Ở lại đảo tiền tiêu

26/01/2020 07:00 GMT+7

Nhìn lại hành trình gần 40 năm gắn bó với đảo Bạch Long Vĩ, người được coi là “anh cả” của đảo tiền tiêu này bảo rằng “mấy tháng nữa khi về hưu, vợ chồng tôi sẽ vẫn ở lại với Bạch Long Vĩ…”.

Nhập ngũ năm 1978 khi vừa tròn 18 tuổi, chàng trai Đào Trọng Tuệ từ quê Ý Yên (Nam Định) khăn gói ra Hải Phòng làm lính phòng không - không quân ở Trung đoàn 240. Năm 1982, ông vào hải quân và ra đóng quân trên đảo Bạch Long Vĩ rồi "bén duyên" với hòn đảo tiền tiêu này cho đến tận bây giờ.

Hy sinh tuổi xuân, rời xa đất liền

Bạch Long Vĩ những năm ấy là hòn đảo hoang sơ nằm chơi vơi giữa vịnh Bắc bộ. Trước năm 1992, trên đảo chỉ có lực lượng vũ trang thường trực. “Lúc tôi ra, đảo vô cùng hoang sơ. Công trình trên đảo cũng chỉ có công sự của bộ đội và một vài căn nhà lá. Cỏ dại cao hơn đầu người. Nước ngọt rất hiếm và rắn thì nhiều vô kể, ông Tuệ nhớ lại.
Vì cách đất liền quá xa nên việc cung cấp nhu yếu phẩm cho bộ đội rất vất vả. Theo ông Tuệ, thời điểm đó 6 tháng mới có 1 chuyến tàu hàng ra đảo. Tàu di chuyển 1 giờ chỉ được 3 hải lý nên thường mất 24 giờ mới ra được đến đảo, những hôm sóng to, phải mất đến 40 giờ. “Vì đi lại khó khăn nên được về phép là một sự kiện lớn với anh em bộ đội. Thế mà lần phép đầu tiên của tôi lại bị lỡ”, ông Tuệ nhớ lại và cười sảng khoái: “Đó là vào năm 1982, anh em tổ chức liên hoan mừng tôi về phép. Thế rồi lại có lệnh báo động sẵn sàng chiến đấu, hủy mọi chế độ phép. Hơi hụt hẫng một chút nhưng tôi vẫn vui vẻ chấp hành, lính mà. Trung đội lại liên hoan vì… hủy phép”.
Sau lần đó, phải thêm 4 tháng nữa ông Tuệ mới được về đất liền thăm gia đình. Năm 1985, lần về phép thứ 2 thì chàng lính đảo lấy vợ.

Chung tay xây dựng đảo

Theo nhận xét của đồng đội và bà con trên đảo, ông Tuệ là một người cương nhu hài hòa, khéo léo. Chính vì vậy, khi lực lượng thanh niên xung phong ra đảo vào năm 1993, ông được cấp trên tin tưởng giao trọng trách phối hợp, giúp đỡ lực lượng còn non trẻ này. Bước ngoặt cuộc đời đến với ông Tuệ khi năm 1999 lãnh đạo thanh niên xung phong thành phố Hải Phòng ngỏ ý “xin” ông qua. Người “xin” lúc đó, bà Đào Thị Vinh, nguyên Tổng đội trưởng Thanh niên xung phong Hải Phòng, “bật mí” lý do: “Sự xuất hiện của một lực lượng khác ngoài quân đội khiến cuộc sống trên đảo có nhiều thay đổi. Trong quá trình cùng nhau xây dựng đảo, những người lính trẻ và thanh niên xung phong đôi khi xảy ra mâu thuẫn. Đó cũng là những mâu thuẫn rất “đời”. Nhưng mỗi lần như thế, anh Tuệ thường là người đứng ra hòa giải khiến tất cả đều vui vẻ. Ở anh ấy có sự nghiêm túc của quân đội và sự thấu hiểu với những người trẻ, hy sinh tuổi xuân, rời xa đất liền ra xây dựng đảo như lực lượng thanh niên xung phong”.
Ở lại đảo tiều tiêu1

Đảo Bạch Long Vĩ

Ảnh: Nguyễn Thịnh

Và rồi, sau 21 năm khoác áo lính, khi đã làm đến Cụm phó Cụm chiến đấu (tương đương tiểu đoàn phó) thì ông Tuệ quyết định ra quân để đảm nhiệm vị trí Đội trưởng Đội thanh niên xung phong đảo Bạch Long Vĩ. “Tôi về hỏi ý kiến gia đình, nhưng không ai đồng ý bởi tôi cũng đã ở trên đảo rất lâu rồi, sắp được chuyển về đất liền công tác. Nhưng tôi cứ suy nghĩ mãi, vì công cuộc xây dựng đảo lúc đó đang rất cần người. Tôi liền tâm sự với anh Võ Nhân Huân, nguyên Chính ủy Quân chủng Hải quân, thì anh ấy khuyên tôi nên sang thanh niên xung phong để có cơ hội phát triển và đóng góp nhiều hơn cho đảo. Cuối cùng, tôi nhận lời chị Vinh và đưa cả vợ con ra đảo sống luôn”, ông Tuệ tâm sự.
Khi chuyển qua thanh niên xung phong, ông Tuệ muốn xây dựng một đội ngũ chuyên chính, kỷ luật nên đã đưa nhiều cách làm của quân đội sang áp dụng. “Ban đầu anh em không quen, một số người còn phản ứng lại. Nhưng thấy cách làm của tôi khiến công việc, đời sống sinh hoạt ngày càng tốt hơn nên anh em bắt đầu hiểu và yêu quý. Khi đám cưới đầu tiên trên đảo giữa anh lính hải quân và cô gái thanh niên xung phong diễn ra, tôi vinh dự được cô dâu chú rể mời làm chủ hôn, ông Tuệ chia sẻ.
Trong 8 năm công tác trong đội ngũ thanh niên xung phong, ông Tuệ cùng anh em cải tạo khu nhà ở, nâng cấp nhà ăn thành hội trường, nhà khách 2 tầng; xây dựng 15 căn hộ; xây dựng đài tưởng niệm liệt sĩ, nhà trẻ, mẫu giáo; làm hệ thống sân, đường nội bộ, nhà bán vé tàu cao tốc Bạch Long; trồng hàng chục héc ta rừng phòng hộ, xây dựng trạm điện gió...

Ở lại với Bạch Long Vĩ

Năm 2007, ông Tuệ được lãnh đạo thành phố Hải Phòng và Ủy ban nhân dân huyện đảo Bạch Long Vĩ bổ nhiệm làm Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện đảo. Đến năm 2010, ông được bầu làm Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện đảo Bạch Long Vĩ.
Không chỉ in dấu ấn tại các công trình, công viên, rừng cây... hay hoạt động chính trị xã hội mà ông Tuệ còn gần gũi, chia sẻ với người dân đảo lúc vui, lúc buồn. “Cứ sau 2, 3 cái tết ở đảo tôi mới lại về đất liền. Từ lúc giao thừa đến sáng mùng 1 là tôi tổ chức cho anh em trong Đảng ủy, ủy ban đến chúc tết từng nhà. Những ngày tết, tôi được các đơn vị tin tưởng giao nhiệm vụ xếp lịch liên hoan, vui chơi, thi đấu thể thao để làm sao tổ chức ở đâu cũng phải đầy đủ tất cả”, ông Tuệ kể, giọng nói không giấu nổi niềm vui xen lẫn tự hào. Nhiều người dân đảo đều kể rằng, trước mỗi chuyện quan trọng, họ hay tìm đến ông Tuệ để tham vấn ý kiến và xin lời khuyên. Ai cũng gọi ông là “người anh cả các lực lượng trên đảo Bạch Long Vĩ”.
Nói về ông Tuệ, ông Đào Minh Đông, Phó chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân huyện đảo Bạch Long Vĩ, bày tỏ: “Trải qua mỗi cương vị công tác, anh Tuệ luôn trách nhiệm, tâm huyết. Với 38 năm trên đảo, anh Tuệ là người có nhiều kinh nghiệm trong công tác, luôn gần dân, lắng nghe tâm tư của nhân dân huyện đảo, sống hòa đồng với quần chúng nhân dân”.
Chỉ còn vài tháng nữa là ông Tuệ nghỉ chế độ, nhìn lại gần 40 năm gắn bó với đảo Bạch Long Vĩ, ông chia sẻ: “Nhiều lúc tôi cũng không thể ngờ hòn đảo hoang sơ, khắc nghiệt ngày nào lại có thể phát triển vững vàng như ngày hôm nay. Tôi cũng thầm tự hào vì cả tuổi trẻ và cuộc đời của mình đã gắn bó và chứng kiến từng bước sự phát triển của đảo…”.
Ông Trần Quang Tường, Bí thư kiêm Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện đảo Bạch Long Vĩ, cho biết: “Mấy năm gần đây, huyện đảo được đầu tư hàng nghìn tỉ đồng để xây dựng hạ tầng cơ sở. Đảo giờ đã có điện 24/24 giờ, hệ thống viễn thông trực tuyến với đất liền, có trung tâm y tế quân dân y được trang thiết bị hiện đại, có chi nhánh ngân hàng, âu tàu rộng lớn cho ngư dân tránh trú. Huyện đảo đang xúc tiến để xây dựng Bạch Long Vĩ trở thành trung tâm hậu cần nghề cá và tìm kiếm cứu nạn khu vực phía bắc. Dù vẫn còn nhiều khó khăn về cung cấp nước sạch trong mùa khô nhưng có thể nói, Bạch Long Vĩ đã thực sự thay da đổi thịt”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.