Lăng kính bạn đọc:

Nuôi thú cưng, 'cưng' của mình đừng gây hại cho người khác!

M.Giao
(tổng hợp)
26/03/2024 05:00 GMT+7

Rất nhiều bạn đọc ủng hộ các đề xuất về quản lý nuôi chó, mèo trên địa bàn TP.HCM, cho rằng người nuôi thú cưng phải tuân thủ các quy định, nhất là không làm ảnh hưởng, gây hại đến người khác!

Như Thanh Niên đã thông tin, Sở NN-PTNT vừa dự thảo một số quy định tạm thời về quản lý nuôi chó, mèo trên địa bàn TP.HCM gửi UBND TP.HCM xin ý kiến để ban hành trong thời gian tới. Theo đó, một số quy định đáng chú ý là chủ vật nuôi chó, mèo phải kê khai trong vòng 3 ngày sau khi nhập về nuôi, đồng thời kê khai định kỳ 2 lần/năm, không để chó tấn công người, không được để chó gây ồn ào...

Nuôi thú cưng, 'cưng' của mình đừng gây hại cho người khác!- Ảnh 1.

Theo thống kê, toàn TP.HCM có hơn 184.000 con chó, mèo được nuôi

Ảnh: NHẬT THỊNH

Theo Sở NN-PTNT, việc nuôi và chăm sóc chó đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của nhiều người dân. Tổng đàn chó cả nước khoảng 10,3 triệu con, tập trung chủ yếu tại các đô thị lớn. Riêng TP.HCM hiện có hơn 184.000 con chó, mèo được nuôi tại hơn 105.000 hộ.

Sở NN-PTNT nêu thực tế nhiều trường hợp chó gây ồn ào, ô nhiễm môi trường, vệ sinh nơi công cộng, chó tấn công người, chó chạy ra đường gây tai nạn giao thông. Ngoài ra, chó nuôi cũng là nguồn lây lan nhiều dịch bệnh từ động vật sang người, trong đó có bệnh dại.

Theo số liệu của ngành y tế hằng năm tại TP.HCM, số lượng người bị chó, mèo cắn phải đi tiêm phòng rất lớn, gây thiệt hại kinh tế do tốn chi phí tiêm phòng, điều trị dự phòng.

Ngoài ra, thời gian qua phát sinh nhiều trường hợp hộ dân nuôi chó với số lượng lớn, gây mùi hôi, tiếng ồn, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt hằng ngày của các hộ dân sinh sống xung quanh.

Về lý do đề xuất quy định tạm thời, Sở NN-PTNT cho rằng cần thể chế hóa các chủ trương, chính sách về hoạt động chăn nuôi, quản lý chó, mèo trên địa bàn, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh động vật, bảo vệ sức khỏe người dân; đồng thời xây dựng một hệ thống quản lý hiệu quả, đảm bảo quyền gia súc cho chó, mèo, tăng cường ý thức của cộng đồng về trách nhiệm nuôi dưỡng chó, mèo và đối xử nhân đạo đối với chó, mèo.

Quy định cần thiết

Nhiều bạn đọc (BĐ) bày tỏ sự ủng hộ các đề xuất về quản lý nuôi chó, mèo trên địa bàn TP.HCM. BĐ Lân Kì bức xúc: "Không biết người nuôi họ thỏa mãn được điều gì chứ nhiều người để chó làm phiền người khác ngày này qua ngày khác, ồn ào, làm mất vệ sinh đường phố, khu dân cư... Rồi chó thả rông cắn người, người đi đường "lãnh đủ". Đề nghị phải mạnh tay với tình trạng này".

Cùng quan điểm, BĐ Thanh đề nghị: "Quy định đăng ký chó mèo là phải làm sao để giảm được việc chó, mèo thả rông, gây mất vệ sinh, cắn người. TP cần quy định xử phạt mạnh tay chủ để chó, mèo thả rông, không rọ mõm… thì mới chấn chỉnh được".

Trong khi đó, BĐ Minh Long kể: "Trước đây nhà tôi cũng nuôi một con chó nhỏ, giờ thì không nuôi nữa, vì nó bị bắt mất rồi. Cả nhà ai cũng buồn, vì con chó dễ thương, và rất tình cảm... Nhưng tình cờ một lần nghe thằng bé hàng xóm kể nó rất sợ con chó nhỏ nhà tôi, vì từng bị chó "chạy theo sủa" một lần (may mà cắn hụt), sau này nó không dám ra đường một mình, cứ gặp chó là sợ, tôi chỉ biết xin lỗi thằng bé vì đã "làm nó phải lo lắng". Cứ nghĩ con chó nhỏ, dễ thương với mình mà làm thằng bé phải lo sợ thì lòng thấy rất áy náy".

Cần có lực lượng kiểm tra, xử lý vi phạm

BĐ Tiến kể: "Tôi cũng nuôi 1 con chó, nhưng không bao giờ thả rông. Dắt thú cưng đi dạo, tôi đều rọ mõm, đeo dây đàng hoàng, và còn có cả dụng cụ hốt phân chó. Tôi rất ủng hộ các đề xuất về quản lý nuôi thú cưng và chấp hành nghiêm các quy định, và tôi thấy nhiều người nuôi thú cưng khác cũng rất có ý thức. Họ không để việc nuôi thú cưng ảnh hưởng đến hàng xóm, cũng như gây hại cho người khác. Tuy nhiên, phải thừa nhận là vẫn có những người nuôi thả rông chó, để chó cắn người…".

Ủng hộ có các quy định, nhưng BĐ Trịnh Cường lưu ý: "Thật tình đọc nội dung tờ trình nghĩ nhiều người sẽ nói: đừng đưa ra quá nhiều mà làm không hết. Việc quan trọng trước mắt là hạn chế nạn chó thả rông chạy ngoài đường". Trong khi đó, BĐ Tuấn Hoang thắc mắc: "Quy định cũ mà có thấy ai thực hiện hay kiểm tra giám sát gì đâu? Chó thả rông vẫn còn nhiều. Giờ nếu có quy định mới thì thế nào?". BĐ Hoang Hung cũng đề xuất: "Điều quan trọng là ai sẽ kiểm tra, xử lý khi có người vi phạm các quy định? Và có làm thường xuyên không? Chứ nếu có quy định mới mà không ai kiểm tra, giám sát thì mọi chuyện vẫn như cũ thôi!".

Thống nhất với chủ trương phải đăng ký, kê khai quản lý, chứ để chó dữ tấn công người, chó dại cắn người là không được...

Hoàng Lê

Phải thực hiện ngay và nhanh vì tình trạng này đang gây rất nhiều bức xúc trong đời sống khắp mọi nơi.

Tung Vo Thanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.