Nuôi cá chình trên sông Son

14/04/2015 10:37 GMT+7

'Loài cá này vẫn chưa tìm ra cách nhân giống, nuôi lại tốn kém nên chủ yếu lấy công làm lãi, nhưng tui vẫn muốn nuôi vì đó là niềm vui', ông Hoàng Văn Thái (thôn Xuân Tiến, xã Sơn Trạch, H.Bố Trạch, Quảng Bình), người đầu tiên nuôi thành công cá chình trên sông Son nói.

“Loài cá này vẫn chưa tìm ra cách nhân giống, nuôi lại tốn kém nên chủ yếu lấy công làm lãi, nhưng tui vẫn muốn nuôi vì đó là niềm vui”, ông Hoàng Văn Thái (thôn Xuân Tiến, xã Sơn Trạch, H.Bố Trạch, Quảng Bình), người đầu tiên nuôi thành công cá chình trên sông Son nói.

Nuôi cá chình trên sông SonÔng Thái bên lồng nuôi cá chình của mình - Ảnh: P.T
Nửa đời gắn với nghề
Ông Thái năm nay 62 tuổi, đã hơn nửa đời người ông gắn bó với nghề nuôi cá lồng và ông luôn tự hào về cái nghề đã nuôi sống gia đình mình. Ông Thái kể, từ nhỏ ông đã sống gần sông nước. Năm lên 13 tuổi, ông đã biết đi câu, bỏ túm. Nhưng cá bắt trên sông mãi rồi cũng khan hiếm, nhận thấy con sông Son này có nguồn nước dồi dào nên ông đã mạnh dạn đầu tư nuôi cá. “Lần đầu tui nuôi cá lồng là cách đây khoảng 30 năm. Năm đó, tui đã bán bò để có vốn mua 1000 con giống cá trắm về nuôi. Vì chưa có kinh nghiệm, giống cá này hay bị bệnh, lại nuôi trong lồng tre nên cá chết rất nhiều”, ông nhớ lại. Lần đầu thất bại nhưng ông không từ bỏ, lại xoay vốn đầu tư nuôi tiếp. Lần thứ 2, ông nuôi ít hơn, thay vì lồng tre thì ông chuyển sang nuôi trong lồng sắt và cuối cùng ông cũng thành công. Mô hình nuôi cá trắm lồng của ông từ đó được nhân rộng, nhiều bà con trong vùng đến học hỏi. Cũng nhờ chính những lồng cá này mà ông nuôi được 9 đứa con ăn học và làm được nhà.
Thử nghiệm và thành công
Năm 2011, xã Sơn Trạch tổ chức đoàn Quảng Trị và TP.Huế học tập kinh nghiệm nuôi cá chình trong lồng. Trong đoàn, ngoài chính quyền địa phương còn có ông Thái và ông Huỳnh Văn Đệ (thôn Gia Tịnh). Sau chuyến đi, ông Thái và ông Đệ được UBND xã Sơn Trạch hỗ trợ 12 triệu đồng/hộ để nuôi thử nghiệm giống cá này. Ông Thái nuôi thử nghiệm trên sông, còn ông Đệ thử nghiệm trong ao hồ. Tuy nhiên, việc nuôi cá chình trong ao hồ của gia đình ông Đệ thất bại nên ông bỏ không nuôi nữa. Còn ông Thái, với kinh nghiệm nuôi cá lồng trên sông mấy chục năm, nên giúp ông nuôi thành công cá chình trong lần đầu thử nghiệm. Từ đó, ông Thái đầu tư hẳn lồng được hàn kín bằng kẽm để nuôi cá chình. Theo ông Thái, cá chình ưa sống ở vùng nước lạnh, sâu. So với cá trắm thì dễ nuôi hơn vì ít bị bệnh, có điều giống cá này rất kén ăn. Thức ăn của nó phải là các loại cá bé hoặc ếch, nhái. Hơn nữa, nó chỉ ăn thức ăn tươi nên thức ăn phải để trong ngày chứ không để được lâu. Cá chình chỉ cần cho ăn mỗi ngày một lần. “Giống cá này kén ăn, lại chưa lai tạo được giống nên nuôi rất tốn kém. Tui nuôi chỉ lấy công làm lãi, nhưng vẫn muốn nuôi vì nuôi được loại cá này đó là niềm vui”, ông Thái nói. Ông Thái cho biết thêm: “Trước đây tui phải vào Huế mua giống về nuôi với giá 500 - 700 ngàn đồng/kg. Mấy năm gần đây, trong vùng có người đánh bắt nên mình đỡ công mà giá cả lại rẻ hơn”. Cá mua về nuôi một năm đã có thể bán. Cá chình khoảng từ 2kg có thể bán được với giá 700 ngàn đồng/kg. “Nếu có giống cùng lứa với nhau thì mình còn có lãi. Vì loại cá này, con lớn sẽ cắn chết con bé mà mình mua giống ngoài chợ thì toàn con to con nhỏ chứ lấy đâu ra cùng lứa”, ông Thái nói.
Ông Trần Đức Bình, Phó chủ tịch xã Sơn Trạch cho biết, hiện tại xã, ngoài ông Thái thì còn có thêm 4 hộ nữa nuôi cá chình lồng. Nhưng chỉ có ông Thái nuôi nhiều và thành công chứ mấy hộ kia thì còn ít. Cũng theo ông Bình, so với các vùng khác, việc nuôi cá chình lồng trên sông Son có nhiều thuận lợi hơn vì dòng nước trong, lại chảy xiết; hơn nữa, có điểm du lịch nên người dân không khó khăn trong việc tìm đầu ra. Lý giải về việc khó nhân rộng mô hình nuôi cá chình lồng, ông Bình cho biết: “Đến nay vẫn chưa ở đâu tìm ra cách lai tạo loại cá này nên khó khăn về nguồn giống. Hơn nữa, việc người dân đánh bắt cá chình về làm giống có nhiều bất cập, ảnh hưởng đến sinh thái của dòng sông. Hiện tại, chính địa phương đang tìm hướng xử lý”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.