TP.Nha Trang có nhiều khu vực đồi núi với tầm nhìn hướng biển nên nhiều chủ đầu tư đã xin triển khai các dự án biệt thự, nghỉ dưỡng trên núi cao. Tuy nhiên, phần lớn các dự án thuộc khu vực đồi núi đều sai quy hoạch nên tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Ám ảnh sạt lở vào mùa mưa
Theo Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa, TP.Nha Trang hiện có 82 dự án trên đồi núi. Cụ thể, khu vực núi Cô Tiên có 30 dự án, các đồi núi ở xã Phước Đồng 17 dự án, núi Chín Khúc 15 dự án, núi Cù Hin 12 dự án, núi Chụt 8 dự án. Trong đó, có 58 dự án đã có chủ trương hoặc thủ tục pháp lý cho phép đầu tư, còn lại đang xin thủ tục đầu tư hoặc đã bị thu hồi. Trong 82 dự án nói trên, chỉ có 13 dự án phù hợp hoàn toàn với quy hoạch chung TP.Nha Trang (đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2012); 13 dự án khác phù hợp một phần, còn lại đều trái quy hoạch.
Đáng chú ý, các dự án thuộc khu vực đồi núi đều thuộc diện khu vực xung yếu, có nguy cơ sạt lở cao trong mùa mưa bão và đã có những dự án sạt lở gây chết người.
Phần lớn các dự án thuộc khu vực đồi núi đều sai quy hoạch nên tiềm ẩn nhiều rủi ro. |
đình vũ |
Một vụ sạt lở kinh hoàng tại dự án Khu nhà ở cao cấp Hoàng Phú trên núi Cô Tiên |
Đinh Vũ |
Tại dự án Khu nhà ở cao cấp Hoàng Phú do Công ty TNHH đầu tư và phát triển Thanh Châu (Khánh Hòa) làm chủ đầu tư, thuộc khu vực núi Cô Tiên. Tháng 11.2018, mưa lớn khiến dự án sạt lở nghiêm trọng làm 4 người trong một gia đình nhà giáo thiệt mạng và hàng chục nhà dân phía dưới chân núi bị “xóa sổ”. Trong kết luận Thanh tra Chính phủ hồi tháng 11.2020 về các dự án tại Khánh Hòa, thì dự án Hoàng Phú có hàng loạt sai phạm trong việc giao đất, lựa chọn chủ đầu tư không qua đấu thầu, đấu giá.
Tại dự án Khu biệt thự cao cấp Marina Hill, do Công ty TNHH Đồi Xanh Nha Trang làm chủ đầu tư tại xã Vĩnh Ngọc, TP.Nha Trang, cứ vào mùa mưa là nỗi ám ảnh của hàng trăm hộ dân xung quanh khi bức tường cao 15 m tại đây được dựng ngay phía trên nhà dân. Dù dự án mới triển khai, nhưng bức tường bao quanh dự án thường xuyên bị nứt, sụt lún nhiều điểm khiến người dân mất ăn mất ngủ. “Cứ mưa lớn kéo dài là nghe tiếng đá từ bức tường dự án rơi lã chã không sao ngủ được. Năm ngoái, nhiều điểm tường nứt, rỉ nước, dân chúng tháo chạy khỏi nhà để đảm bảo an toàn”, ông Nguyễn Minh Nam, sống dưới chân tường dự án Marina Hill, cho biết.
Mới đây, để đảm bảo an toàn cho người dân, chính quyền đã tạm dừng hoạt động xây dựng tại dự án, đồng thời lên kế hoạch di dời các hộ dân khỏi khu vực này. Tuy nhiên, việc di dời rất tốn kém và nhiều người dân chưa đồng thuận vì quy trình cấp phép dự án cũng như công tác quản lý trong quá trình thi công dự án này.
Ngoài các vụ sạt lở nói trên, vụ sạt lở tại khu vực thôn Thành Phát, Thành Đạt thuộc núi Hòn Rớ (xã Phước Đồng) vào cuối năm 2018 làm hơn 10 người thiệt mạng. Đáng nói, các khu vực sạt lở này đều có các dự án biệt thự, đất nền đang triển khai trên núi.
Cấp phép dự án trái quy hoạch
Liên quan 82 dự án thuộc khu vực đồi núi nói trên, ông Nguyễn Văn Thiện, Chánh văn phòng, người phát ngôn UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết từ tháng 12.2020, UBND tỉnh đã chỉ đạo tạm dừng xây dựng triển khai các dự án nói trên để chờ cập nhật vào các quy hoạch tỉnh đang thực hiện. Dự án nào phù hợp sẽ được triển khai, đồng thời loại bỏ các dự án không phù hợp. Tuy UBND tỉnh đã có thông báo gửi các sở, ngành, UBND TP.Nha Trang và các chủ đầu tư nhưng tình trạng xây dựng tại các dự án thuộc khu vực có nguy cơ sạt lở vẫn được triển khai.
Cụ thể, dự án Khu đô thị hướng biển Nha Trang Haborizon tại khu vực đồi núi xã Phước Đồng, hồi đầu năm 2021 đã nổ mìn san lấp mặt bằng với 64,5 tấn thuốc nổ gây ảnh hưởng đến 70 hộ dân sống gần dự án. Nhiều hộ dân tại hai thôn Thành Phát, Thành Đạt (xã Phước Đồng, ngay bên dưới dự án) cho rằng việc chủ đầu tư nổ mìn khiến nhà cửa của họ bị nứt nẻ. Đồng thời, đề nghị chủ đầu tư dừng nổ mìn phá đá để đảm bảo cuộc sống, cũng như có trách nhiệm bồi thường thiệt hại nhà cửa.
Sau khi vụ việc xảy ra, UBND tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo chủ đầu tư dự án là Công ty TNHH đầu tư xây dựng Thế Giới Xanh (TP.HCM) dừng nổ mìn để san lấp mặt bằng, có phương án đảm bảo an toàn tránh sạt lở đối với các hộ dân bên dưới và thực hiện nghiêm các yêu cầu trong nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được UBND tỉnh phê duyệt. Đáng nói, theo quy hoạch chung TP.Nha Trang đã được Thủ tướng phê duyệt, dự án này nằm trên đất rừng phòng hộ, không phù hợp quy hoạch chung đã duyệt. Đến nay, dù dự án mới san ủi mặt bằng nhưng chủ đầu tư đã bán hàng trăm lô đất nền cho khách hàng cách đây nhiều năm.
Cách dự án Haborizon không xa là dự án Khu biệt thự biển và dịch vụ du lịch Anh Nguyễn - Nha Trang ở khu vực núi Chụt, cũng nằm trong diện có nguy cơ sạt lở. Dự án có tổng diện tích hơn 116.800 m2, trong đó diện tích đất xây dựng khoảng 72.900 m2. Nhiều năm nay, chủ đầu tư dự án này đã cho bạt núi nham nhở, tự mở đường quanh sườn núi để phục vụ việc xây dựng 40 biệt thự, san nền 39 lô biệt thự khác. Qua quan sát, dự án này hiện có một số điểm sạt lở dưới chân các tuyến đường tự mở, rất nguy hiểm cho khu vực xung quanh. Mặc dù dự án nằm chỗ xung yếu và có nguy cơ sạt lở cao, nhưng mới đây chủ đầu tư đã xin điều chỉnh quy mô dự án theo hướng tăng chiều cao và diện tích xây dựng. Đáng chú ý, tuy chưa được chính quyền thông qua việc điều chỉnh tăng quy mô dự án, nhưng suốt thời gian qua, chủ đầu tư vẫn liên tục chào bán các sản phẩm liên quan.
Dự án Haborizon được cấp phép trên núi cao, tiềm ẩn nhiều mối nguy cho cư dân phía dưới |
đình vũ |
Xây không phép, trái phép
Hiện nay, không ít dự án xây trên núi tại TP.Nha Trang không có giấy phép hoặc trái phép. Điển hình như dự án Khu biệt thự cao cấp Ocean View Nha Trang tại khu vực núi Chụt, P.Vĩnh Trường, do Công ty TNHH thương mại dịch vụ Thiên Nhân II làm chủ đầu tư. Dự án này đã có hơn
10 biệt thự xây dựng không phép, sai phép rất nghiêm trọng trong thời gian dài. Cụ thể, theo quy hoạch được duyệt, các lô biệt thự tại đây được xây dựng không quá 3 tầng, nhưng thực tế có nhà đã xây gần 10 tầng; mật độ xây dựng vượt hơn 100%. Đến nay, dự án chưa được xử lý triệt để dù chính quyền đã ban hành các quyết định cưỡng chế, buộc khắc phục hậu quả.
Theo Sở Xây dựng Khánh Hòa, Sở vừa có văn bản liên quan việc phòng, chống thiên tai, đảm bảo an toàn cho người, nhà ở và các công trình xây dựng trong mùa mưa bão năm nay trên địa bàn. Theo đó, đối với các dự án có công trình xây dựng trên triền núi, đề nghị các chủ đầu tư tập trung lực lượng kiểm tra hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật trong dự án, cũng như các bờ bao, kè chắn đất của công trình; có biện pháp gia cố, chống đỡ tình trạng sạt lở đất, đá xuống khu vực dân cư lân cận. Tuy nhiên, theo người dân, việc làm này chỉ mang tính “chữa cháy”, vì cái dân cần là sự bảo đảm an toàn bền vững tại các dự án chứ không thể cứ vào mùa mưa là dân nơm nớp lo, sơ tán trong đêm... vì sợ sạt lở.
Bình luận (0)