Ồ ạt chặt cao su

25/03/2014 09:58 GMT+7

Điệp khúc luẩn quẩn “trồng - chặt” đang gây thiệt hại cho nhiều nông dân trồng cao su ở các xã vùng sâu tỉnh Đắk Nông.

Ồ ạt chặt cao su
Cao su được đốn để bán gỗ ở xã Nghĩa Thắng - Ảnh: Trung Chuyên

Chặt vì giá bèo

Vào thời điểm này, dọc con đường khúc khuỷu từ Nhân Cơ vào các xã vùng sâu Nhân Đạo, Nghĩa Thắng, Đạo Nghĩa thuộc H.Đắk Rlấp (Đắk Nông) có thể bắt gặp hai bên đường từng đống thân cây cao su ngồn ngộn, nhiều chỗ đang được bốc lên xe tải chở đi tiêu thụ. Ông Sơn, một chủ thầu gỗ cao su, cho biết đã mua được gần 10 ha cao su của nông dân ở xã Nghĩa Thắng.

Bà Nguyễn Thị Nghĩa ở thôn Quảng Bình, xã Nghĩa Thắng, chỉ tay vào vườn cao su 2 ha đang được thuê người chặt, nói: “Cao su của nhà tôi trồng 15 năm nhưng năng suất thấp lắm, nếu bỏ thêm tiền đầu tư chăm sóc thì có thể khai thác thêm khoảng chục năm nữa. Hiện giờ lượng mủ cao su bán không đủ trả công thuê cạo nên phải chặt bỏ để tính trồng cây khác”. Theo bà Nghĩa, tiền thuê nhân công cạo mủ từ 200.000 - 250.000 đồng/ngày, trong khi thu hoạch chỉ khoảng 20 kg mủ, bán chưa đến 200.000 đồng/kg nên cầm chắc lỗ.

Ông Trần Văn Quảng ở cùng xã Nghĩa Thắng cho rằng giá mủ cao su tươi rớt dần từ hơn 30.000 đồng/kg cách nay hai năm xuống dưới 10.000 đồng/kg khiến nhiều nông dân điêu đứng. Ông Quảng nói: “Mỗi hécta cao su từ khi trồng đến lúc thu hoạch đầu tư tốn kém hơn 100 triệu đồng. Chặt bỏ thì xót lắm nhưng hiện nay nếu “bám” cây cao su thì mất nhiều hơn được; đành phải chuyển sang trồng hồ tiêu, bởi hạt tiêu hiện có giá tới 140.000 đồng/kg”.

Nhiều người lý giải việc ồ ạt chặt cao su do thông tin nhập khẩu cao su của các nước chững lại khiến giá mủ tiếp tục giảm sâu. Ông Lê Đức Thạnh, ở thôn 3, xã Đạo Nghĩa, giải thích: “Gần đây rộ tin đồn Trung Quốc trồng cao su với diện tích lớn ở Camphuchia, không lâu nữa nước này sẽ ngừng nhập mủ cao su của ta. Vì vậy, nhiều người trong vùng cùng bàn nhau phá cao su, chuyển trồng loại cây khác để tránh rủi ro”. Hiện chưa có thống kê đầy đủ về diện tích cao su bị đốn bỏ ở H.Đắk Rlấp, nhưng chỉ riêng ở xã Nhân Đạo, một cán bộ xã cho biết con số khoảng 29 ha.

Ồ ạt chặt cao su
Một nông dân xã Đạo Nghĩa chặt bỏ cao su trong rẫy của mình - Ảnh: Trung Chuyên

Nông dân “tự bơi”

Cách đây gần chục năm, khi giá mủ cao su lên cao, nông dân nhiều vùng ở Đắk Nông đổ xô trồng cao su tiểu điền trong tình trạng thiếu hiểu biết về kỹ thuật canh tác, sử dụng giống cây trôi nổi, kém chất lượng, nhiều vùng thổ nhưỡng không phù hợp do có độ cao trên 700 m… Đến nay, diện tích cao su toàn tỉnh đạt hơn 29.000 ha. Thời gian gần đây, nhiều diện tích cao su bước vào kỳ khai thác thì giá mủ xuống thấp, khá nhiều vườn cây không cho mủ hoặc năng suất mủ quá kém, không đủ bù chi phí đầu tư. Từ năm 2013, việc phá bỏ cây cao su của nông dân diễn ra rải rác ở các huyện Tuy Đức, Đắk Song, nhưng bước sang năm 2014 đã trở nên ồ ạt hơn ở H.Đắk Rlấp. Tuy nhiên, việc để nông dân “tự bơi” và trả giá bằng điệp khúc “trồng - chặt” gây lãng phí, thiệt hại lớn chưa được các cơ quan quản lý ở Đắk Nông đánh giá đầy đủ nguyên nhân và có giải pháp khắc phục.

Ở nhiều địa phương, chính quyền xã gần như không thể làm gì trước hiện tượng chặt cao su đã trở thành “bình thường” này. Ông Lê Ngọc Lâm, Phó chủ tịch UBND xã Nghĩa Thắng, giãi bày: “Xã không thể cấm cản người dân chặt bỏ cao su vì lâu nay họ tự định đoạt trồng cây gì trên đất của mình. UBND xã cũng chỉ vận động chung chung nông dân chuyển đổi cây trồng sao cho có hiệu quả”

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Đỗ Ngọc Duyên, Giám đốc Sở NN-PTNT Đắk Nông, cho biết hiện mới nắm thông tin sơ bộ ở H.Đắk Rlấp “dân chặt bỏ chỉ mấy hécta cao su thôi, sắp tới sẽ cho anh em đi kiểm tra tình hình cụ thể”.

Trung Chuyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.