàn Tài nguyên nước Trung Tây nguyên, cũng nhận xét việc khai thác, sử dụng nước cho sản xuất và sinh hoạt ở Đắk Lắk đang quá mức, trong khi công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này chưa đáp ứng yêu cầu. “Các địa phương phải vận động sử dụng nước tiết kiệm; đồng thời phát triển hệ thống hồ, đập nhỏ để bổ sung nước ngầm, tăng cường công tác quản lý, khai thác tài nguyên nước thì mới giảm áp lực khai thác nước ngầm”, ông Đỉnh chia sẻ. Theo ông Đỉnh, mùa khô năm nay khô hạn nghiêm trọng hơn cả đợt khô hạn lịch sử năm 2005; hiện mực nước ngầm ở Đắk Lắk thấp hơn khoảng 2 m so với bình quân nhiều năm, cá biệt như ở vùng Cư Bao (thị xã Buôn Hồ) thấp hơn tới 4 m.
Mực nước ngầm giảm do hoạt động tưới cà phê cũng ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn cung nước sinh hoạt cho TP.Buôn Ma Thuột vốn chỉ khai thác từ các giếng khoan. Theo Công ty TNHH MTV cấp nước và đầu tư xây dựng Đắk Lắk, năm nay mực nước ngầm xuống nhanh hơn so với cùng kỳ nhiều năm; đến giữa tháng 4, lượng nước khai thác chỉ đạt công suất từ 25.000 - 27.000 m3/ngày đêm; so với nhu cầu nước sinh hoạt của TP.Buôn Ma Thuột là hơn 50.000 m3/ngày đêm. Doanh nghiệp này phải thực hiện cắt nước luân phiên các khu vực trong thành phố.
Giải pháp tưới tiết kiệm
Tiến sĩ Lê Ngọc Báu, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây nguyên (WASI), cho biết điều tra ở Đắk Lắk có 23%, Gia Lai có 43% số hộ trồng cà phê tưới thừa nước (từ 601 - 950 lít/cây/lần tưới), so với mức tưới hợp lý từ 400 - 600 lít/cây/lần. Kết quả nghiên cứu kỹ thuật tưới tiết kiệm với phương pháp tưới nhỏ giọt của WASI cho thấy nhiều ưu việt như: phù hợp với yêu cầu sinh lý của cây cà phê cần lượng nước lớn tưới lần đầu giúp cây ra hoa tập trung, tiết kiệm khoảng 20% lượng nước tưới và phân bón; đồng thời tiết kiệm khá lớn công lao động tưới và bón phân...
|
Bình luận (0)