Ở khu vực sầm uất nhất, náo nhiệt nhất của thủ đô Bandar Seri Begawan (Brunei), nhưng dĩ nhiên là không một tiếng ồn và chẳng có bao nhiêu người đi lại, phóng tầm mắt nhìn qua bờ bên kia là thấy rất nhiều nhà sàn nằm san sát trên sông. Đó chính là làng nước lớn nhất thế giới Kampung Ayer.
Kampung Ayer, ngôi làng ngàn năm trước
Chúng tôi xuống taxi xuồng, chạy cái rẹt năm phút băng qua sông là tới “Venise phương Đông” rồi. Xuồng cập sát làng, chạy dọc theo những ngôi nhà sàn cho chúng tôi quan sát cuộc sống thật của người dân. Làng có đầy đủ mọi cơ sở vật chất phục vụ cư dân như thánh đường cầu nguyện, trường học, sở cứu hỏa, sở cảnh sát, chợ, bệnh viện…
Gọi là “làng” thì không được hoành tráng lắm với thực tế, vì Kampung Ayer có đến 30.000 cư dân, chiếm xấp xỉ 10% tổng dân số của Brunei rồi. Nhưng nếu gọi là “thị trấn” thì cũng hơi cao cấp, vì thực tế, những ngôi nhà sàn có kiến trúc rất đơn giản, những “con đường” kết nối những ngôi nhà cũng chỉ là những miếng gỗ nhỏ ghép lại. Rõ ràng, về mặt diện mạo, Kampung Ayer chỉ là một ngôi làng nổi trên nước mà thôi.
tin liên quan
Đi Đà Lạt, bạn từng qua đêm sống nơi bồng lai trên đồi Thiên Phúc Đức?Tuy nhiên, về mặt kích thước, thì Kampung Ayer kết nối đến 42 ngôi làng nho nhỏ với nhau một cách lắt léo. Người lạ lọt vào mê cung này chắc không cách chi tìm được đường ra. Tổng số chiều dài của những “con đường” nối các ngôi làng nho nhỏ và những chiếc cầu nối các ngôi nhà này lại với nhau được phỏng chừng lên đến 36 km. Tom, hướng dẫn viên địa phương nói, Kumpung Ayer được xem là ngôi làng nổi lớn nhất thế giới và có lịch sử lâu đời, vì làng được hình thành từ hơn 1.000 năm trước.
Nhìn thật gần, quả thật nhà cửa rất giản dị, trước cửa nhiều nhà có vài chậu cây xanh trang trí. Nhưng những chậu cây này được trồng trong xô hay chậu tạm bợ, không hề được chăm chút đặt trong những chiếc chậu đàng hoàng. Rõ ràng người dân vẫn còn giữ nguyên nếp sống vô cùng đơn sơ và không đặt nặng yếu tố mỹ thuật.
|
Sống cùng dòng sông
Tuy nhiên, khi chúng tôi được bước chân vào một nhà dân, đóng vai trò đón tiếp khách du lịch, cảm giác này lại thay đổi. Nội thất bên trong những căn nhà này lại được trang bị rất đầy đủ. Nhà nào cũng có đủ đèn sáng choang, quạt trần quay vù vù, phòng khách có ghế dài và ghế ngắn đủ cả. Chủ nhà bày bánh truyền thống lên bàn sẵn sàng đón tiếp chúng tôi. Những loại bánh tự làm, ăn giống như bánh bò, bánh nếp, bánh bông lan của VN.
Chúng tôi được khuyến khích đi tới đi lui tham quan nhà và cứ đặt câu hỏi với chủ nhà thoải mái. Câu đầu tiên tôi thắc mắc là: Vì sao Brunei đất còn rộng mênh mông mà họ lập làng trên sông làm gì? Sao họ không dời vào bờ mà sinh sống? Câu trả lời của họ đơn giản “Tổ tiên sống trên sông, thì chúng tôi cũng ở lại trên sông!”.
tin liên quan
Ở một nơi rất gần nhưng ít ai biết“Một điều thay đổi khác trong cuộc sống của làng nổi ngày nay so với mấy chục năm trước” - Tom giải thích thêm - “Là họ không còn làm nghề chài lưới trên sông. Mỗi sáng họ lên những chiếc xuồng taxi, băng qua sông, đến bãi đậu xe, leo lên xe hơi của mình để lái đến sở làm.”
Thì ra là thế, ngay bến sông là bãi đậu xe toàn những chiếc có giá trị. Thế nên đừng tưởng họ ở nhà sàn trên sông, sống trong những căn nhà giản dị mà cho rằng họ phải bám sông để mưu sinh kiếm sống.
Mà thật ra thì, trên sông hay trên bờ cũng có gì khác nhau, đâu có chỗ nào phồn hoa đô hội hơn chỗ nào - Tôi tự nhủ - Chỗ nào thì cũng tắt đèn ngủ sớm!
Khi chúng tôi tạm biệt làng Kamphong Ayer bước xuống xuồng ra về, những đứa trẻ đi theo vẫy tay chào hồn nhiên. Chúng ăn mặc rất giản dị, cười tươi tắn và đứng nhìn ngút mắt theo xuồng chúng tôi dần rời xa.
Trước khi đi Brunei, tôi nghĩ đây là đất nước bé nhỏ được may mắn, chẳng qua trời thương cho dầu bán nên thịnh vượng. Khi đã đến đây rồi, tôi lại cho rằng cái gì cũng có lý do riêng của nó. Người Brunei ý thức được mình may mắn, họ không ỷ lại và không phách lối vì nước mình giàu có. Trong cách sinh hoạt hằng ngày, tôi rất có cảm tình khi họ vẫn giữ được vẻ giản dị và tinh thần ôn nhu.
Người Brunei ngoan đạo, yêu kính vua, trân trọng những gì mình có và tận hưởng cuộc sống an bình. Đối với khách du lịch nước ngoài, họ không giữ thành kiến chúng tôi đến từ nước nào, họ dành cho chúng tôi cùng một nụ cười như với những du khách đến từ các nước phát triển khác. Điều này những ai đi ra nước ngoài nhiều sẽ thấu hiểu, không phải nơi nào chúng ta cũng được chào đón công bằng.
Thiên nhiên hoang dã cạnh bên
Hôm được đưa vào rừng nước ngập mặn Klias để khám phá thiên nhiên hoang dã Brunei, tưởng đi xa thật xa, cho xứng với cụm từ “vào rừng hoang dã”, ai dè xuồng chạy khoảng chừng năm mười phút là đã thấy hai bên bờ cây cối um tùm. Đúng là ở Brunei không có khái niệm “đi xa”.
Rừng ngập mặn hoang dã hiện ra thật rồi, cây cối dày đặc mọc thật cao che phủ mọi cuộc sống hiện đại. Tôi có cảm giác như đang ngồi trên dòng sông chạy dọc theo rừng già kỳ bí. Không gian tĩnh lặng như tờ, chỉ có tiếng xuồng máy phát ra âm thanh đơn điệu. Tôi buồn ngủ nhíu mắt, thiu thiu chưa kịp tranh thủ chợp mắt được một giây nào thì đột nhiên xuồng chao nghiêng rồi thắng gấp lại. Người lái xuồng la lên một từ thất kinh: “Cá sấu!”.
“Làm hết hồn!” - Tôi choàng tỉnh - “Đâu? Cá sấu đâu?”.
“Kìa! Ở kia kìa!” - Tom và cả người lái xuồng chỉ trỏ lung tung - “Thấy không? Thấy chưa?”.
Chẳng ai thấy gì cả. Mà thật ra thấy cá sấu không phải là điều gì đáng phấn khích, ở VN muốn ăn thịt cá sấu còn có nữa là thấy cá sấu. Nhưng người Brunei nhiệt tình quá. Họ muốn chúng tôi diện kiến cư dân rừng hoang dã của họ. Chưa thấy cá sấu thì phải làm cách nào cho thấy mới đặng lòng. Thế là xuồng được chạy quần tới quần lui, quần cho tới khi nào chúng tôi phải thấy được cá sấu mới yên!
Thật tình, không biết những người khác có thấy cá sấu thật không. Tôi thì chả thấy gì cả, nhưng buồn ngủ quá nên cũng la đại lên “Thấy rồi!”. Thế là họ vui mừng, cho xuồng tiếp tục băng băng rẽ nước, tiến sâu hơn nữa.
“Kia rồi!”, Tom hú lên báo động. “Khỉ mũi dài! Loài khỉ đẹp trai nhất thế giới! Biểu tượng của Brunei đây rồi!”.
Kìa là những con khỉ lông nâu ngồi vắt vẻo trên những ngọn cây, chúng không dài ngoằng, lỏng khỏng mà có phần hơi bụ bẫm, rất dễ thương. Tôi cố căng hai con mắt thiếu ngủ ra nhìn xem chúng nó “soái ca” đến mức nào. Nhưng sao chẳng con nào quay mặt ra mà toàn đưa lưng cho chúng tôi nhìn. Thế là Tom chỉ thị cho xuồng đi tiếp sang chỗ khác, quần thảo, tìm kiếm, cho kỳ được những con khỉ ngồi ngó ra, đưa gương mặt quả thật thấy cưng lắm, với chiếc mũi hơi dài dài ngộ nghĩnh. Những con khỉ mũi dài có tên là Roboscis, chúng mới hiền lành làm sao, chỉ ngồi yên trên cành cây cao, thỉnh thoảng chuyền cành. Quả thật đây là loài khỉ rất nhút nhát, chúng không phá phách.
“Được rồi! Đẹp trai quá rồi!” - Chúng tôi xác nhận cho chủ nhà vui lòng đặng mau mau kết thúc tour hoang dã - “Khỉ mũi dài Brunei rất dễ thương!”.
|
Bình luận (0)