Chiều 28.8, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách cho ý kiến với luật Công chứng (sửa đổi). Một trong các vấn đề vẫn còn ý kiến khác nhau, là có cho phép thành lập văn phòng công chứng tư nhân với một công chứng viên hay không.
Chính phủ đề nghị quy định như luật hiện hành, chỉ quy định mô hình văn phòng công chứng hợp danh từ 2 công chứng viên trở lên. Tuy nhiên, nhiều đại biểu đề nghị cần cho phép thành lập văn phòng công chứng tư nhân 1 công chứng viên tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn.
Nhiều huyện "trắng" văn phòng công chứng
Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang (đoàn Đắk Nông) cho biết, năm 2023, Ủy ban Pháp luật có khảo sát một số địa phương thì thấy nhiều địa phương sau khi giải thể phòng công chứng nhà nước thì một số huyện vùng sâu, vùng xa không thể thành lập được phòng công chứng nữa.
"Đơn cử như ở Bắc Giang, tại 2 huyện Sơn Động và Yên Thế hiện nay "trắng" tổ chức hành nghề công chứng", ông Nguyễn Trường Giang nói và cho rằng, việc cho phép thành lập văn phòng công chứng theo mô hình công ty tư nhân với 1 công chứng viên là cần thiết, nhất là tại các vùng sâu, vùng xa, điều kiện khó khăn.
"Chúng ta băn khoăn việc 1 công chứng viên hành nghề có đảm bảo tính liên tục trong cung cấp dịch vụ hay không, tôi cho việc này không phải vấn đề lớn nếu áp dụng công nghệ thông tin. Với công nghệ hiện nay, người sử dụng công chứng hoàn toàn có thể đặt lịch và công chứng viên có thể công khai thời điểm cung cấp dịch vụ", ông Giang phân tích.
Đại biểu Trần Nhật Minh (đoàn Nghệ An) cũng bày tỏ đồng tình với ông Nguyễn Trường Giang. Ông Minh thông tin, quy định không cho phép thành lập văn phòng công chứng theo mô hình công ty tư nhân với 1 công chứng viên hạn chế chủ trương triển khai xã hội hóa hoạt động công chứng, đặc biệt vùng sâu, vùng xa.
Ông Minh dẫn chứng, tại Nghệ An hiện nay, cả tỉnh có 39 tổ chức hành nghề công chứng nhưng có 6/21 huyện miền núi chưa có tổ chức hành nghề công chứng. "Người dân tại khu vực này khi có nhu cầu công chứng phải di chuyển trên 50 km, xa nhất như H.Kỳ Sơn thì phải di chuyển 200 km mới có văn phòng công chứng", ông Minh thông tin.
Đại biểu tỉnh Nghệ An cũng cho rằng, tổ chức công chứng theo mô hình công ty hợp danh không phải là loại hình tối ưu của văn phòng công chứng. Trong khi đó, việc loại bỏ loại hình tư nhân của văn phòng công chứng không chỉ hạn chế quyền tự do lựa chọn hình thức kinh doanh của văn phòng công chứng mà còn gây khó khăn trong tổ chức hoạt động.
Đại biểu Đặng Bích Ngọc (đoàn Hòa Bình) cũng phản ánh, có tới 7/10 huyện của tỉnh Hòa Bình chưa có tổ chức hành nghề công chứng. Các huyện còn lại cũng chỉ có 1 tổ chức hành nghề công chứng.
"Nếu dự thảo luật chỉ quy định một mô hình tổ chức hành nghề công chức là công ty hợp danh thì rất khó thực hiện, đặc biệt vùng sâu, vùng xa khó khăn", bà Ngọc nói.
Cần cho phép công chứng bất động sản ngoài trụ sở
Bên cạnh việc cho phép thành lập văn phòng công chứng 1 công chứng viên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang đề xuất thêm giải pháp mà ông cho "khả thi hơn" để cung cấp dịch vụ công chứng tới vùng sâu, vùng xa, điều kiện khó khăn, là mở các "khóa" hiện nay với việc cung cấp dịch vụ công chứng ngoài trụ sở và tới địa bàn khác.
Theo ông, hiện nay việc công chứng ngoài trụ sở của văn phòng công chứng đang bị hạn chế. "Tại sao nhiều đại biểu Quốc hội và cán bộ Quốc hội được công an đến tận nơi làm căn cước công dân mà công chứng lại không được làm ngoài trụ sở?", ông Giang nêu.
Đặc biệt, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng, việc không cho phép công chứng giao dịch bất động sản ngoài trụ sở là chưa hợp lý.
Ông Giang phân tích, hiện nay một số công chứng liên quan bất động sản đã cho công chứng ngoài trụ sở nhưng giao dịch bất động sản lại không cho. Do đó, nếu "tháo" được chiếc khóa này thì các tổ chức hành nghề công chứng có thể cung cấp được dịch vụ tới các địa bàn hiện đang "trắng" văn phòng công chứng.
Với việc hạn chế công chứng bất động sản theo địa bàn, ông Giang cũng cho rằng không hợp lý. "Đào tạo công chứng viên thì đào tạo toàn quốc, hành nghề toàn quốc thì lý gì mà bắt hành nghề tại Hà Nội chỉ ở Hà Nội. Việc này khiến hạn chế tiếp cận dịch vụ công chứng của người dân", ông Giang nói.
Đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) thì cho rằng, hiện nay luật chỉ cho phép loại tổ chức hành nghề công chứng theo mô hình công ty hợp danh 2 công chứng viên nhưng thực chất là "hợp danh ảo", thực tế vẫn chỉ có 1 công chứng viên.
"Ví dụ có 8 - 9 phòng công chứng thì chỉ cần 12 - 13 công chứng viên, rồi cứ xoay vòng. Cứ 5 - 6 tháng thì rút nơi này, nhập chỗ kia", ông Tạo nói và đề nghị nên cho phép thành lập văn phòng công chứng theo mô hình công ty tư nhân với 1 công chứng viên tại khu vực vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa.
Bình luận (0)