Tiến về Hà Nội trong cờ hoa
Những cây đàn accordeon đã rất lâu rồi mới xuất hiện nhiều đến thế trong một sự kiện quan trọng. Trong buổi sáng 6.10 tại sân Đoan Môn, Hoàng thành Thăng Long, cùng lúc nhiều thanh niên mặc sơ mi trắng vừa kéo đàn vừa đi vào. Bản nhạc họ chơi rất rộn rã - Tiến về Hà Nội. Đó là hình ảnh về ngày giải phóng được Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long Hà Nội tái hiện về ngày Giải phóng thủ đô 10.10.1954. Tiến về Hà Nội được cố nhạc sĩ Văn Cao sáng tác năm 1948, chỉ 1 năm sau ngày Toàn quốc Kháng chiến. Sau đó 7 năm, những lời ca và nhịp nhạc ông viết đã thành sự thật.
Người dân có mặt tại Hoàng thành cũng tham dự lễ chào cờ mô phỏng hình ảnh về lễ chào cờ cách đây 65 năm. Theo Hội Khoa học lịch sử VN, lễ chào cờ mừng chiến thắng đã được tổ chức tại sân Đoan Môn này vào 15 giờ ngày 10.10.1954. Giờ đây, sân Đoan Môn đã được quy hoạch thành điểm tổ chức các hoạt động cho cộng đồng trong khu di sản Hoàng thành Thăng Long.
“Người dân. Bản nhạc. Lễ chào cờ. Chúng tôi nhắc lại ở mức độ thế thôi, lúc đầu định ý tưởng lớn đấy, cũng định huy động lực lượng, nhưng sau lại thôi”, ông Dương Trung Quốc, Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử VN, nói. Ông Quốc cho biết âm nhạc của Tiến về Hà Nội gợi lại không khí của ngày giải phóng năm nào. Ông cũng chia sẻ sự nuối tiếc khi không dám mời ông Quỳ tới dự vì lý do sức khỏe. Ông Quỳ là người đánh đàn guitar trong những hình ảnh của ngày giải phóng trong phim của Karmen.
|
Phóng viên và người dân cùng góp ảnh
Cuốn sách Chúng ta đem vinh quang sức dân tộc trở về được ra mắt ngay trong ngày 6.10, cũng tại Hoàng thành Thăng Long. Ở đó, có tư liệu ảnh nhiều nguồn, cũng được Tạp chí Xưa & Nay của Hội Khoa học lịch sử VN gom góp từ 15 năm trước. Thời điểm đó, về ngày Giải phóng thủ đô, chỉ có một số ảnh của TTXVN, một số ảnh của Karmen (Nga) lấy từ trong phim ra. Chỉ có thế thôi và người ta vẫn dùng như vậy. Tuy nhiên, việc một người dân gửi ảnh về cho tạp chí đã khiến ông Dương Trung Quốc có kế hoạch mới. “Hồi đó có bác Thân Trọng Ninh ở Huế, bác đã cao tuổi rồi, có gửi ra 3 cuộn phim Kodak gồm 70 tấm, chụp khi đang còn là sinh viên. Chúng tôi nhận ra là thế nào cũng có những người khác chụp nữa. Lúc đó mới cho anh em đi tìm lại”, ông Quốc nhớ lại.
Ông Quốc cho biết việc tìm tư liệu cá nhân sau đó có nhiều kết quả tốt. “Như bác Phan Xuân Thúy là chủ hiệu ảnh Quốc tế chẳng hạn, bác có rất nhiều ảnh. Hay bác Trịnh Tiến, là công tử con nhà giàu, cũng có ảnh cổng chào hồi giải phóng. Rồi dần dần huy động thêm. Có người chỉ có một ảnh thôi, nhưng nó lại rất có ý nghĩa. Ví dụ như ảnh của bác Lê Sửu ở Hàng Đào, chụp người em của mình mới 7 tuổi đứng ngay trên đường phố, sau là những đoàn quân đang tiến vào. Nhưng sau đó, người em này của bác Sửu đi bộ đội và mất ở Quảng Trị. Chúng tôi làm triển lãm nhỏ hồi đó, lưu ảnh một số người xem, nhưng chưa in thành sách. Bây giờ thì chúng tôi muốn làm quy mô hơn, chủ yếu là công bố hình ảnh”, ông Quốc nói.
|
Khi một số ảnh được công bố lần đầu tiên cách đây 15 năm, chính GS sử học Trần Quốc Vượng cũng ngỡ ngàng. “Chúng tôi không quên được lời thảng thốt của GS Trần Quốc Vượng: “Ôi mẹ tôi đây này”, khi đến xem triển lãm đã nhận ra gương mặt của bà mẹ đứng trong đám đông đón chào quân giải phóng ngay cạnh bờ hồ”, ông Quốc nhớ lại.
Chúng ta đem vinh quang sức dân tộc trở về có 158 ảnh tư liệu, được chia làm 6 phần, gồm: Hà Nội khi quân Pháp rút; Không khí chuẩn bị và thời khắc tiếp quản; Lễ chào cờ lịch sử; Ủy ban quốc tế; Báo chí; Sau tiếp quản. Có nhiều tên tuổi nhiếp ảnh xuất hiện, trong đó có nhà nhiếp ảnh tài tử bậc thầy Nguyễn Duy Kiên, ông chủ hiệu ảnh Phan Xuân Thúy...
|
|
Nhiều câu chuyện cũng xuất hiện trong sách. Chẳng hạn, để đón mừng đoàn quân tiến về, trên các phố có dựng nhiều cổng chào. “Một cách thể hiện như Khải hoàn môn của người dân thủ đô dựng lên tại một số đường phố Hà Nội, nơi đoàn quân về tiếp quản đi qua. Hàng Đào dựng cổng bọc lụa điều. Hàng Thiếc lợp bằng tôn. Hàng Bông đính bông goòng”, sách viết. Kèm theo đó là nhiều hình ảnh Khải hoàn môn Hà Nội của 1954, hay cuộc sống mới của người dân Hà Nội sau giải phóng được phác họa bằng hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và các lãnh tụ nước bạn xuất hiện khắp nơi. Bộ đội về tiếp quản Hà Nội bằng mọi phương tiện, kể cả ngựa sắt lẫn ngựa thật. Từng nhóm người dân chăng đèn kết hoa đón bộ đội ở ngay trên những con phố của mình.
Những hình ảnh thời khắc lịch sử cũng có trong sách. Chẳng hạn, những đoàn xe cơ giới, bọc thép của quân đội Pháp chạy dọc đê qua cầu Long Biên, rồi theo đường 5 về Hải Phòng. Các đơn vị Âu Phi rút lên cầu Long Biên. Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Chủ tịch Ủy ban Quân chính; và bác sĩ Trần Duy Hưng, Chủ tịch Ủy ban Hành chính TP, chủ trì lễ chào cờ đầu tiên sau giải phóng...
Bình luận (0)