Hôm nay (19.12), Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) cho biết hai bé trai (9 tháng tuổi, ở Bình Dương và 15 tháng tuổi, ở Gò Vấp, TP.HCM) nhập viện cấp cứu do vô tình nuốt đinh.
Ngay khi hai bệnh nhi nhập viện, ê kíp trực đã nhanh chóng hội chẩn phối hợp nội khoa và ngoại khoa. Các bác sĩ đánh giá dị vật còn nằm ở đường tiêu hóa trên và phải nhanh chóng lấy ra vì đinh nhọn nếu qua ruột non thì có thể sẽ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng như thủng ruột, tắc ruột.
Toàn bộ ê kíp trực đã khẩn trương tiến hành nội soi cấp cứu cho hai bệnh nhi cùng lúc.
Theo bác sĩ chuyên khoa 1 Võ Hoàng Khoa và bác sĩ chuyên khoa 1 Võ Thị Vân (bác sĩ trực tiếp nội soi gắp dị vật trong hai ca bệnh), cả hai trường hợp cây đinh đều đã qua khỏi dạ dày nhưng còn nằm ở đoạn xa của tá tràng (là phần đầu của ruột non, nằm ở vị trí tiếp giáp giữa dạ dày và ruột non). Vì vậy, việc lấy ra tương đối khó khăn. Nếu can thiệp chậm trễ hơn thì dị vật di chuyển xuống ruột non sẽ không thể lấy được bằng nội soi, nguy cơ biến chứng thủng ruột rất cao.
Cuối cùng cả hai bé đều được lấy dị vật bằng nội soi thành công.
Cả hai trường hợp đang được theo dõi tại bệnh viện và có thể xuất viện sau 2-3 ngày.
Chú ý tránh để trẻ nuốt dị vật
Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, các bác sĩ ghi nhận nhiều trường hợp trẻ nhỏ cấp cứu do nuốt phải vật lạ. Những vật nuốt phải có đủ loại, phổ biến nhất là: đồng xu, kim băng, viên pin nhỏ, cúc áo, hòn bi, hòn đá, móng tay, đinh vít, bu-lông, kẹp ghim, các cục nam châm nhỏ, các mẫu đồ chơi nhỏ, các viên bi nam châm,…
Gần đây, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) cũng đã tiếp nhận cấp cứu cho bé trai (5 tuổi, ngụ Q. 7, TP.HCM) nuốt chùm chìa khóa vào bụng và bé gái (1 tuổi, ngụ Long An) nuốt cây tăm nhọn.
Theo tiến sĩ - bác sĩ Trần Quốc Việt (Bệnh viện Nhi đồng 2), trẻ nhỏ thường hay khám phá thế giới xung quanh bằng việc cho mọi thứ vào miệng và tai nạn nuốt dị vật thường xảy ra ở trẻ dưới 3 tuổi.
Trong rất nhiều trường hợp, hệ tiêu hóa sẽ “giải quyết” các vật lạ này bằng cách đẩy ra khỏi cơ thể theo đường đại tiện. Tuy nhiên, một số trường hợp các dị vật này bị tắc lại trong đường tiêu hóa và gây ra những biến chứng nặng nề như thủng ruột, tắc ruột.
Một số trường hợp đáng tiếc, vật lạ có thể mắt kẹt ở cổ hoặc thanh quản gây ra tắc đường thở cấp tính, thậm chí có thể gây tử vong nếu không cấp cứu đúng cách kịp thời.
Các bác sĩ khuyến cáo phụ huynh hoặc những người chăm sóc trẻ nên để những vật nhỏ dễ nuốt tránh xa tầm tay của trẻ.
“Các gia đình nên tránh cho trẻ nhỏ chơi với đồ vật có kích thước nhỏ hơn 5 cm vì trẻ dễ cho vào miệng, dễ nuốt vào bụng, nhất là các đồ chơi tháo lắp. Với trẻ lớn, nên thường xuyên nhắc nhở các em không nuốt đồ vật vào bụng”, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, lưu ý.
Bình luận (0)