Bà con địa phương bảo đó là nơi sinh sống của những người lính dưới xuôi, sau chiến dịch Điện Biên Phủ đã ở lại lập nghiệp - xây dựng Tây Bắc và nơi ấy trở thành quê hương thứ hai của họ.
Chúng tôi đến đội 17A (xã Thanh Xương, H.Điện Biên, tỉnh Điện Biên) tìm cựu chiến binh Nguyễn Văn Kỷ. Cứ nghĩ sẽ phải ngồi cạnh giường nghe nhân chứng kể chuyện, nhưng không ngờ người lính già 94 tuổi vẫn đi lại phăm phăm, nói cười sang sảng và vẫn tinh tường những hồi ức sau 70 năm.
"Cố khổ thêm vài năm nữa"
Sinh năm 1932 ở xã Tiên Dược (H.Sóc Sơn, TP.Hà Nội), đầu năm 1952, chàng thanh niên Nguyễn Văn Kỷ đi bộ cả tuần vượt dãy Tam Đảo, nhập ngũ Đại đoàn 316 Bông Lau (nay là Sư đoàn 316, Quân khu 2).
"Chúng tôi được phát 2 bộ quân phục viện trợ của Trung Quốc và Tiệp Khắc, rộng thùng thình, vải mỏng dính. Mũ, giày dép không có, nên anh nào có gì đi nấy. Cả đại đội có gần chục khẩu súng, đủ các chủng loại, xuất xứ. Ăn uống thì thiếu thốn. Ở đơn vị thì ăn ngô. Đi huấn luyện dã ngoại hoặc chiến đấu thì được phát mỗi ngày một bát gạo rang", ông Kỷ nhớ lại và cười: "Khổ vậy nhưng không anh nào đào ngũ!"…
Ngày trở lại, chiến trường Điện Biên Phủ là bãi hoang vu, cây cối um tùm, ngổn ngang bom đạn, hầm hào, dây thép gai… Chúng tôi phục hoang đất, phải đi từng bước theo sát chân bộ đội công binh dò phá bom mìn. Vừa sản xuất, vừa khắc phục hạn hán. Những người lính lại đổ mồ hôi, nước mắt và cả xương máu. Nhiều người mang thương tật vĩnh viễn để hồi sinh cánh đồng Mường Thanh…
Ông Nguyễn Khắc Kế, 90 tuổi, đang ở xã Thanh Hưng, H.Điện Biên; nguyên chiến sĩ Tiểu đoàn 16, Trung đoàn 176, Sư đoàn 316
Tham gia chiến dịch Tây Bắc và trực tiếp chiến đấu ở chiến trường Điện Biên Phủ, ông Kỷ là người duy nhất sống sót của trung đội bộc phá (thuộc Đại đội 1, Tiểu đoàn 249, Trung đoàn 174, Sư đoàn 316), nên sau ngày 7.5.1954, bố mẹ ông nằng nặc bắt về quê lấy vợ.
"Rất may là tôi được ở lại làm nhiệm vụ thu dọn chiến trường và phục vụ đoàn quay phim của đạo diễn Liên Xô Roman Karmen (1906 - 1978), sau đó về xuôi làm nhiệm vụ chống cưỡng ép giáo dân di cư vào Nam, nên mới… tạm thoát", ông Kỷ kể.
Ông kể thêm đầu năm 1958 ông chuyển sang đại đội vận tải (Trung đoàn 176, Sư đoàn 316), đóng quân ở Bất Bạt, Sơn Tây (nay là H.Ba Vì, TP.Hà Nội). Ngày 10.3.1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên thăm, động viên bộ đội Sư đoàn 316. Kết thúc buổi nói chuyện, Chủ tịch Hồ Chí Minh dặn dò: "Hiện nay quân đội ta có 2 nhiệm vụ chính. Một là xây dựng quân đội hùng mạnh, sẵn sàng chiến đấu. Hai là tăng gia sản xuất cùng với toàn dân để tiến dần lên chủ nghĩa xã hội. Bác thay mặt Trung ương cử đơn vị các chú trở lại Điện Biên, xây dựng đất Điện Biên giàu đẹp cho đất nước".
"Nói thật là lúc ấy chẳng ai muốn lên, gần chục năm kháng chiến gian khổ, đánh nhau liên miên, có những anh chưa được về nhà, chỉ mong phục viên về quê lấy vợ, cày ruộng. Nhưng kỷ luật quân đội lúc ấy rất nghiêm, chỉ huy từ trên xuống dưới kèm sát, liên tục động viên. Anh em bảo nhau 9 năm kháng chiến còn chịu được, cố chịu thêm mấy năm nữa. Bác bảo đi là đi", ông Kỷ hồi tưởng.
Ký ức ‘khoét núi, ngủ hầm’ và khối bộc phá ngàn cân trong chiến dịch Điện Biên Phủ
Gỡ mìn, nhặt lựu đạn
Ngày 18.3.1958, Trung đoàn 176 chính thức rời Sơn Tây, hành quân lên Điện Biên. Đại đội vận tải 17 của ông Kỷ chở bộ phận hậu cần đi trước nấu nướng, bố trí chỗ ăn ngủ cho toàn bộ đội hình hành quân. Sau gần một tháng hành quân liên tục, ngày 11.4.1958, Trung đoàn 176 có mặt tại Điện Biên và bắt tay xây dựng doanh trại, tập trung phát hoang để kịp sản xuất vụ mùa và chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết cho việc thành lập nông trường quân đội.
Ông Hoàng Văn Đáp (91 tuổi, đang sống ở xã Thanh Yên, H.Điện Biên) nhớ về thời điểm quay lại chiến trường Điện Biên Phủ cùng một số đồng đội ở Trung đoàn 174 (Sư đoàn 316): "Vẫn hành quân theo đường cũ, qua những địa danh cũ, vẫn đi bộ mang gạo nước…, chỉ khác là không phải đi đêm. Từ Him Lam trở vào toàn là rừng rú lau sậy, không có cả đường mòn. Chỉ huy cắm đất giao cho từng đại đội và phân công từng việc: dựng nhà, làm đường, lấp hầm hào, gỡ bom mìn… Cứ buổi chiều là mang hết đạn, lựu đạn, bom mìn gỡ được trong ngày về cho công binh ném xuống cái hố to và châm lửa đốt hoặc kích nổ ầm ầm đến đêm".
"Đảng viên đi trước, làng nước theo sau"
Ông Đoàn Văn Chi (94 tuổi, đang ở xã Thanh Luông, H.Điện Biên) kể ngày 14.4.1958 tại Mường Thanh, Đảng ủy Sư đoàn 316 họp và giao nhiệm vụ cho 3 đơn vị trực thuộc: Trung đoàn 174 thường trực sẵn sàng chiến đấu, Trung đoàn 98 làm đường Tuần Giáo - Điện Biên và Trung đoàn 176 chuyển sang sản xuất, xây dựng Nông trường quân đội Điện Biên (gọi tắt là nông trường). Ngày 8.5.1958, Trung đoàn 176 tổ chức lễ ra mắt nông trường, với 1.954 cán bộ chiến sĩ, thuộc 3 cơ quan (tham mưu, chính trị, hậu cần), 2 trung đội trinh sát và vận tải, 14 đại đội.
Mỗi đơn vị của Trung đoàn 176 chuyển thành đội sản xuất (gọi là C), được bố trí xen kẽ ở các xã, bản thuộc khu vực lòng chảo Điện Biên và 2 đại đội được bố trí ở khu vực Mường Ảng. Phía bắc TP.Điện Biên Phủ ngày nay là C13, C7, C1; phía đông thành phố (vị trí Trường Chính trị tỉnh Điện Biên) là C8; bên sông Nậm Rốm là C12, C11, C10, C6, C5; trung đoàn bộ ở bản Bom La (xã Thanh Xương, H.Điện Biên); xung quanh lòng chảo Điện Biên có C7, C4 (nay thuộc xã Thanh Hưng)…
"Thời gian đầu, có đơn vị hơn 1/3 quân số cáo ốm không đi làm. Chúng tôi phải động viên nhau, tự nhủ: đảng viên đi trước. Thời kỳ ấy, anh nào vượt qua được là tôi luyện phẩm chất quân nhân", ông Chi nhớ lại vậy và kể: "Khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên thăm nông trường và hỏi thăm đời sống, một số người kể khổ. Đại tướng chỉ tay: "Các đồng chí nhìn đồi A1 kìa. Đồng đội mình hy sinh trên đấy biết bao nhiêu". Tất cả mọi người đều im lặng…". (còn tiếp)
Ngày 8.5.1958, Nông trường quân đội Điện Biên (trực thuộc Bộ Tổng tham mưu QĐNDVN) được thành lập, gồm 1.954 cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn 176. Nhiệm vụ của nông trường là vừa huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, vừa phá dỡ bom mìn, khai hoang cải tạo đồng ruộng để phát triển sản xuất, ổn định đời sống.
Ngày 22.12.1960, Nông trường quân đội Điện Biên chuyển thành Nông trường quốc doanh Điện Biên, trực thuộc Bộ Nông trường (nay là Bộ NN-PTNT), làm nhiệm vụ tiếp tục khai hoang, mở rộng diện tích đất để sản xuất lương thực, thực phẩm. Giai đoạn 1965 - 1969, nông trường vừa tổ chức sản xuất vừa sẵn sàng chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của Mỹ.
Năm 1969, Bộ Nông trường chuyển giao Nông trường quốc doanh Điện Biên cho tỉnh Lai Châu (cũ) quản lý, và năm 1994 được chuyển đổi thành Xí nghiệp cây công nghiệp Điện Biên. Năm 2004 chuyển đổi thành Công ty TNHH nhà nước một thành viên cây công nghiệp Điện Biên và từ năm 2008 đến nay chuyển đổi thành Công ty cổ phần chế biến nông sản Điện Biên (trụ sở tại TP.Điện Biên Phủ).
(Nguồn: UBND tỉnh Điện Biên)
Bình luận (0)