Ở thời điểm hiện tại, Chính phủ đang quyết liệt với Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội. Nhưng thử nhìn lại, chủ đầu tư và người thuộc diện được mua nhà ở xã hội (NƠXH) vay vốn ở đâu, lãi suất thế nào? Gói 120.000 tỉ đồng đang thúc giục giải ngân có lãi suất cố định 7,7% trong 5 năm, cao hơn cả vay thương mại. Kết quả là giải ngân gói này đến nay hết sức khiêm tốn. Đây là điều đã dự liệu trước nên không có gì bất ngờ. Còn trên toàn cục, thống kê của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho thấy tất cả các chủ đầu tư dự án NƠXH đều chưa được hưởng chính sách ưu đãi tín dụng theo quy định của luật Nhà ở 2014 mà vẫn phải vay với lãi suất thương mại ở mức cao.
Tương tự về quỹ đất, báo cáo của Bộ Xây dựng chỉ rõ đến nay các địa phương trong cả nước khi lập quy hoạch xây dựng mới chỉ bố trí được khoảng 30% quỹ đất để thực hiện các dự án phát triển NƠXH nên về cơ bản thiếu trầm trọng. Một số tỉnh thành thậm chí chưa có dự án nào. Riêng 3 thành phố lớn nhất nước, cũng là nơi có nhu cầu cao nhất gồm TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng thì số dự án rất thấp. Về thủ tục, tại cuộc họp hai ngày trước về NƠXH, các doanh nghiệp tâm huyết đều phản ánh là rất nhiêu khê và mất thời gian, thậm chí còn hơn cả dự án nhà ở thương mại. Trong khi đó, chúng ta đều biết suất đầu tư NƠXH lợi nhuận thấp hơn hẳn các dự án cao, trung cấp. Tương tự với NƠXH cho thuê cũng như đối tượng được mua NƠXH hầu như chưa được hưởng chính sách ưu đãi nào về tín dụng, thủ tục... theo luật Nhà ở 2014. Cả cung và cầu đều khó, vậy thì làm sao có thể kêu gọi hay thu hút vốn đầu tư NƠXH?
Một vài phác thảo cho thấy bức tranh NƠXH giữa chủ trương và thực tế còn cách quá xa. Đáng nói là Chính phủ, Bộ Xây dựng, lãnh đạo nhiều tỉnh thành đều khẳng định, NƠXH có vai trò rất quan trọng, không chỉ đơn giản là vấn đề nhà ở mà còn tác động tới nhiều vấn đề khác như an sinh xã hội, mục tiêu phát triển kinh tế đô thị, chiến lược nhà ở quốc gia, NƠXH là phân khúc quan trọng của thị trường bất động sản của cả nước và mỗi địa phương, đặc biệt đối với các đô thị lớn... Nhưng với thực trạng nêu trên, rõ ràng sự quan tâm, ưu tiên cho phân khúc này là chưa tương xứng, là vẫn "trên nóng dưới lạnh". Bởi chúng ta hoàn toàn có thể đặt câu hỏi, tại sao các địa phương luôn kêu thiếu NƠXH, khẳng định sẽ ưu tiên phân khúc này nhưng không quy hoạch đủ quỹ đất, không đột phá thủ tục để thúc đẩy các dự án NƠXH trên địa bàn?
Trở lại với Đề án 1 triệu căn NƠXH hiện nay, có thể nói, chưa bao giờ phân khúc này nhận được sự quan tâm, cam kết của nhiều doanh nghiệp đến thế. Trong đó, có không ít doanh nghiệp chuyên trị phân khúc cao cấp, trung cấp cũng tâm huyết, đã và đang nỗ lực đóng góp vào quỹ NƠXH của đất nước. Vậy thì phần còn lại gồm chính sách, thủ tục, lãi suất, quỹ đất, sự quan tâm đồng hành của các cơ quan có thẩm quyền liên quan, của các địa phương cũng phải đồng bộ, đồng hành để nhà đầu tư không nản lòng. Có như vậy thì mới mong phát triển được quỹ NƠXH, thu hút được đầu tư vào phân khúc này, đáp ứng nhu cầu của người thu nhập thấp, của công nhân.
Đừng để năm nào cũng phải có hội nghị tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn cũ; cũng cam kết quyết tâm rồi năm sau các dự án NƠXH vẫn chậm, nguồn cung vẫn thiếu, ưu đãi vẫn không tới tay doanh nghiệp và người thụ hưởng.
Bình luận (0)