Chị Hiền, cử nhân ngành kế toán lại quyết định không làm nghề kế toán ở Hà Nội nữa, mà về xã Quảng Tân, H.Đầm Hà, Quảng Ninh nuôi gà.
Khôi phục giống gà bản địa
Hiền đi làm được 1 năm thì quyết định về quê cùng chồng nuôi gà. Chia sẻ về quyết định này, chị Hiền cho biết: “Năm 2013, tôi nhận thấy giống gà bản Đầm Hà có tiếng thơm ngon và được thị trường rất ưa chuộng. Vì vậy, tôi nung nấu ý tưởng khôi phục giống gà bản Đầm Hà đã được bao thế hệ ông cha nuôi giữ”.
Để khôi phục giống gà bản địa, vợ chồng chị đã lặn lội vào vùng sâu, vùng xa trong thôn bản đề tìm mua gà về nuôi. Vì mỗi hộ dân chỉ nuôi vài con nên mỗi ngày đi chọn được một vài con. Hơn 4 tháng ròng rã đi tìm, chị mới mang về được hơn 400 con gà bản thuần nuôi giữ và nhân giống. Tuy nhiên, do thiếu kinh nghiệm chăn nuôi, gà phát triển không đồng đều, tỷ lệ đẻ thấp dẫn đến chị bị thua lỗ.
“Nhiều người còn nói ra nói vào rằng học đại học rồi cũng về nuôi gà. Nhưng tôi không bỏ cuộc mà càng quyết tâm đi học hỏi các mô hình chăn nuôi trong nước, tìm chuyên gia học hỏi công nghệ thụ tinh cho gà đẻ bằng chuồng lạnh và áp dụng thành công”, chị Hiền chia sẻ.
Nhiều người còn nói ra nói vào rằng học đại học rồi cũng về nuôi gà. Nhưng tôi không bỏ cuộc mà càng quyết tâm đi học hỏi các mô hình chăn nuôi trong nước, tìm chuyên gia học hỏi công nghệ thụ tinh cho gà đẻ bằng chuồng lạnh và áp dụng thành côngChị Nguyễn Thị Thu Hiền (xã Quảng Tân, H.Đầm Hà, Quảng Ninh) |
Chị vận động những hộ cùng chung chí hướng thành lập hợp tác xã sản xuất kinh doanh nông nghiệp để cùng phát triển sản xuất. Hiện hợp tác xã chăn nuôi 3.000 con gà sinh sản và liên kết sản xuất theo chuỗi với hơn 80 hộ chăn nuôi trên địa bàn H.Đầm Hà và các vùng lân cận. Mỗi năm, ngoài gà giống, hợp tác xã cung cấp ra thị trường 120 tấn gà thương phẩm với doanh thu đạt 12,3 tỉ đồng/năm, lợi nhuận đạt 1 - 1,2 tỉ đồng/năm; giải quyết việc làm thường xuyên cho 10 thanh niên và 7 lao động thời vụ. Ngoài ra, tổng lợi nhuận đem lại cho các hộ tham gia liên kết là 5,8 tỉ đồng/năm. Người dân ở đây đặt cho chị cái tên đầy ngưỡng mộ là “vua gà”!
Thành công từ hai bàn tay trắng
Để có được thành công này, chị Hiền đã không ngừng đổi mới sáng tạo và táo bạo khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng. “Chồng tôi cũng làm tự do, nên cả hai vợ chồng đều không có vốn tích lũy khi khởi nghiệp. Gia đình hai bên chỉ làm nghề nông nên không hỗ trợ được gì. Tôi đã vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, nguồn tạo việc làm cho phụ nữ với mỗi hộ 50 triệu đồng. Các anh chị em vay giúp được gần 300 triệu đồng, cộng thêm gom từ anh em bạn bè, chúng tôi cõng khoản nợ 800 triệu đồng khi bắt đầu khởi nghiệp”, chị Hiền nhớ lại.
Đặc biệt, việc áp dụng kỹ thuật mới trong chăn nuôi cũng không ít khó khăn. “Suốt 1 năm sau khi bị thất bại, vợ chồng tôi tiếp tục đi khắp nơi tìm hiểu, học hỏi để tìm cho bằng được phương pháp lai tạo ưu việt. Yêu cầu kỹ thuật với gà sinh sản rất khắt khe, việc nuôi gà trong chuồng lạnh và ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo sẽ khắc phục được tất cả nhược điểm trong nuôi gà tự nhiên. Tuy nhiên, phải mất khoảng 4 năm, tỷ lệ thành công khi thụ tinh nhân tạo mới đạt 90% như hiện nay”, chị Hiền chia sẻ.
Rồi quá trình vận động bà con vào hợp tác xã cũng không ít gian nan, do thói quen sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, nhưng rồi bằng chính quyết tâm của mình, “vua gà” đã lan tỏa được tinh thần khởi nghiệp cho người dân trong vùng.
Năm 2020, chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hợp tác xã và bà con chăn nuôi ảnh hưởng nặng nề, gà chậm tiêu thụ, thời gian nuôi phải kéo dài, dẫn tới làm tăng chi phí sản xuất, tăng giá thành, sức mua giảm làm giá bán ra giảm và làm giảm doanh thu. Tuy nhiên, hợp tác xã vẫn cố gắng duy trì sản xuất và liên kết cùng người dân, đồng thời tìm các biện pháp hỗ trợ bà con như: đầu tư, cung cấp con giống, thức ăn chăn nuôi... giúp người dân yên tâm sản xuất.
Với những nỗ lực trong nuôi gà, năm 2020, chị Hiền đã được Thủ tướng tặng bằng khen và T.Ư Đoàn trao Giải thưởng Lương Định Của dành cho nông dân trẻ tiêu biểu.
Bình luận (0)