Ồ ạt xây nhà trái phép chờ đền bù ở Quảng Nam

26/03/2023 09:46 GMT+7

Nghe tin chuẩn bị triển khai dự án hồ chứa nước Hố Khế, hàng chục hộ dân ở H.Tiên Phước (Quảng Nam) ồ ạt xây công trình, xây nhà trái phép trên đất sản xuất lâu năm, đất rừng, đất ruộng để... chờ đền bù.

Công trình "như nấm sau mưa"

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, tại thôn 2 (xã Tiên Lãnh), chỉ trong vòng bán kính khoảng 500 m, hàng chục công trình xây dựng nhà cửa, công trình chăn nuôi gia súc, gia cầm dựng lên ở khu vực rừng keo lá tràm, bờ suối và cả đất ruộng.

Phần lớn các công trình này đều tạm bợ, tường nhà ốp gạch men, hệ thống kèo mái là những thanh sắt lớn… và xây dựng trên đất rừng, đất trồng cây lâu năm.

Người dân Quảng Nam ồ ạt xây nhà trái phép đón đầu dự án chờ… đền bù - Ảnh 1.

Đã có hàng chục công trình xây dựng nhà cửa, công trình chăn nuôi gia súc, gia cầm dựng lên

MẠNH CƯỜNG

Theo người dân địa phương, công trình xây dựng "mọc" lên ồ ạt chỉ mới diễn ra khoảng nửa tháng trở lại đây, do có thông tin Nhà nước chuẩn bị đầu tư dự án hồ chứa nước Hố Khế trên địa bàn xã. Mục đích chính là "đón đầu", chờ hỗ trợ, đền bù.

Ông H. (48 tuổi, ở thôn 2) cho biết sau khi nghe thông tin chuẩn bị có đầu tư, xây dựng dự án hồ chứa nước Hố Khế, mấy ngày qua nhiều người dân cấp tập chở gạch đá, xi măng, cát vào để xây nhà ở, chuồng trại... "Thấy người dân ồ ạt xây dựng, gia đình tôi cũng "đứng ngồi không yên", nên vay mượn mấy chục triệu đồng để dựng căn nhà nhỏ trên phần đất sản xuất của mình", ông H. nói.

Theo ông H., việc xây dựng lên một căn nhà cấp 4 thì rất đơn giản, nhưng vất vả nhất vẫn là công đoạn vận chuyển vật liệu vào.

Người dân Quảng Nam ồ ạt xây nhà trái phép đón đầu dự án chờ… đền bù - Ảnh 2.

Theo kiểm tra, có gần 60 công trình xây dựng trái phép mọc lên

MẠNH CƯỜNG

"Đường khó đi, phải vượt qua các khe suối, đồi dốc nên mất nhiều thời gian. Mỗi công trình xây dựng trong này thấp nhất phải mất khoảng 30 triệu đồng. Các công trình này chưa biết có được hỗ trợ hay không, nhưng thấy người khác xây thì mình cũng... đua theo xây thôi", ông H. chia sẻ.

Đang chở những bao xi măng vượt con dốc, ông T. (ở thôn 2) nói: "Gia đình tôi xây dựng trang trại nhỏ khoảng hơn 30 triệu đồng. Tất cả các hộ dân ở đây đều xây dựng trên phần đất sản xuất lâu năm của gia đình. Ở đây cũng có trang trại làm từ rất lâu, khi chưa có thông tin dự án, nhưng đa phần các công trình đều mới xây dựng sau khi hay tin có chủ trương đầu tư dự án hồ chứa nước Hố Khế", ông T. nói.

Xử lý rốt ráo, yêu cầu tự tháo dỡ công trình vi phạm

Ông Bùi Sang, Chủ tịch UBND xã Tiên Lãnh cho biết, chính quyền địa phương vừa phối hợp UBND H.Tiên Phước lập đoàn công tác lên kiểm tra hiện trạng. Chính quyền xã Tiên Lãnh cũng đã lập biên bản xử lý vi phạm các công trình xây dựng trái phép. Trước mắt, địa phương vận động người dân chủ động tháo dỡ, nếu không tháo dỡ thì buộc phải xử lý.

Người dân Quảng Nam ồ ạt xây nhà trái phép đón đầu dự án chờ… đền bù - Ảnh 3.

Nhiều công trình xây dựng trên đất lâm nghiệp

MẠNH CƯỜNG

"Chúng tôi cũng đã chỉ đạo quyết liệt, phải xử lý sớm vụ việc này không để tình trạng này tái phạm nữa. Địa phương mới thông báo sẽ triển khai dự án thì người dân đã đua nhau xây dựng, khiến trở tay không kịp. Khu vực người dân xây dựng nằm trong núi, xa khu dân cư nên rất khó phát hiện để quản lý", ông Sang chia sẻ.

"Mới có hơn 10 ngày mà người dân đã xây dựng các công trình trái phép như một đại công trường. Quan điểm của UBND huyện sẽ giải quyết triệt để, ráo riết nghiêm túc chứ không làm để cho có".

Ông Nguyễn Hùng Anh, Phó chủ tịch UBND H.Tiên Phước

Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Hùng Anh, Phó chủ tịch UBND H.Tiên Phước, cho hay hiện trạng xây dựng công trình trái phép tại khu vực triển khai dự án hồ chứa nước Hố Khế diễn biến hết sức phức tạp. Qua kiểm tra thực địa, có gần 60 công trình, vật kiến trúc xây dựng trái phép nhằm trục lợi bồi thường, giải phóng mặt bằng nhưng UBND xã Tiên Lãnh chậm phát hiện, xử lý không kịp thời.

"Mới có hơn 10 ngày mà người dân đã xây dựng các công trình trái phép như một đại công trường. Quan điểm của UBND huyện sẽ giải quyết triệt để, ráo riết nghiêm túc chứ không làm cho có", ông Hùng Anh nói.

Người dân Quảng Nam ồ ạt xây nhà trái phép đón đầu dự án chờ… đền bù - Ảnh 5.

Chính quyền H.Tiên Phước yêu cầu người dân tự tháo dỡ các công trình xây dựng trái phép

MẠNH CƯỜNG

Theo ông Nguyễn Hùng Anh, để khắc phục dứt điểm các sai phạm nêu trên, huyện đã đề nghị UBND xã Tiên Lãnh tổ chức kiểm soát các tuyến đường vào khu vực triển khai dự án hồ chứa nước Hố Khế. Nghiêm cấm các phương tiện chuyên chở vật liệu xây dựng, không để người dân tiếp tục xây dựng công trình trái phép.

Các trường hợp cố tình vi phạm phải được xử lý nghiêm, đồng thời thông báo bằng văn bản cho từng hộ dân có liên quan được biết, yêu cầu tự tháo dỡ công trình vi phạm.

Các trường hợp không chấp hành tự tháo dỡ công trình vi phạm thì khẩn trương xác lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính, tiến đến cưỡng chế thực hiện, hoàn thành việc xác lập toàn bộ hồ sơ xử lý vi phạm hành chính trước ngày 30.4.

Người dân Quảng Nam ồ ạt xây nhà trái phép đón đầu dự án chờ… đền bù - Ảnh 6.

Các công trình trái phép xây dựng dọc đường vào khu vực hồ chứa nước Hố Khế

MẠNH CƯỜNG

"Đối với những công trình trái phép người dân không chịu đứng ra nhận thì sẽ xác lập công trình vô chủ. UBND xã Tiên Lãnh sẽ lập phương án tự tháo dỡ. Vì số lượng công trình nhiều nên cần thời gian nhất định để xử lý, dứt khoát chúng tôi sẽ giải quyết rốt ráo để không tái diễn tình trạng này nữa. Chúng tôi sẽ xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm theo quy định để răn đe, tạo niềm tin trong nhân dân", ông Hùng Anh nói.

Dự án hồ chứa nước Hố Khế thuộc dự án Cụm hồ chứa nước Hố Khế, Mò Ó, Cha Mai, được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách T.Ư do Bộ NN-PTNT quản lý và ngân sách tỉnh với tổng mức đầu tư trên 130 tỉ đồng (trong đó chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư trên 36,5 tỉ đồng). Diện tích xây dựng công trình 40,43 ha.

Việc đầu tư công trình hồ chứa nước Hố Khế có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế trên địa bàn xã Tiên Lãnh nói riêng và H.Tiên Phước nói chung; tạo nguồn cấp nước sinh hoạt và nâng cao diện tích chủ động nước tưới trên địa bàn xã phục vụ sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.