Nước ngập mênh mông, nhiều người dân vùng lũ Thanh Hóa sống khổ trên mái nhà
01/09/2018 00:06 GMT+7
Tối 31.8, hàng trăm người dân các vùng bị ngập lụt ở Thanh Hóa phải sống trong cảnh màn trời chiếu đất , ăn nghỉ tạm bợ trên mái nhà, bờ đê khi hàng ngàn ngôi nhà ngập trong nước từ 1 - 3 m.
Tự động phát
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa, đến 17 giờ ngày 31.8, mưa lũ trên địa bàn đã làm 3 mất tích do bị cuốn trôi; nước trên sông Mã, sông Lèn, sông Bưởi dâng cao khiến hàng ngàn nhà dân ngập sâu.
[VIDEO] Nước sông Mã dâng, hàng ngàn con lợn bơi trong nước lũ
|
|
Ghi nhận của phóng viên Thanh Niên tại huyện miền núi Cẩm Thủy (Thanh Hóa) cho thấy, đến 22 giờ cùng ngày, nước sông Mã chảy qua địa bàn huyện vẫn đang dâng chậm. Toàn huyện Cẩm Thủy đã có gần 4.000 ngôi của người dân sống dọc hai bên bờ sông Mã bị ngập, khiến gần 20.000 người ở các xã Cẩm Phong, Cẩm Thành, Cẩm Thạch, Cẩm Sơn, thị trấn Cẩm Thủy… phải sơ tán đến khu vực cao hơn.
|
Tại xã Cẩm Phong, có khoảng 1.800 hộ dân bị ngập sâu từ 1 - 3 m. Từ sáng 31.8, người dân đã chủ động sơ tán. Tuy nhiên, do nước sông Mã dâng nhanh khiến nhiều gia đình không kịp di chuyển tải sản.
[VIDEO] Lũ cuồn cuộn khắp Thanh Hóa, dân méo mặt vì mất trắng tài sản
|
|
Ngoài những người sơ tán đến nhà người thân ở khu vực cao hơn để lánh nạn, nhiều người vẫn còn ở lại trên tầng 2, tầng 3 của gia đình nên không có lương thực, nước uống. UBND xã Cẩm Phong và người dân vùng không bị ngập đã nấu gần 10.000 suất cơm miễn phí, sau đó dùng thuyền đưa vào tận nhà những hộ đang bị cô lập.
|
Ông Vũ Xuân Vường, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Cẩm Phong, cho biết do nhiều gia đình bị ngập vẫn còn người ở nhà nên chính quyền địa phương, các đoàn thể và người dân đã phối hợp nấu, cấp phát miễn phí cơm cho người dân vùng ngập.
|
“Nhiều gia đình trong các ngõ ngách, thuyền rất khó tiếp cận, nhưng chúng tôi đã cố gắng để đưa lương thực, nước uống đến cho người dân. Đợt lũ lụt này kinh khủng quá, mực nước sông Mã dâng cao hơn cả đỉnh lũ năm 2007 khiến rất nhiều nhà dân bị ngập”, ông Vừng nói.
|
Tại khu phố 1, thị trấn Cẩm Thủy cũng có hàng trăm nhà dân bị ngập. Nhiều người dân không còn chỗ ở phải tìm lên khu vực ven đường trục chính của thị trấn nghỉ tạm.
Ông Nguyễn Văn Hợi (48 tuổi, ngụ tại khu phố 1, thị trấn Cẩm Thủy) nói: “Mất hết rồi, nước lũ lên, gia đình tôi chỉ kịp chạy thoát thân chứ không đưa được đồ đạc trong nhà đi. Đến chiều 31.8, nước đã ngập vào nhà sâu khoảng 3 m, không biết sau lũ cuộc sống sẽ thế nào đây”.
|
Không chỉ tại huyện Cẩm Thủy, tại các huyện Yên Định, Bá Thước, Quan Hóa, Quan Sơn, Vĩnh Lộc của tỉnh Thanh Hóa, chính quyền địa phương cũng phải sơ tán hàng ngàn hộ dân do nước trên sông Mã, sông Bưởi dâng cao.
Đỉnh điểm, rạng sáng 31.8, mực nước sông Mã đoạn qua xã Hồi Xuân (huyện Quan Hóa) là 66,05 m, vượt mức báo động 3 là 2,05 m; sông Bưởi qua địa phận huyện Thạch Thành vượt mức báo động 3 là 0,09 m.
|
Tình trạng sạt lở đồi núi cũng xảy ra tại nhiều nơi. Huyện Quan Hóa bị lũ cuốn trôi 2 cầu treo dân sinh bắc qua sông Mã; các tuyến quốc lộ 15, 15C, 16, 217, 217B và 47 bị sạt lở ta luy âm, ta luy dương, nhiều điểm ngập nước sâu từ 0,4 đến 2 m.
Đến chiều 31.8, các huyện Bá Thước, Quan Hóa, Mường Lát đang bị chia cắt với miền xuôi do nước sông dâng ngập đường và đất đá sạt lở chắn ngang các tuyến đường dẫn lên các huyện này.
Bình luận (0)