Mô hình này cũng đoạt giải thưởng Lương Định Của năm 2020 của T.Ư Đoàn.
“Vì nhận thấy giá trị tiềm năng của con lươn ngày càng lớn, thị trường đa dạng nên mình đã quyết định đầu tư và phát triển mô hình nuôi lươn không bùn”, anh Thắng chia sẻ về ý tưởng bước đầu nuôi lươn của mình.
Tận dụng phần diện tích 5.000 m2 đất của gia đình vốn khô cằn, cỏ dại nên không thu được nguồn hoa lợi gì từ nhiều năm nay, năm 2016 anh Thắng đã xây dựng 20 bể lươn (6 m2/bể) và tiến hành nuôi thử nghiệm hơn 10.000 con lươn giống. Sau 8 tháng đã cho kết quả khả quan, bình quân mỗi bể thu được 200 kg lươn thương phẩm (trọng lượng loại 200 gr/con). Sau khi trừ mọi chi phí kể cả đầu tư, lứa đầu tiên anh đã thu được hơn 100 triệu đồng.
Thừa thắng xong lên, anh tận dụng hết phần diện tích đất hiện có tiến hành đầu tư mô hình kết hợp giữa nuôi lươn và nuôi cá giống. “Bên cạnh những thuận lợi của trại lươn có nguồn nước dồi dào, có thể cho lươn ăn 100% cám viên của cá, mang lại lợi nhuận cao hơn cách truyền thống là cho ăn cá xay”, anh nói.
Nói về ưu điểm của mô hình này, anh Thắng cho biết: “Nuôi lươn không bùn thì mật độ nuôi có thể cao hơn, đồng nghĩa năng suất thu hoạch cao hơn so với cách nuôi truyền thống. Bể 6 m2 chúng ta có thể thu hoạch được 200 kg lươn. Hơn nữa, nuôi lươn theo cách này dễ kiểm soát dịch bệnh và hầu như trong quá trình nuôi tỷ lệ lươn sống đạt trên 90%, trong khi với cách nuôi truyền thống thì tỷ lệ này chỉ đạt khoảng 60%”.
Không những thế, theo anh Thắng, hiệu quả của việc nuôi lươn trong bể không bùn sẽ giảm thời gian chăm sóc và thu hoạch, giúp hộ nuôi lươn phát triển kinh tế một cách rõ rệt so với cách nuôi cũ. “Thêm vào đó là chúng ta còn tận dụng được nguồn thức ăn công nghiệp của cá để nuôi lươn thay thức ăn tươi sống, giảm chi phí, nhưng hiệu quả mang lại rất cao. Cụ thể là chất lượng lươn thịt khi đưa ra thị trường được khách hàng ưa chuộng”, anh giải thích thêm.
Ngoài nuôi lươn thịt, anh còn nuôi cả lươn nhân giống để tự cung cấp cho trang trại của mình và bán khắp cả nước với giá hỗ trợ để giúp bà con nông dân có thể áp dụng mô hình nuôi lươn này. “Hiện tại mình đang quản lý, hỗ trợ cho hơn 5.000 hộ nông dân nuôi lươn trên toàn quốc với mô hình này”, anh Thắng nói và cho biết: “Khi chuyển giao con giống cho bà con nông dân, mình luôn kèm theo tài liệu hướng dẫn kỹ thuật nuôi bao gồm cách phòng bệnh cũng như cách cho lươn ăn làm sao hiệu quả để bà con nuôi lươn tốt hơn. Khi bà con gặp vấn đề chưa rõ trong quá trình nuôi thì điện thoại trực tiếp cho mình để có những chỉ dẫn tận tình”.
Cũng theo anh Thắng, hiện tại cơ sở lươn giống Sông Ray của anh đã áp dụng thành công hệ thống sản xuất lươn giống bằng công nghệ (RAS) - tuần hoàn với ưu điểm không cần thay nước và kiểm soát tốt dịch bệnh, chất lượng con giống tốt và hiệu quả kinh tế cao hơn.
“Với giá lươn thịt hiện tại dao động từ 185.000 - 200.000 đồng/kg, nếu chúng ta đầu tư xây dựng 100 hoặc 200 bể nuôi lươn (6 m2/bể, trung bình mỗi bể sau 8 - 10 tháng thu hoạch được gần 200 kg lươn thịt), thì đến vụ thu hoạch có phải giàu rồi đúng không”, anh nhẩm tính.
Bình luận (0)