Ở Ban Mê mà nhớ Long An…

02/11/2022 15:00 GMT+7

Hồi tôi còn dạy học ở Sài Gòn, cứ mỗi chiều thứ sáu, sau khi dạy xong, tôi hồ hởi lái xe máy xuống thành phố Long An để thăm chị gái và tạm xa rời nơi chốn phồn hoa đô hội, để hòa mình vào không gian thiên nhiên của cánh đồng lúa xanh mơn mởn với đàn cò trắng bay lả lơi, của vựa rau xanh nõn, cùng mương nước chảy và nhịp cầu khỉ uốn cong...

Dịp cuối tuần tôi ít ở lại thành phố, tôi thường tranh thủ xuống Long An rong chơi. Long An cách TP.HCM chỉ chừng bốn mươi cây số, hai thành phố là “hàng xóm của nhau”, ấy thế mà lạ, một bên huyên náo, ồn ào và nhộn nhịp. Bên còn lại trầm lắng, thôn dã. Đến với Long An tôi thấy một không gian xanh hiện ra trước mắt. Đối lập tương phản hoàn toàn với Sài Gòn, mặc dù hai thành phố chỉ qua lại mươi bước chân”.

Sông Vàm Cỏ Tây, đoạn chạy qua thành phố Tân An, tỉnh Long An

bắc bình

Là người vùng Tây Nguyên - thành phố Buôn Ma Thuột chân ướt chân ráo xuống miền Nam dạy học, tôi hai bàn tay trắng, rong ruổi xuống TP.HCM bằng chiếc xe máy được mua từ sức lao động của mình, tôi cảm thấy tự hào trên hành trình sự nghiệp, nhưng nhiều lần đã không tránh khỏi cảm giác lạc lõng, chơi vơi giữa chốn thành phố vốn ồn ào, náo nhiệt này.

Tôi không có người thân ở TP.HCM. Nhưng rất may, chị gái tôi lấy chồng và an cư lạc nghiệp ở Long An trước năm 1975, điều này như một điểm tựa tinh thần cho tôi. Và Long An là miền đất tôi khám phá nhiều điểm mới lạ, từ con người cho đến văn hóa ẩm thực đặc sắc.

Nhắc đến Long An tôi thấy nhớ huyện Tân Trụ, huyện Thủ Thừa, nhớ Cần Đước, Cần Giuộc, nhớ đến ly cà phê độc đáo, mà mới ngày nào cháu trai rủ tôi đi uống, giờ đã trở thành kí ức. Ly cà phê độc đáo pha chế đặc biệt khác với phong cách của dân Ban Mê. Ở Long An, ngồi quán gọi cà phê sữa đá, chủ quán bưng ra ba ly, một ly đá, một ly sữa đặc, và một ly cà phê pha phin nóng. Chờ từng giọt cà phê cuối cùng rơi xuống ly hẳn, sau đó mới đổ sữa vào, và tự khuấy đều cho hợp khẩu vị, cuối cùng khách tự thêm đá vào và thưởng thức. Khác hẳn với cách pha chế cà phê ở Ban Mê là khi gọi cà phê sữa đá thì chủ quán bưng ra một ly đã có sẵn sữa, cà phê và đá, khách chỉ nêm nếm sao cho hợp vị và ngồi nhâm nhi.

Ăn phở ở Long An cũng thế, sao mà khác biệt quá. Gọi một tô phở bò, cô chủ bưng tô phở đã chan nước lèo, mấy lát thịt bò và cá viên tròn như hòn bi, và một đĩa rau sống gồm xà lách, rau húng quế, rau ngổ. Trên bàn có chai tương cà, tương đen. Khách đổ hai loại tương này vào chén nhỏ, rắc thêm ớt thái sẵn, trộn lên. Sau đó gắp thịt bò cùng cá viên từ tô phở ra chấm vào chén tương và xì xụp ăn ngon lành.

Chiều tà cuối tuần rảnh rỗi, tôi thường chạy xe máy từ nhà chị tôi ở Tân Trụ rồi qua cầu sông Vàm Cỏ Tây, ngồi ngắm sông ở thành cầu, ngắm bóng chiều buông lững lờ, ánh hoàng hôn hắt xuống dòng sông, tạo ra một màu lấp lánh, vàng vọt. Tôi chạy xe chầm chậm vào trung tâm thành phố Long An, ngồi uống cà phê, thảnh thơi không suy nghĩ, thả hồn mình vào những ca khúc đậm chất miền Tây và giật mình nhận ra màn đêm khẽ khàng vây quanh tôi từ lúc nào.

Tới Long An là thèm mắm cá linh, thèm rau sống chấm mắm cá linh, đạm bạc, đơn sơ nhưng lại là đặc sản ở cái xứ này. Vài lá xà lách xanh nõn, mấy miếng khóm chua ngọt, rau thơm như húng quế, tía tô,… tất cả cuốn chặt lại chấm vào chén mắm thì mọi giác quan trở nên lâng lâng.

Các món ăn được làm từ bông điên điển. Bánh xèo bông điên điển, canh chua bông điên điển,… và với tôi hấp dẫn nhất vẫn là món bánh xèo bông điên điển. Bông điên điển phải được hái vào lúc sẩm tối, bông mới tươi và ngọt, vì thế tôi cùng chị chèo ghe ra giữa sông để hái bông, cánh đồng bông điên điển vàng rực rỡ. Hái bông xong, tôi cùng chị ra chợ mua ít nguyên liệu như tôm, giá đỗ,… Tôm bóc vỏ, xào sơ. Bột bánh xèo khuấy cho tan, dùng cọ chuối phết dầu vào chảo cho thật nóng và tráng bánh cho thật mỏng. Tiếp theo rắc tôm, giá đỗ, bông điên điển,… lên mặt bánh và đậy nắp lại, vài phút bánh chín vàng ruộm giòn tan, chị gấp bánh lại thành hình bán nguyệt và vớt ra ăn ngay cho nóng. Tôi thích ngồi bên cạnh phụ chị tráng bánh, và có thể ăn liền lúc đó. Cảm giác thật thú vị và ấm áp quá đỗi.

Về Ban Mê lại bỗng dưng “thèm người” Long An. Thèm được nghe họ nói chuyện, thèm được đi chợ và mặc cả, rồi họ nói “thôi kệ, sao cũng được” mà nghe ngọt ngào, cưng quá đỗi. Con người ở Long An niềm nở, xởi lởi và vô cùng hiếu khách, tốt bụng. Nhớ có lần tôi mới đến Sài Gòn còn bỡ ngỡ, tôi bắt một chuyến xe buýt từ bến xe Chợ Lớn về Long An thăm chị, lóng ngóng không biết đường xá ra sao, những ông xe ôm ở Long An không hầm hồ, chèo kéo, bắt chẹt khách như các bến xe khác mà nhiệt tình, thân thiện chỉ đường cho tôi.

Đã lâu rồi, tôi không đến Long An, do tính chất công việc của tôi bận rộn, hay đó chỉ là cái cớ báo hiệu rằng tôi không muốn đi nữa, nhưng tôi cứ thấy nhớ, mỗi nỗi nhớ khó định hình về sự hồn hậu và chất phác của con người nơi đây.

Và tôi sẽ hẹn vào một ngày gần nhất. Bởi Buôn Ma Thuột đã “phải lòng” Long An rồi!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.