Ở làng phong Di Linh

30/12/2019 09:00 GMT+7

Có bằng bác sĩ, họ tình nguyện trở về nơi mình sinh ra là trại phong Di Linh để được phục vụ những người đồng cảnh ngộ gắn bó với mình từ tấm bé.

Trở về nơi xuất phát

Thế hệ thứ 3 của trại phong có nhiều em học giỏi lắm như Ka Nguyễn Thị Thu Hà, học năm 2 Trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch; K’Nhật Linh, năm 1 Trường ĐH Y An Giang... Mình phải tìm học bổng giúp các em thành tài

Sơ Mai Thị Mậu, trại 2, trại phong Di Linh

Sau giờ khám bệnh, bác sĩ (BS) trẻ Ka Lang Linh (31 tuổi) kể cho chúng tôi nghe câu chuyện vì sao cô quyết tâm học để trở thành BS. Linh sinh ra tại trại phong Di Linh (Trung tâm điều trị phong Di Linh, Lâm Đồng), sống với bố mẹ và bà ngoại trong một căn nhà được trại phong cấp. Linh kể: “Khi mình 7, 8 tuổi nghe bà ngoại (bà Ka Er) kể bà cùng chị ruột mắc bệnh phong, bà con buôn làng gán cho bị “quỷ ám” nên họ xa lánh, xua đuổi vào rừng sâu, phải tự kiếm sống. Không thuốc men, thiếu dinh dưỡng nên tay chân hai chị em bị co rút, chân bị “cùi cắn” thúi rụng...”. Rất may được đức cha Cassaigne cưu mang đưa về cọ rửa vết thương, thoa thuốc, cho ăn uống. Từ đó bà được chung sống trong mái ấm “làng cùi” Di Linh. Bà “bắt chồng” và sinh ra Ka Òi. Đến tuổi trưởng thành, Ka Òi kết hôn với người cùng cảnh ngộ là K’Đin và sinh ra Ka Lang Linh. Linh lớn lên trong tình yêu thương đùm bọc của cha mẹ, của các sơ và những người đồng cảnh ngộ với cha mẹ mình.

Phần mộ đức cha Cassaigne, người sáng lập trại phong Di Linh

Linh nhớ lại lúc nhỏ, khi theo cha mẹ đi chợ, đến bệnh viện..., Linh chứng kiến khi lên xe khách, thấy cha mẹ bị tàn tật do phong cùi, nhiều người tỏ thái độ e dè, lảng tránh. Với các BS ở bệnh viện cũng vậy, họ làm tròn trách nhiệm nhưng vẫn thiếu sự ân cần “từ mẫu” đối với những người mắc bệnh phong. Thấu hiểu được nỗi buồn ẩn sâu trong lòng của cha mẹ, nên Lang Linh quyết tâm lớn lên học BS để về phục vụ, chăm sóc những người bệnh phong.
Cách đây hơn 10 năm, Ka Lang Linh thi đậu vào Trường ĐH Y Dược TP.HCM trong niềm vui mừng của gia đình và cả trại phong, nhưng việc học của Linh đều cậy nhờ vào sự giúp đỡ của các sơ. Sau khi lấy bằng BS đa khoa, Linh học thêm về tim mạch, hồi sức tim mạch... Với những bằng cấp chuyên môn trong tay, năm 2017 Linh được cùng lúc 3 BV tiếp nhận vào làm việc, nhưng Linh vẫn mong muốn về trại phong Di Linh. Lúc đó, trại phong lại chưa có biên chế, Linh quyết định làm việc tại Trung tâm y tế H.Di Linh (gần nhà) để có điều kiện chăm sóc cha mẹ và bệnh nhân (BN) phong. Giữa năm 2018, khi BS Đinh Quốc Quang (con của BN phong Di Linh trở thành BS đầu tiên) mắc bệnh hiểm nghèo xin nghỉ việc thì Linh xin về Trại phong Di Linh để “lấp” vào chỗ trống đó.
Hiện nay, đầu giờ sáng Linh thăm khám bệnh, cấp thuốc cho các BN ở khu điều trị, khám bệnh. Trung bình mỗi ngày BS Linh khám và điều trị cho hơn 40 BN. Sơ Thùy (phụ trách Trung tâm điều trị phong Di Linh) cho biết: “Hơn 1 năm nay có BS Linh về làm việc nên các BN bị bệnh tim mạch không phải chuyển lên tuyến trên nữa. Ngoài chuyên môn tim mạch, BS Linh còn cập nhật, trau dồi thêm về điều trị da liễu, nên được các BN rất mực yêu mến”. Sơ Thùy cho biết thêm, hằng ngày ngoài giờ khám chữa bệnh chung, Linh còn ân cần chăm sóc cho ba của mình đang bị tai biến, liệt nửa người. Linh là người trực tiếp điều trị và chỉ sau mấy tháng ông K’Đin bắt đầu đi lại được. Ông K’Đin thổ lộ: “Mình rất vui khi được con gái là BS khám bệnh cho”.
Ở làng phong Di Linh

Bác sĩ Ka Lang Linh chăm sóc cho cha mình

Ka Lang Linh vừa “bắt chồng” cũng là một BS đang công tác tại một trạm y tế ở H.Di Linh. Trại phong cấp cho vợ chồng Linh căn nhà gỗ ngay tại trại để thuận tiện trong công việc. Linh đang được quy hoạch đi học BS chuyên khoa I để nâng cao trình độ.

Những người chung một tấm lòng

Trại phong Di Linh do linh mục Jean Cassaigne (người Pháp) thành lập trên quả đồi gần cánh đồng lúa, cách QL20 khoảng 1 km. Năm 1929, “làng cùi” được chính quyền chính thức công nhận và trợ cấp hoạt động, lúc đó có 21 người.
Ngoài Ka Lang Linh, hiện nay tại trại phong Di Linh còn có nhiều BS khác là con của những người mắc bệnh phong, tình nguyện về công tác như BS K’Điểu, Phó khu điều trị phong. Ông K’Điểu có con trai là K’Thành Đạt hiện đang học năm thứ 5 Trường ĐH Y Dược TP.HCM. Cứ mỗi dịp hè, tết Đạt lại về trại phong để phụ bố và các BS khám chữa bệnh cho BN phong. Đạt có ước nguyện sau khi tốt nghiệp được về trại phong làm việc lâu dài. Tại đây còn có BS K’Brìng (43 tuổi, chuyên khoa da liễu) con của ông K’Bràng (86 tuổi) và bà Ka Mách (80 tuổi). Vợ chồng K’Bràng là những BN phong “kỳ cựu” được chính đức cha Cassaigne làm lễ cưới vào năm 1964. Bà bị cụt
1 chân suốt 50 năm qua, còn ông bị cụt 1 bàn tay, mới đây lại bị tai biến nằm một chỗ. K’Brìng hiện chưa có vợ, vẫn sống với cha mẹ nên có điều kiện chăm sóc, chữa trị cho cha mẹ rất chu đáo. Người chị ruột của K’Brìng là Ka Rung có 3 người con đang học ngành y, nay có y sĩ K’Dân đã ra trường cũng làm việc tại trại phong nên hằng ngày K’Dân đều tập vật lý trị liệu cho ông ngoại của mình. Nằm trên giường bệnh nhưng khuôn mặt cụ K’Bràng luôn rạng rỡ nụ cười hạnh phúc vì có con cháu đều là những BS, y sĩ chăm sóc cho mình.
Ở làng phong Di Linh

Bác sĩ K’Brìng chăm sóc cho mẹ ruột

Sơ Thùy chia sẻ, BS K’Brìng rất “mát tay”, chữa khỏi bệnh cho nhiều BN. Nhiều người bệnh “giàu có” ở thị trấn Di Linh và các xã Sơn Điền, Gia Bắc, Bảo Thuận... đều tìm đến đây để được BS K’Brìng khám chữa bệnh. Hằng tuần vào các ngày thứ ba và thứ năm, khu khám bệnh của trại phong đều khám bệnh phát thuốc miễn phí cho người nghèo. Những người ở các buôn làng xa đến khám bệnh được các sơ và ân nhân phục vụ bữa ăn trưa. Còn K’Brìng sẵn sàng dùng xe máy chở những người già vượt cả chục cây số về lại nhà.
Khi đến thăm trại 2 của trại phong Di Linh ở xã Gia Lành (Di Linh), chúng tôi gặp lại sơ Mai Thị Mậu (79 tuổi), người tiếp nối công việc của đức cha Cassaigne từ năm 1973 và được phong danh hiệu Anh hùng Lao động năm 2006. Dù “nghỉ hưu” nhưng sơ vẫn gắn bó với những người phong cùi mà sơ trực tiếp chăm sóc hàng chục năm qua. Tại trại 2 hiện có 66 gia đình là người từng mắc bệnh phong, nay đã khỏi bệnh được cấp nhà, cấp đất để tăng gia sản xuất. Mỗi hộ có từ 2 đến 4 sào đất để trồng cà phê, hoa màu, chăn nuôi. Nay tuổi cao sức yếu nhưng sơ Mậu vẫn lo tìm các nguồn tài trợ để con em của những người phong được học bậc ĐH. “Thế hệ thứ 3 của trại phong có nhiều em học giỏi lắm, như Ka Nguyễn Thị Thu Hà, học năm 2 Trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch; K’Nhật Linh, năm 1 Trường ĐH Y An Giang... Mình phải tìm học bổng giúp các em thành tài...”, sơ Mậu nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.