Núp bóng xe cứu thương: Chở người từ vùng dịch lọt qua hàng chục chốt kiểm soát

09/09/2021 07:00 GMT+7

Tại Đà Nẵng , đã xuất hiện tình trạng xe cứu thương lợi dụng ưu tiên để né chốt, chở người từ vùng dịch nhưng không khai báo, lạm dụng còi đèn, gây tai nạn…

Thời điểm TP.Đà Nẵng phong tỏa chống dịch Covid-19, xe cứu thương được huy động để hỗ trợ. Tuy nhiên, xuất hiện tình trạng lợi dụng ưu tiên chở người từ TP.HCM rồi né chốt, không khai báo, lạm dụng còi đèn, gây tai nạn… làm mất an ninh trật tự, tạo nguy cơ lây nhiễm.

Lợi dụng đèn, còi ưu tiên “thông chốt”

Trước đó, ngày 1.9, một xe cứu thương chở 3 người từ vùng dịch TP.HCM di chuyển trên cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, khi đến địa phận xã Hòa Nhơn, H.Hòa Vang (Đà Nẵng) đã chuyển 3 người này sang xe cứu thương khác (BS 43B - 055.43) để tiếp tục chở đến nhà người thân của họ trên đường Doãn Uẩn (P.Khuê Mỹ, Q.Ngũ Hành Sơn).
Xe cứu thương này thuộc Công ty TNHH Home Care Tuấn Hoàng (23 Hoàng Trung Thông, P.Hòa Minh, Q.Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng).

Hiện trường vụ tai nạn tại ngã tư Quang Trung - Nguyễn Thị Minh Khai (Q.Hải Châu) hôm 24.8

Ảnh chụp màn hình

Tổ phòng chống Covid-19 cộng đồng tổ dân phố số 8, Mỹ Đa Tây 3 (P.Khuê Mỹ) phát hiện vụ việc và trình báo cơ quan chức năng. Kết quả thử test nhanh Covid-19 cho thấy cả 3 người đều âm tính, trong đó có một người bị bệnh khác (không phải bệnh nhân Covid-19).
Dư luận địa phương thắc mắc vì sao xe cứu thương 43B - 055.43 có thể đón chở người về từ vùng dịch vào trung tâm TP.Đà Nẵng một cách dễ dàng, không khai báo y tế, trốn cách ly… Đồng thời, nhiều ý kiến nghi vấn có hay không lỗ hổng nào trong việc kiểm soát loại hình cứu thương tư nhân, và liệu xe cứu thương có lợi dụng quyền ưu tiên để hợp đồng chở người sai quy định?

Kinh hoàng 2 xe cấp cứu tông nhau ở Đà Nẵng, F1 tử vong, nữ điều dưỡng bị thương nặng

Ngày 6.9, trao đổi với PV Thanh Niên, trung tá Phạm Hồng Hải, Trạm trưởng Trạm CSGT cửa ô Hòa Nhơn, Công an TP.Đà Nẵng, cho biết xe cứu thương 43B - 055.43 không đi qua chốt kiểm soát dịch cửa ô Hòa Nhơn (đóng ở H.Hòa Vang).
Theo trung tá Hải, khi tiếp nhận được thông tin từ Công an Q.Ngũ Hành Sơn, Trạm CSGT cửa ô Hòa Nhơn điều tra xác định xe này sau khi tiếp nhận người đã di chuyển ra khỏi cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, chạy theo tuyến đường tránh Nam Hải Vân qua các chốt ở khu dân để luồng lách vào trung tâm TP.Đà Nẵng.
“Tài xế xe cứu thương 43B - 055.43 là người địa phương, nắm bắt được thông tin không thể chở người qua chốt kiểm soát dịch Covid-19 cửa ô Hòa Nhơn vì sẽ bị kiểm tra, nên di chuyển lên đường tránh, chạy vào các chốt kiểm soát dịch địa phương. Các anh em ở chốt cơ sở khi thấy xe cứu thương bật đèn, còi ưu tiên sẽ tạo điều kiện hết sức để cứu người. Còn tài xế lợi dụng sự hỗ trợ đó để đưa người từ vùng dịch vào thành phố”, trung tá Hải nói.
Trạm trưởng Trạm CSGT cửa ô Hòa Nhơn cũng cho biết thêm, suốt nhiều tháng qua, lực lượng chức năng tại chốt kiểm soát dịch cửa ô Hòa Nhơn đã dừng kiểm tra giấy tờ, khai báo y tế, test nhanh Covid-19 đối với tất cả các phương tiện khi vào TP.Đà Nẵng, kể cả xe cứu thương.

Liệu xe cứu thương có lợi dụng quyền ưu tiên để hợp đồng chở người sai quy định?

Huy Đạt

“Lực lượng chức năng kiểm tra người trên xe cấp cứu để xác định dịch tễ, người trên xe có phải đang trong trường hợp đi cấp cứu hay không? Việc kiểm tra cũng chỉ mất 1 - 2 phút. Trường hợp bệnh nhân nặng, nguy cấp thì lực lượng y tế tại chốt xác nhận để đi ngay, không có chuyện xe cứu thương lợi dụng đèn, còi ưu tiên để chạy thẳng qua chốt cửa ô mà không kiểm tra”, trung tá Hải khẳng định.
Vì vậy, theo trung tá Hải, hành vi bất chấp quy định để hợp đồng vận chuyển người từ vùng dịch vào trung tâm TP.Đà Nẵng khi thành phố đang phong tỏa nghiêm “ai ở đâu thì ở đó” rất đáng lên án. Việc tài xế sử dụng còi, đèn ưu tiên để “thông chốt” gây ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch Covid-19 của toàn thành phố, cần phải xử lý nghiêm để răn đe.

Covid-19 sáng 9.9: Cả nước 563.676 ca nhiễm, 325.647 ca khỏi | TP.HCM cho phép quán ăn bán mang về

“Xung đột” khi CSGT kiểm soát xe cứu thương

Đó là xe cứu thương từ bên ngoài vào Đà Nẵng. Còn ở phạm vi nội thành, hoạt động của xe cứu thương biển số trắng cũng có nhiều vấn đề đặt ra về công tác quản lý. Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, hơn 20 ngày Đà Nẵng phong tỏa (kể từ ngày 16.8), để phục vụ công tác phòng chống dịch, xe cứu thương biển số trắng hoạt động dày, chạy khắp các tuyến đường, nhiều xe đèn ưu tiên bật sáng choang, vượt đèn đỏ…

Lực lượng CSGT kiểm tra các phương tiện tại chốt kiểm soát dịch Covid-19 cửa ô Hòa Nhơn (H.Hòa Vang, TP.Đà Nẵng)

Huy Đạt

Cá biệt, ngày 24.8, xe cứu thương của Trung tâm Y tế Q.Sơn Trà chở bệnh nhân 85 tuổi (là trường hợp F1) bị tai biến mạch máu não đến Bệnh viện Đà Nẵng (Q.Hải Châu) điều trị bệnh nền và đã va chạm với với xe cứu thương biển số trắng 43B - 055.25 tại ngã tư Quang Trung - Nguyễn Thị Minh Khai (Q.Hải Châu). Hậu quả, bệnh nhân chấn thương và tử vong sau khi đưa đến bệnh viện, còn nữ điều dưỡng đi cùng xe cấp cứu của Trung tâm Y tế quận Sơn Trà bị thương nặng.
Đại tá Phan Ngọc Truyền, Trưởng phòng CSGT Công an TP.Đà Nẵng, thẳng thắn đánh giá: Hiện tình trạng xe cứu thương biển số trắng lạm dụng sự ưu tiên, vi phạm luật giao thông. Thời gian gần đây đã có hậu quả đáng tiếc xảy ra…
Theo đại tá Truyền, khi lực lượng chức năng làm nhiệm vụ phát hiện xe cứu thương vi phạm luật giao thông, nhưng lúc dừng xe để kiểm tra, xử lý thường xảy ra xung đột giữa lực lượng chức năng, tài xế và người nhà bệnh nhân. Cụ thể, việc kiểm tra sẽ kéo dài thời gian, có thể gây nguy hiểm cho người bệnh trên xe, đặc biệt có trường hợp tài xế phản ứng thái quá.

Chấn chỉnh, xử lý nghiêm xe cứu thương lợi dụng quyền ưu tiên

Trả lời PV Thanh Niên về việc quản lý đối với xe cứu thương biển số trắng, đại diện Sở Y tế TP.Đà Nẵng cho biết thời gian qua đơn vị chỉ cấp giấy phép đối với 2 xe cứu thương biển số trắng cho Công ty TNHH MTV Dịch vụ vận chuyển Thục Cát Tường (Q.Hải Châu). Còn lại, số lượng lớn xe cứu thương tư nhân đang hoạt động trên địa bàn TP.Đà Nẵng là do Sở GTVT cấp phép và Công an TP.Đà Nẵng kiểm soát trên đường.
Trước tình trạng xe cứu thương gây tai nạn trong nội thành Đà Nẵng, ông Lê Văn Trung, Giám đốc Sở GTVT kiêm Phó trưởng ban An toàn giao thông TP.Đà Nẵng, vừa ký văn bản đề nghị Sở Y tế, UBND các quận, huyện, Phòng CSGT Công an TP.Đà Nẵng chấn chỉnh hoạt động của các xe cứu thương, xử lý nghiêm các trường hợp xe cứu thương lợi dụng quyền ưu tiên để phóng nhanh, vượt ẩu, vi phạm trật tự an toàn giao thông, gây tai nạn giao thông; đề nghị lực lượng CSGT tăng cường tuần tra, xử lý nghiêm đối với việc sử dụng xe cứu thương sai mục đích, nhằm đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19.
Huy Đạt - An Dy
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.