Ông Nguyễn Trọng Mậu (xóm 12, xã Xuân Thành) cho biết, nước máy về làng cách đây chừng 7 năm. Khi đó, bình quân mỗi hộ gia đình phải chi hơn 4 triệu đồng để kéo nước về nhà. Sau khi có nước sạch, nhiều hộ dân đã lấp giếng, phá dỡ các bể chứa nước mưa để dùng nước máy. Thế nhưng, không như kỳ vọng của người dân, chỉ một thời gian, nước từ nhà máy lúc có lúc không, khiến người dân liên tục bị mất nước sinh hoạt, chưa kể nước thường đục ngầu, phải lắng, lọc mới có thể sử dụng được.
Bà Nguyễn Thị Xuân (xóm 5, xã Xuân Thành) kể, vào năm 2016, nước máy ở đây còn mất chừng 2 tháng, đẩy cuộc sống của người dân xã Xuân Thành lâm vào cảnh hết sức khó khăn. Hàng ngàn hộ dân sử dụng nước của nhà máy này phải chắt chiu từng giọt nước, nhiều hộ gia đình phải đi xa, sang các địa bàn lân cận xin nước về dùng. Vì vậy, nhiều gia đình ở đây đành phải bỏ tiền ra xây lại bể chứa để tích trữ nước. “Nước máy phập phù, một ngày có thì mấy ngày mất nên người dân rất khổ. Khi hết nước, phải đi xa xin, nên tui phải chắt chiu từng gáo nước để tắm giặt, nấu nướng, thậm chí không dám đi vệ sinh”, bà Xuân nói. Anh Thái Duy Đỉnh (xóm 12 xã Xuân Thành), cũng cho biết, gia đình anh vừa phải xây bể rất lớn để chứa nước dự phòng. Theo anh Đỉnh, không chỉ mất nước dài ngày, chất lượng nước máy nhiều hôm rất đục. “Có hôm, tui mở vòi ra cái chậu, nước đục và thấy cả một con đỉa mén bơi trong đó”, anh Đỉnh cho hay. Từ giữa tháng đến cuối tháng 7 vừa qua, nước sinh hoạt ở Xuân Thành lại mất, kéo dài hơn chục ngày, khiến nhiều người dân khốn khổ.
tin liên quan
'Khát' nước sạch bên cạnh nhà máy nướcSống ngay cạnh nhà máy nước sạch nhưng hàng trăm hộ dân xã Vĩnh Lộc (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) không có nước sạch để dùng. Để có nước sinh hoạt, người dân đành sử dụng nguồn nước không đảm bảo ngoài đồng ruộng.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Phan Duy Thanh, Giám đốc Nhà máy nước Yên Thành, thừa nhận có tình trạng mất nước dài ngày tại xã Xuân Thành, nguyên nhân là do tại đây đang thi công tuyến đường và tu sửa hệ thống kênh thủy lợi. Ông Thanh cũng cho rằng, việc nước đục và có thể có đỉa là do đường ống bị đơn vị thi công làm hỏng, khiến bùn tràn vào.
Cũng theo ông Thanh, hiện nhà máy có công suất 2.000 m3/ ngày đêm, phục vụ cho 3.000 hộ dân, tuy nhiên, thực tế số hộ dùng nước tại 4 xã và thị trấn đã lên tới 6.100 hộ, nên việc thiếu nước là khó tránh khỏi. Hiện, nhà máy đang được tỉnh cho phép nâng công suất lên 5.000 m3/ngày, đêm với kinh phí 36,7 tỉ đồng nhưng đến nay tỉnh mới “rót” về hơn 4 tỉ, nên việc nâng cấp công suất chưa thực hiện được. Ông Phan Văn Tuyên, Chủ tịch UBND huyện Yên Thành, cũng xác nhận hiện nguồn vốn để nâng cấp công suất nhà máy nước rất khó khăn. Vì vậy, hiện nay UBND huyện này đang tính toán, xin ý kiến tỉnh cho cổ phần hóa nhà máy nước theo chủ trương của Chính phủ và đang yêu cầu nhà máy làm đề án để thực hiện chủ trương này.
Bình luận (0)