Nvidia có thể thâu tóm công ty thiết kế chip ARM

23/07/2020 14:50 GMT+7

Nvidia có thể trở thành một thế lực thống trị trong điện toán bằng cách mua lại một trong những công ty thiết kế chip quan trọng nhất là ARM.

Theo Android Authority, Nvidia được cho là đang tiến hành tiếp cận mua lại gã khổng lồ thiết kế chip ARM trong thời gian gần đây. Chưa rõ khoản tiền mà Nvidia chi ra để mua lại ARM từ gã khổng lồ công nghệ Nhật Bản SoftBank là bao nhiêu nhưng con số này sẽ không hề rẻ bởi SoftBank đã mua ARM vào năm 2016 với giá 32 tỉ USD.
Hiện cả ARM, Nvidia và SoftBank đều từ chối bình luận. Tuy nhiên SoftBank hoàn toàn có động cơ để bán ARM. Công ty đã bán hết tài sản để vượt qua đại dịch Covid-19, và ARM gần đây đã chuyển thêm nhóm Internet of Things sang SoftBank để thu hẹp trọng tâm. Nvidia sẽ giúp SoftBank tập trung vào các doanh nghiệp khác.
Tuy nhiên, nếu việc mua bán được tiến hành, đó sẽ là một trong những giao dịch quan trọng nhất trong lịch sử ngành công nghiệp chip. ARM tạo và cấp phép kiến trúc cơ bản cho hầu hết bộ xử lý di động của thế giới và ngày càng có ảnh hưởng trong điện toán nói chung. Công ty đang cung cấp bộ xử lý cho siêu máy tính mạnh nhất thế giới Fugaku của Nhật Bản và sẽ là trung tâm của các chip dành cho Mac của Apple trong tương lai.
Đối với Nvidia, một thỏa thuận có thể giúp hãng thiết kế và tối ưu hóa chip cho mọi thứ từ các thiết bị di động như Nintendo Switch cho đến PC và máy chủ. Sẽ không phải đợi lâu trước khi bắt đầu tùy chỉnh chip và thậm chí có thể có kiến trúc thiết kế ARM với phần cứng Nvidia.
Một động thái như thế này cũng sẽ phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ từ các quan chức chính phủ Mỹ. Nvidia sẽ kiểm soát hiệu quả tương lai của hầu hết điện thoại, máy tính bảng và máy tính. Có một mối quan tâm thực sự rằng Nvidia có thể hạn chế quyền truy cập vào công nghệ ARM hoặc các tính năng thiết kế có lợi cho các sản phẩm của chính họ. Các đối thủ cạnh tranh sẽ muốn đảm bảo đối xử công bằng. Nó sẽ đại diện cho một canh bạc lớn về phía Nvidia.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.