SAN SẺ GÁNH NẶNG CHO NGÂN SÁCH
Nhiều vấn đề được đặt ra tại Hội nghị triển khai chiến lược phát triển thể dục, thể thao VN đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó câu chuyện làm thế nào để xã hội hóa thể thao, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách được lãnh đạo cơ quan bộ, ngành T.Ư lẫn địa phương đặc biệt quan tâm.
Theo báo cáo của Cục TDTT, thực chi ngân sách cho thể thao VN (bao gồm thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao) trong 5 năm qua lần lượt là 893 tỉ đồng (năm 2020), 890 tỉ đồng (2021), 1.242 tỉ đồng (2022), 893 tỉ đồng (2023) và 826,2 tỉ đồng (2024). Trong đó, ngoại trừ năm 2022 được chi ngân sách vượt quá 1.000 tỉ đồng do cộng thêm kinh phí tổ chức SEA Games 31, ở các năm còn lại, con số chỉ rơi vào khoảng 800 - 900 tỉ đồng. Nguồn ngân sách hạn chế, lại đầu tư thiếu trọng điểm khiến thể thao VN chưa thể có môn mũi nhọn, hội tụ VĐV ở đẳng cấp thế giới.
Tại hội nghị, Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt cho rằng ngân sách T.Ư cho thể thao hiện tại chỉ đảm bảo VĐV ở tất cả các môn tham gia khoảng 170 giải đấu mỗi năm nhằm gặt hái kinh nghiệm, thành tích và tích lũy điểm số cho tấm vé dự Olympic. Có những môn, VĐV cả năm chỉ được cấp ngân sách thi đấu 2 - 3 giải quốc tế, muốn thi đấu thêm phải… tự bỏ tiền túi hoặc tìm kiếm tài trợ. Trong những năm tới, ngân sách cho thể thao VN khó tăng đột biến. Điều này đòi hỏi các liên đoàn, hiệp hội thể thao cần tham gia nhiều hơn nữa trong khâu tuyển chọn, đào tạo và phát triển VĐV, để giảm bớt sự phụ thuộc vào T.Ư.
Theo nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao Ủy ban TDTT (nay là Cục TDTT) Nguyễn Hồng Minh, yêu cầu chuyển giao, san sẻ một số hoạt động của Cục TDTT sang cho các liên đoàn, hiệp hội đã được đề cập từ 30 năm trước. "Vấn đề này được nói đến cách đây 30 năm rồi, nên nếu bây giờ nói mới đang từng bước thực hiện, tôi cho rằng không hợp lý", ông Minh chia sẻ. Nguyên Trưởng đoàn thể thao VN đánh giá: Những môn thể thao có dấu ấn của liên đoàn thường phát triển nhanh, gặt hái thành tích tốt như bóng đá, bắn súng, taekwondo. Bên cạnh khâu quản lý VĐV và định hướng chiến lược, các liên đoàn thể thao còn đóng vai trò tìm kiếm tài trợ, vận động nguồn đầu tư xã hội hóa từ doanh nghiệp để phát triển thể thao, thay vì trông chờ ở ngân sách.
Bà Lê Thị Hoàng Yến, Cục phó Cục TDTT, khẳng định: "Một số liên đoàn trong nước đang làm tốt công tác xã hội hóa, nhờ quy tụ được những người giỏi, có tầm nhìn, nên làm việc bài bản và hiệu quả". Tuy nhiên, đây chỉ là số ít. Thể thao VN vẫn phụ thuộc ngân sách, vai trò của liên đoàn ở phần lớn các môn còn mờ nhạt.
BÀI TOÁN CŨ, ĐÁP ÁN MỚI ?
Vấn đề xã hội hóa thể thao đã được đặt ra từ nhiều năm qua, nhưng bước chuyển dịch sang hướng doanh nghiệp tham gia đầu tư vào thể thao còn chậm. Theo Phó giám đốc Sở VH-TT TP.HCM Nguyễn Nam Nhân, cơ chế, chính sách đầu tư cho thể thao còn chưa hoàn thiện để sức hấp dẫn lôi kéo nguồn lực xã hội.
Lãnh đạo ngành thể thao TP.HCM cũng nêu quan điểm: Đề án chiến lược phát triển thể dục, thể thao VN đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cần tập trung đến việc huy động các nguồn lực xã hội, khuyến khích hợp tác công - tư, thu hút vốn đầu tư từ tư nhân, tạo nguồn lực bổ sung cho phát triển thể thao trong bối cảnh ngân sách công hạn chế.
Theo ông Nguyễn Nam Nhân, thể thao VN cần quy hoạch cho một số tỉnh thành, ngành (Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Công an, Quân đội…) có thế mạnh hình thành các trung tâm huấn luyện tầm cỡ quốc gia để chia sẻ gánh nặng về đào tạo cho T.Ư; phát triển các chương trình TDTT đặc thù cho người khuyết tật, bao gồm cả việc cải thiện cơ sở vật chất và thiết kế các hoạt động phù hợp, hướng tới thành lập một trung tâm huấn luyện Paralympic quốc gia.
Ngoài ra, cần xây dựng chiến lược bảo trì và đầu tư dài hạn cho các cơ sở thể thao trọng điểm và thiết lập cơ chế hợp tác công - tư để tận dụng nguồn lực xã hội trong việc xây dựng, duy trì cơ sở hạ tầng thể thao.
Ngành thể thao TP.HCM đặt mục tiêu nâng tỷ lệ xã hội hóa thể thao từ 20% hiện tại lên 50% vào năm 2035. Muốn vậy, cần xây dựng các cơ chế khuyến khích đầu tư vào ngành công nghiệp thể thao, cải cách về thuế đất thể thao, giảm thuế cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thể thao và khuyến khích các hoạt động quảng bá sản phẩm, dịch vụ thể thao, gắn liền hoạt động du lịch thể thao cùng các sự kiện thể thao.
"Nếu không có đề án, hạ tầng chính sách phù hợp để đôi bên cùng có lợi giữa doanh nghiệp và nhà nước, khối tư nhân có thể không tham gia tích cực vào thể thao", ông Nhân khẳng định.
Bình luận (0)