Ồ ạt học lấy bằng lái ô tô: 'Giải mã' lời đồn học phí 'khủng'

05/03/2020 10:50 GMT+7

Lời đồn về phí học lấy giấy phép lái xe (GPLX) tăng lên từ 20-30 triệu đồng, bắt đầu từ ngày 1.5 - khi Thông tư 38 có hiệu lực, khiến “bầu đoàn thê tử” kéo nhau đi nộp hồ sơ.

Đi học vì sợ tăng học phí

Theo anh Nguyễn Hữu Long (ở P.Duy Tân, TP.Kon Tum, Kon Tum), gần đây anh nghe một số thông tin trong thời gian sắp tới việc thi GPLX ô tô sẽ khó hơn, học phí cũng cao hơn hiện tại rất nhiều lần. Do đó, anh tranh thủ thời gian đi học sớm để tránh việc nộp học phí cao. “Tôi nghe nói bắt đầu từ ngày 1.5 muốn thi bằng B2 phải học ròng rã 6 tháng trời. Đối với học phí đào tạo lái xe ô tô hạng B2 sẽ có mức tối thiểu từ 20-30 triệu đồng. Tranh thủ lúc chưa có gì thay đổi tôi liền đăng ký nộp hồ sơ đi học”, anh Long nói.
Còn anh Lê Văn Mười (ở H.Đăk Tô, Kon Tum) cho biết, vợ chồng anh ở huyện cách TP.Kon Tum gần 60 km, vì nghe nói thời gian tới sẽ tăng học phí học lái xe ô tô lên đến 30 triệu đồng nên anh và vợ rủ nhau xuống TP.Kon Tum học. Dù xa xôi, nhưng hai vợ chồng cũng cố gắng tranh thủ học sớm cho đỡ tốn tiền. Anh Mười tính toán: “Nếu học phí lái xe ô tô B2 lên đến 30 triệu đồng thì hai vợ chồng tôi mất tới 60 triệu đồng, lấy tiền đâu mà học. Tranh thủ lúc học phí đang rẻ, hai vợ chồng túc tắc đèo nhau từ huyện về thành phố nộp hồ sơ đi học”.

Có người nộp 10 hồ sơ một lúc

Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, tại các cơ sở đào tạo, sát hạch, cấp GPLX trên địa bàn tỉnh Kon Tum, lượng hồ sơ người dân nộp vào học lái xe ô tô rất lớn. Ông Tiêu Quang Tuyến, Giám đốc Trung tâm Đào tạo công nhân kỹ thuật vận tải (Công ty CP vận tải ô tô Kon Tum) cho biết, các năm trước vào dịp đầu năm lượng người nộp hồ sơ học bằng lái xe hạng B2 tăng hơn dịp cuối năm nhưng chưa năm nào lại tăng đột biến như năm nay. Nếu như các năm trước, khoảng thời gian đầu năm chỉ có khoảng 150 người mua hồ sơ học. Thậm chí có thời điểm trung tâm phải đăng thông báo tuyển sinh nhưng vẫn thiếu học viên. Thế nhưng năm nay, dù mới là đầu năm nhưng lượng hồ sơ đăng ký học đã tăng lên trên 400 hồ sơ. Có người đến mang theo cùng một lúc 4-5 bộ hồ sơ đăng ký học cho vợ, con, anh em. Đặc biệt, có người mang đến nộp cả 10 bộ hồ sơ, nộp luôn cho cả đồng nghiệp, bạn bè. Có ngày trung tâm nhận từ 40-50 hồ sơ đăng ký học lái ô tô.
Tương tự, tại Trung tâm Đào tạo, sát hạch lái xe Koruco Kon Tum (Công ty CP cao su Kon Tum) cũng đang trong tình trạng quá tải. Ông Lê Văn Hướng, giám đốc trung tâm, cho biết, thời gian gần đây người dân tại nhiều nơi trên địa bàn ồ ạt rủ nhau đi học bằng lái xe ô tô, vì vậy lượng hồ sơ thời điểm này quá nhiều. Hiện tại trung tâm chuẩn bị khai giảng khóa 97 nhưng hồ sơ đã nhận đến khóa 102. “Đơn vị chúng tôi đang có hơn 350 hồ sơ đang chờ khai giảng, con số này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Vài ngày trước có một vị cán bộ đang công tác tại Kon Tum cũng đem đến nộp 7 bộ hồ sơ đăng ký học bằng lái xe hạng B2”, ông Hướng cho biết.

Do... Thông tư 38?

Theo ông Lê Văn Hướng nguyên nhân dẫn đến tình trạng người dân đổ xô đi học bằng lái là do Thông tư 38 quy định về đào tạo và sát hạch lái xe có một số sự điều chỉnh. Cụ thể từ ngày 1.5, các trung tâm sẽ lắp camera giám sát người học. Học viên khi tham gia học sẽ điểm danh bằng vân tay. Học viên nếu vắng học quá số tiết sẽ không được thi thực hành mà phải hoàn thành phần học lý thuyết. Sau khi thi lý thuyết, các học viên sẽ phải thi trên thiết bị mô phỏng, khi hoàn thành bài thi này mới tiếp tục thi phần thực hành. Bắt đầu từ ngày 1.1.2021 các trung tâm sẽ lắp đặt các camera giám sát vào xe để nhận dạng học viên. Quy định này yêu cầu học viên phải thực hành đủ số km quy định thì mới được thi.
Còn theo ông Tiêu Quang Tuyến, Thông tư 38 thay đổi khiến việc học bằng lái của các học viên bị siết chặt hơn. Thêm vào đó, Bộ GTVT cũng đang có một số đề án tăng số lượng câu hỏi trong thi lý thuyết từ 450 lên 600 câu hỏi. Trong đó có 50 câu hỏi bắt buộc phải trả lời đúng. Tất cả những sự điều chỉnh này đã khiến cho người dân đổ xô đi học bằng lái trước khi thông tư trên có hiệu lực.
Ông Tuyến cho biết thêm, việc sửa đổi luật là vậy nhưng sẽ không ảnh hưởng tới học phí. Lời đồn về việc học phí tăng lên từ 20-30 triệu đồng là hoàn toàn không có cơ sở. Hiện tại đơn vị và các trung tâm khác vẫn giữ nguyên học phí như trước đây, chưa hề có thay đổi.
Cũng theo ông Tuyến, khi thực hiện việc đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe theo quy định mới thì chắc chắn sẽ tăng học phí, bởi các đơn vị đào tạo sẽ phải trang bị thiết các thiết bị phục vụ công tác đào tạo, sát hạch như máy camera, thiết bị mô phỏng… Dù vậy, lệ phí cũng không thể tăng lên đến 30 triệu được, tăng gấp 5 lần so với hiện tại được.
“Theo nhận định của cá nhân tôi, học phí có thể tăng nhưng không thể tăng đến mức khủng khiếp như người dân đồn đoán. Hiện tại mặt bằng chung mức học phí tại các trung tâm là khoảng 7 triệu, nếu có tăng thì chỉ đến khoảng 10 -11 triệu đồng”, ông Tuyến thông tin thêm. (còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.