Sáu ngày sau khi được mổ lấy khối u lành tính khỏi khoang bụng theo quy trình gây mê tổng quát, cụ Jack xuất hiện ở phòng cấp cứu.
Bệnh nhân than phiền mình ho ra máu, khó nuốt và đau đớn đến nỗi không thể ăn thực phẩm cứng.
Vì ông có tiền sử bệnh phổi, các bác sĩ cho là bệnh nhân bị nhiễm trùng đường hô hấp và kê đơn thuốc kháng sinh cùng nước súc miệng trước khi cho ông về nhà.
Tuy nhiên, 2 ngày sau, cụ Jack quay lại với triệu chứng nghiêm trọng hơn. Ông thậm chí không thể uống thuốc.
“Ông ấy cảm thấy khó thở, đặc biệt khi nằm xuống và phải ngủ đứng”, theo bác sĩ phẫu thuật tai mũi họng Harriet Cunniffe thuộc Bệnh viện Đại học NHS ở Yarmouth.
Bác sĩ này nghi ngờ bệnh nhân mắc một dạng nhiễm trùng phổi và buộc ông nhập viện.
Đến khi nội soi, phía bệnh viện ngã ngửa khi phát hiện một vật thể hình bán nguyệt chụp xung quanh dây thanh quản của người bệnh.
“Khi đề cập chuyện này với bệnh nhân, ông giải thích rằng mình đã bị mất răng giả trong lúc phẫu thuật cách đó 8 ngày”, bác sĩ Cunniffe ghi nhận trong hồ sơ.
Sau khi lấy hàm răng giả bị mắc kẹt, mà rõ ràng bệnh nhân đã nuốt vào họng trong lúc bị gây mê, cụ Jack xuất viện 6 ngày sau đó. Tuy nhiên, ông tiếp tục phải nhập viện vài lần nữa để xử lý hậu quả gây ra chỉ vì quên báo cho bác sĩ phẫu thuật về răng giả.
Theo BMJ Case Reports, trong 15 năm qua, đã xuất hiện 83 ca “hóc răng giả” tương tự như trên. Các bệnh nhân mang răng giả được khuyến cáo nên thông báo cho phía bác sĩ trước khi phẫu thuật.
Bình luận (0)