Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Danh Thơm, chuyên khoa Truyền nhiễm và các bệnh nhiệt đới, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, có khoảng 500-700 lượt đến bệnh viện khám chuyên khoa Ký sinh trùng mỗi ngày. Trong đó, nhiều trường hợp đến để được khám, tư vấn và điều trị nhiễm giun đũa chó từ vật nuôi, cụ thể là từ chó, mèo.
“Mất” nhiều hơn “được”
Trao đổi về hành vi ôm, hôn chó mèo, ngủ chung vật nuôi, bác sĩ Danh Thơm đã chỉ rõ những nguy cơ lây nhiễm có thể xảy ra.
“Mặc dù việc yêu thương, âu yếm chó, mèo giúp giảm căng thẳng, đặc biệt đối với những người sống một mình, thế nhưng hành vi tiếp xúc quá gần gũi với chúng có thể kéo theo nhiều khả năng mắc các bệnh như dị ứng, nhiễm vi trùng, vi rút dại, bệnh ký sinh trùng và nấm da liên quan. Việc chữa trị các bệnh này hầu hết đều rất tốn kém, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng”, bác sĩ Danh Thơm cho hay.
Khi tiếp xúc gần với vật nuôi, người bình thường có khả năng mắc các bệnh sau đây:
- Bệnh dị ứng với lông, nước bọt, với phân của chó, mèo.
- Bệnh nhiễm vi trùng, nhiễm ký sinh trùng.
- Bệnh dại: Khi mắc bệnh này, 100% sẽ tử vong.
- Nhiễm nấm da liên quan đến chó, mèo.
Theo bác sĩ Thơm, giun đũa ở chó, mèo (Toxocaracanis) có thể lây sang người qua nhiều con đường khác nhau: “Ấu trùng có trong phân của chó, mèo khi thải ra ngoài môi trường có thể lây nhiễm vào nguồn nước và thực phẩm như rau củ quả. Nếu người có thói quen ăn rau sống hoặc đồ chưa qua nấu chín sẽ rất dễ bị lây nhiễm. Ngoài ra, lông của chó, mèo bay vào đồ ăn của người cũng có thể gây nhiễm giun đũa chó mèo. Thói quen ôm, hôn vật nuôi hoặc không sử dụng các vật dụng bảo hộ cần thiết khi chăm sóc chúng cũng là nguy cơ lây nhiễm bệnh”.
Điều trị khó khăn khi sức đề kháng yếu
Nhóm người sau đây rất dễ mắc bệnh do chó, mèo gây ra:
- Những người nhiễm HIV/AIDS.
- Phụ nữ mang thai.
- Bệnh nhân ung thư đang được điều trị bằng hóa trị hoặc xạ trị.
- Trẻ em và người cao tuổi.
- Người mắc bệnh mãn tính hoặc suy giảm hệ miễn dịch bẩm sinh.
- Những người được cấy ghép nội tạng hoặc tủy xương.
Giải thích cho điều này, bác sĩ Danh Thơm nói thêm: “Hệ thống miễn dịch của các nhóm người nêu trên thường thấp, cộng thêm sức đề kháng kém nên dễ mắc bệnh hơn người khác. Khi đã mắc các bệnh liên quan đến chó, mèo thì việc điều trị của họ cũng sẽ khó khăn hơn nhiều so với người có hệ thống miễn dịch bình thường. Trứng giun khi xâm nhập vào cơ thể người sẽ di chuyển đến ruột, thoát vỏ và trở thành ấu trùng, sau đó xuyên qua thành ruột và theo đường máu đến các cơ quan trong cơ thể. Nguy hiểm nhất là khi chúng gây tổn thương ở phổi, mắt, gan và não”.
Cách chăm sóc chó, mèo an toàn
Dưới đây là những đề xuất và lời khuyên của bác sĩ Thơm trong việc chăm sóc sức khỏe bản thân và gia đình khi nuôi chó, mèo:
- Thường xuyên theo dõi và xổ giun định kỳ 3-6 tháng/lần, thăm khám sức khỏe tổng quát và tiêm ngừa định kỳ cho chó, mèo theo khuyến cáo của bác sĩ thú y.
- Luôn rửa sạch tay, đặc biệt là sau các hoạt động với chó, mèo như: Tắm rửa, cho ăn uống, dắt đi dạo, cưng nựng, cầm nắm thức ăn hoặc sau khi cọ rửa vệ sinh chuồng của chúng. Đặc biệt, khi dọn chất thải của chó, mèo, nên mang găng tay, tránh để bản thân tiếp xúc trực tiếp.
- Chuồng trại, khu vui chơi, khu dành cho chó, mèo ăn không được để gần nơi chế biến thức ăn hoặc nước uống của con người.
- Hạn chế nhận nuôi chó, mèo hoang dã, không rõ nguồn gốc.
- Không hôn hít, ăn uống chung, ngủ chung chó, mèo thường xuyên vì lông, nước bọt hoặc phân của chúng có thể gây bệnh nguy hiểm cho con người. Lưu ý: Tuyệt đối không cho trẻ ôm, hôn chó mèo, nhất là phần đuôi vì đuôi và lông là khu vực dính rất nhiều chất thải kèm theo trứng giun, rất dễ nhiễm bệnh ấu trùng giun đũa chó mèo.
- Chăn dắt chó, mèo đi dạo phải khóa mõm, đảm bảo cho chúng không được cắn người và phải phóng uế đúng nơi quy định nhằm hạn chế tối đa việc lây lan các bệnh truyền nhiễm.
- Nếu chó, mèo cắn hoặc liếm vào vết thương hay niêm mạc ở người, thì người bị cắn hoặc bị liếm cần đến gặp ngay nhân viên y tế để được tư vấn tiêm ngừa bệnh dại.
- Nếu thấy xuất hiện các biểu hiện như: Ngứa, nổi mẩn, đau đầu, đau bụng, ho, rối loạn giấc ngủ, thay đổi hành vi… liên quan đến nhiễm ký sinh trùng nghi nhiễm giun đũa chó, mèo, mọi người cần đến bệnh viện chuyên khoa để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời để không ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài.
Số ca nhiễm giun đũa chó, mèo gia tăng
Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Danh Thơm, tại Khoa khám Ký sinh trùng của bệnh viện, đa phần bệnh nhân đến khám chủ yếu với triệu chứng ban đầu là ngứa. Có đến 60-80% người nhiễm giun đũa chó mèo có biểu hiện ngứa hoặc nổi mẩn, phát ban ngoài da. Nhiều người cứ nghĩ ngứa là đến khám tại chuyên khoa da liễu, nhưng triệu chứng không giảm sau nhiều đợt. Qua quá trình điều trị giun đũa ở chó, mèo, có người đáp ứng nhanh, nhưng có người phải dùng đến 2-3 liệu trình.
“Mỗi ngày, chó, mèo có thể thải ra hàng nghìn trứng giun. Điều đáng lo ngại là số lượng bệnh nhân nhiễm ấu trùng này đang gia tăng trong thời gian gần đây và dù có uống thuốc tẩy giun định kỳ 2 lần/năm cũng không tẩy được giun đũa chó, mèo mà phải thực hiện điều trị theo lộ trình cụ thể”, bác sĩ Thơm cho biết.
Bệnh ấu trùng giun đũa chó mèo là bệnh ký sinh trùng mới nổi trong những năm gần đây, do thói quen nuôi thú cưng tăng lên ở giới trẻ. Khi nhiễm, tùy vào vị trí mà có biểu hiện khác nhau: Ngứa kéo dài, nổi mề đay, nốt ban... Ngoài ra, người bệnh có một số ít triệu chứng khác như đau bụng, đau đầu, mệt mỏi, mất ngủ do lo lắng quá mức…
Bình luận (0)