Nhiều trạm xử lý nước thải vốn được kỳ vọng xử lý ô nhiễm ở Đà Nẵng lại trở thành điểm nóng ô nhiễm!
Người dân P.Thanh Khê đổ vật liệu xây dựng lấp cống xả Trạm xử lý nước thải Phú Lộc vì không chịu nổi mùi hôi thối - Ảnh: Nguyễn Tú
|
Ngộp thở!
Ngày 26.5, người dân hai bên sông Phú Lộc TP.Đà Nẵng bị tra tấn bởi mùi hôi thối từ cá chết nổi kín mặt sông. Đây là nỗi khổ kép người dân phải chịu khi mùi hôi từ Trạm xử lý nước thải Phú Lộc (tạm gọi Trạm Phú Lộc) vẫn chưa được giải quyết. Trước đó giữa tháng 5, do chịu hết nổi mùi hôi thối nên người dân trong góp tiền mua vật liệu xây dựng để lấp cửa xả nước thải ra vịnh Đà Nẵng của Trạm Phú Lộc.
Ô nhiễm sông Phú Lộc hầu như năm nào cũng làm nóng kỳ họp HĐND, đến nỗi tại kỳ họp HĐND 2014 Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trần Thọ, nói: “Thành phố môi trường kiểu chi mà lúc nào đi tiếp xúc cử tri cũng nghe người dân kêu ca ô nhiễm. Người đi ô tô chỉ hé cửa là chịu không nổi vì mùi hôi xộc thẳng vào mũi thì làm sao dân chịu được?”.
|
Việc người dân phản ứng lấp cửa xả Trạm Phú Lộc giữa tháng 5 vừa qua không phải lần đầu, năm 2011 người dân ở đây cũng đã 3 lần hành động gay gắt tương tự. Điều khiến người dân càng bức xúc là cơ quan chức năng không có giải pháp căn cơ mà đối phó bằng cách… nối dài thêm 200 m ống xả từ cửa vịnh ra biển, khiến khách tắm biển “hứng trọn” ô nhiễm, còn mùi hôi thì dân vẫn lãnh đủ!
Đổ gần 120 tỉ đồng, sông vẫn hôi
Năm 2011, sau 18 tháng thi công, công trình cải tạo môi trường sông Phú Lộc thuộc hợp phần B1 Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên đã hoàn thành với kinh phí hơn 110 tỉ đồng và 301.500 USD từ nguồn vốn ODA của Ngân hàng Thế giới (WB), cộng vốn đối ứng trong nước, tổng cộng gần 120 tỉ đồng. Ban Quản lý dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên, Sở GT-VT TP.Đà Nẵng thực hiện 5 gói thầu chính: nạo vét 22.465 m3 bùn đất lòng sông và gia cố 2 km bờ kè, mở hai tuyến đường 3,2 km ven bờ, xây hệ thống thoát nước, thu gom nước thải, lắp đặt hai trạm bơm, trạm biến áp…nhưng đến nay công trình không giải quyết dứt điểm “điểm đen” ô nhiễm như kỳ vọng.
Ông Mai Mã, Giám đốc Công ty Thoát nước và xử lý nước thải TP.Đà Nẵng, giải thích: Trạm xử lý nước thải Phú Lộc dùng nguồn vốn vay của WB, khi xây dựng nguồn vốn vay không nhiều nên mức đầu tư thấp, sử dụng công nghệ kỵ khí với ưu điểm chi phí vận hành thấp nhưng mùi hôi vẫn còn. Công ty nhận bàn giao từ 2008 chứ không được giám sát chất lượng công trình trong lúc thi công trước đó, công suất trạm là 30 - 40.000 m3/ngày, những năm đầu hiệu suất đạt 60% nhưng giảm dần nay chỉ còn… 30%. Còn ông Lương Thạch Vỹ, Trưởng BQL các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên cho rằng thời điểm xây Trạm Phú Lộc ông chưa về BQL nên không nắm mức đầu tư.
Ông Hồ Tường Huy, Phó Ban thì cho hay dự án đã lâu nên chỉ nhớ Trạm Phú Lộc cùng các trạm xử lý nước thải Hòa Cường, Sơn Trà (Thọ Quang), Ngũ Hành Sơn, công trình bãi rác Khánh Sơn, hệ thống thoát nước thải thành phố… đều sử dụng nguồn vốn vay lên đến 40 triệu USD từ WB.
Các nhà máy xử lý nước thải Thọ Quang, Hòa Cường, Liên Chiểu, Hòa Cầm trên địa bàn TP.Đà Nẵng cũng luôn trong tình trạng báo động đỏ khi các KCN tăng cường xả thải. Như nhà máy xử lý nước thải Thọ Quang từ khi ra đời năm 2010 đến nay, năm nào cũng bị người dân kêu ca. Ngoài quy hoạch sai khi nhà máy nằm giữa khu dân cư, thì còn do năng lực đơn vị đầu tư kém.
Ông Nguyễn Hoàng Sơn, đại biểu HĐND TP.Đà Nẵng, cho rằng: “Để hàng trăm tỉ đồng tiền vốn vay đổ xuống nhưng ô nhiễm không giải quyết được cũng do phía mình cả, do mình đề xuất công nghệ không hiệu quả”.
Cần phân kỳ, căn cơ
Bất cập của các dự án trạm, nhà máy xử lý nước thải nếu trông vào vay ODA, WB thì đã thấy rõ, nhưng nếu giao cho tư nhân lại càng không ổn, khi doanh nghiệp chấp nhận đầu tư thì nguồn vốn và năng lực hạn chế. 15 năm qua, TP.Đà Nẵng kêu gọi xã hội hóa nhưng hiếm đơn vị nào mặn mà do đầu tư chi phí rất lớn nhưng đơn giá xử lý nước thải lại rất thấp. Các doanh nghiệp KCN thì thường xuyên xả chui nên các trạm xử lý nước thải tư nhân đầu tư cầm chắc thua lỗ.
Ông Nguyễn Hoàng Sơn, đại biểu HĐND TP.Đà Nẵng, cho rằng: không thể dựa vào vốn vay hoặc xã hội hóa mà dứt khoát phải từ ngân sách mới giải quyết căn cơ, triệt để. Nếu mười mấy năm qua có quy hoạch cụ thể và phân kỳ đầu tư, mỗi năm giải quyết một phần thì dù kinh phí đầu tư lớn thì nay cũng đã xử lý triệt để. Chứ hễ trạm xử lý nước thải gây ô nhiễm, dân bức xúc lại trích ngân sách xử lý, mỗi năm tiêu tốn vài tỉ đồng mà tình trạng ô nhiễm, hôi thối vẫn không giải quyết được".
Bình luận (0)