|
Cái khó ló cái khôn
Dưới cái nắng cháy da của mùa khô ở làng cá bè ấp Bến Kéo, xã Long Thành Nam, H.Hòa Thành (Tây Ninh), anh Tuấn cùng các thanh niên nông dân tất bật với những chuyến xe xuất cá đi TP.HCM và các tỉnh lân cận. Anh Tuấn cho biết thời gian này độ sạch nước sông ổn định nên những con cá bè lớn đều và đang được khách hàng nhiều nơi ưa chuộng.
Nói về kinh nghiệm nuôi cá bè, anh Tuấn gãi đầu cười xòa: “Lúc đầu thì theo bạn bè đi vớt cá kiểng về bán. Sau đó thấy người ta nuôi cá thịt cũng tự tìm tòi nuôi rồi trong cái khó ló cái khôn. Sự sáng tạo nhiều khi không giống ai lại thành công”. Sau khi có chút kinh nghiệm từ nuôi cá kiểng, năm 2000, anh Tuấn chuyển sang nuôi cá điêu hồng trong lòng hồ Dầu Tiếng (H.Dương Minh Châu, Tây Ninh). Năm 2005, anh đưa toàn bộ lồng bè về khu vực sông Vàm Cỏ Đông để thử mô hình nuôi hỗn hợp với nhiều loại cá khác nhau như cá lóc, cá thác lác cườm kết hợp nuôi cá trê, cá tra bè.
Nói về mô hình này, anh Tuấn hồ hởi giải thích: “Vòng trong tôi nuôi cá lóc, cá thác lác cườm là chính, còn vòng ngoài nuôi cá tra, cá trê để tận dụng triệt để nguồn thức ăn thừa. Chỉ tính riêng cá nuôi vòng ngoài mỗi vụ thu hoạch khoảng 20-30 tấn, đủ chi phí tiền giống và thức ăn cho cá nuôi vòng trong”. Với 16 bè nuôi (6m2/bè), mỗi vụ cá anh Tuấn thu hoạch gần 100 tấn cá, trong đó riêng cá lóc và cá lóc bông (35.000 – 45.000 đồng/kg) khoảng 67 tấn và khoảng 7 tấn cá thác lác cườm (75.000 – 78.000 đồng/kg).
Xoay vòng liên tục
Điểm đặc biệt của mô hình nuôi cá bè trên sông của anh Tuấn là sự xoay vòng liên tục của cá thương phẩm (3 chuyến hàng/tuần) đồng thời là nơi cung cấp, chuyển giao và thu mua cá giống từ những hộ nuôi khác. Từ kinh nghiệm trong những lần nuôi cá giống làm kiểng trước đây, anh Tuấn bắt đầu ươm cá bột giống cá thác lác cườm để chuyển giao lại giống cho những hộ nuôi, sau đó thu mua lại cá thương phẩm để người nuôi yên tâm có đầu ra ổn định. “Phải giao cho người dân giống tốt thì mới nuôi được cá thịt có chất lượng”, anh Tuấn cho biết thêm. Để có nguồn cá xuất đi liên tục hàng tuần, anh Tuấn mở rộng thu mua lại nguồn cá từ những hộ chăn nuôi trong vùng (300-600 gam/con) rồi tiếp tục nuôi đến 800 -1.500 gam để xuất bán thịt. Anh Tuấn tự tin cho biết: “Nuôi cá không khó nhưng phải hiểu rõ từng giai đoạn của cá mà có nguồn thức ăn phù hợp. Chẳng hạn cá bột (mới sinh ra) thì ăn trứng nước (con bo bo) do mình tạo ra. Đến giai đoạn cá hương (10-15 ngày) thì ăn trùn chỉ. Từ khoảng 17-20 ngày đến khi xuất cá thì cho ăn cá xay nhuyễn sẽ tạo chất lượng thịt ngon hơn so với cho ăn cám cộng nghiệp”.
Theo anh Tuấn, điều băn khoăn nhất của những người nuôi cá bè trên sông Vàm Cỏ Đông là lo nguồn nước bị xả thải ô nhiễm. “Nghề nuôi cá bè trên sông cũng phụ thuộc nhiều vào nguồn nước tự nhiên. Có khi nhanh chóng phất lên nhưng cũng có lúc phải trắng tay vì con nước”, anh Tuấn nói.
Giang Phương
>> Dấu xưa mùa nước nổi - Kỳ 4: Lịch sử nghề cá bè
>> Khó quy hoạch làng cá bè trên sông Cái
>> Buộc di dời nuôi cá bè trên sông Dinh
>> Nước mặn đe dọa làng nuôi cá bè
>> Nhộn nhịp làng cá bè La Ngà
Bình luận (0)