Ô nhiễm gia tăng, 2 thành phố lớn như chìm trong sương mù

05/12/2024 04:08 GMT+7

Thời gian gần đây, tình trạng ô nhiễm không khí ở hai đô thị lớn nhất nước là Hà Nội và TP.HCM thường xuyên ở mức báo động đỏ.

Sương mù hay bụi mịn?

Đó là câu hỏi mà nhiều người dân TP.HCM đặt ra mấy ngày trước khi bầu trời luôn như bị phủ một lớp sương dày, đục, kéo dài cả ngày. Ban đầu, nhiều người thích thú, có cảm giác trời đang vào thu, giống như các tỉnh phía bắc. Tuy nhiên, khi hiện tượng này kéo dài cả ngày, thậm chí về chiều lớp "sương mù" còn dày hơn, bầu không khí ngột ngạt thì câu hỏi "sương mù hay bụi mịn?" đã được đặt ra.

Đến hôm qua 4.12, bầu trời TP.HCM đã trong lành trở lại. Trời ít mây, nắng và gió nhẹ, chiều có mưa. Là người nhạy cảm với thời tiết, ông Đỗ Tấn Hiệp, ngụ Q.11, chia sẻ: "Mấy ngày trước tôi dậy sớm tập thể dục lúc 5 giờ sáng, dưới ánh đèn đường và xe cộ có thể thấy sương mù khá dày. Tuy nhiên, hôm nay (4.12) trời nổi gió nhưng không lạnh. Đến lúc trời sáng tỏ thì lớp sương có vẻ cũng bị những cơn gió cuốn đi nên đã mỏng hơn rất nhiều. Khi nắng lên, trời cũng trong và cao hơn". "Những ngày đầu tuần vừa rồi, không khí lúc nào cũng như có một lớp màng trắng đục bao phủ từ sáng sớm đến chiều tối. Bầu trời không nắng, không gió, tĩnh lặng và đầy ngột ngạt tạo cảm giác như chỉ thở cũng thấy mệt. Chỉ mới 5 giờ chiều mà trời đã cứ như 6 - 7 giờ tối", ông Hiệp nói thêm.

Ô nhiễm gia tăng, 2 thành phố lớn như chìm trong sương mù- Ảnh 1.

TP.Hà Nội chìm trong sương mù và bụi mịn kéo dài

Ảnh: Đình Huy

Anh Nguyễn Thanh Hiếu, ngụ Q.8, kể thời gian gần đây ngày nào đi làm cũng thấy các tòa nhà cao tầng biểu tượng của thành phố chìm trong sương mù. Đỉnh điểm là vào ngày 2 - 3.12, có cảm giác các tòa nhà ngập trong sương. Thông thường, nếu sương mù thì sẽ tan khi nắng lên, còn đằng này không khí cứ ngầu đục từ sáng sớm đến chiều tối, thậm chí buổi chiều còn nghiêm trọng hơn buổi sáng. "Trong mấy năm đại dịch Covid-19, vấn đề ô nhiễm không khí tưởng đã thuyên giảm nhưng không ngờ xuất hiện trở lại và có vẻ còn nghiêm trọng hơn trước kia", anh Hiếu quả quyết.

TP.HCM mù mịt sương từ sáng đến đêm: Cảnh đẹp lãng mạn nhưng cần lưu ý sức khỏe!

Theo ghi nhận của Thanh Niên, trong ngày 2 và 3.12, chất lượng không khí ở TP.HCM đặc biệt xấu và từ buổi trưa, mức độ đậm đặc của không khí tiếp tục tăng. Theo dõi trên các trang web và ứng dụng quan trắc trực tuyến cho thấy nồng độ bụi mịn trong không khí ở các trạm trong buổi chiều cũng cao hơn, hầu hết trạm đo đều ở mức cảnh báo đỏ. Giải thích về hiện tượng này, các chuyên gia cho biết không khí ngầu đục suốt cả ngày rõ ràng là dấu hiệu của ô nhiễm không khí. Những ngày qua, nhiệt độ không khí giảm nhưng độ ẩm lại cao, ít gió, ít nắng là điều kiện lý tưởng để bụi mịn và hơi nước bám vào nhau tồn tại lơ lửng trong không khí. Mức độ ô nhiễm gia tăng vào buổi trưa và chiều tối vì đây là lúc các hoạt động sinh hoạt, sản xuất, di chuyển của người dân sôi động nhất.

Mặt khác, so với TP.HCM thì mức độ ô nhiễm không khí ở Hà Nội còn nghiêm trọng hơn và kéo dài từ cuối tháng 10 đến nay. Bầu trời thành phố thường xuyên trong tình trạng khói bụi bao phủ mù mịt, thường xuyên trên mức báo động đỏ. Đặc biệt như ngày 25.11, bầu trời quanh khu vực nội thị chìm trong lớp bụi mịn dày đặc, những ngôi nhà cao tầng bị che mờ dưới lớp sương trắng. Cá biệt một số nơi như P.Phúc Diễn (Q.Bắc Từ Liêm) có chỉ số AQI 229 µm/m3, vượt mức báo động đỏ chuyển sang màu tím.

Ô nhiễm gia tăng, 2 thành phố lớn như chìm trong sương mù- Ảnh 2.

Các tòa nhà ở TP.HCM bị bụi mịn bao phủ những ngày đầu tháng 12

Ảnh: Phạm Hữu

Chậm khắc phục, thiệt hại càng lớn

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mức đỏ thể hiện chất lượng không khí xấu và mọi người nên hạn chế ra ngoài, đặc biệt là nhóm đối tượng nhạy cảm như người già và trẻ em, những người có vấn đề liên quan đến các bệnh về đường hô hấp.

TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch VN, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT), thông tin: Mùa ô nhiễm đang quay trở lại với các tỉnh phía bắc mà tâm điểm là TP.Hà Nội và miền Nam là TP.HCM. Thường thì mùa ô nhiễm không khí bắt đầu khi mùa mưa kết thúc và không khí lạnh về, kéo dài đến tháng 3 - 4 năm sau. Trước đại dịch Covid-19, đây là vấn đề khá nghiêm trọng và được nhiều người, cơ quan chức năng rất quan tâm. Trong đại dịch, tình trạng này bớt căng thẳng vì các hoạt động sản xuất, giao thông bị hạn chế. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình trạng ô nhiễm gia tăng trở lại theo sự phát triển ngày càng sôi động của nền kinh tế ở cả hai thành phố lớn. Cục bộ một số nơi ở những thời điểm nhất định, nồng độ bụi mịn tăng lên mức cao, nguy hiểm đến sức khỏe người dân.

Thời gian qua ở cả hai thành phố đã triển khai nhiều giải pháp kiểm soát nguồn gây ô nhiễm như phát triển và mở rộng các loại hình giao thông công cộng, metro, khuyến khích phát triển các phương tiện ít gây ô nhiễm hơn như xe điện… Bên cạnh đó là tuyên truyền, vận động người dân hạn chế đốt rơm rạ, hay di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm, ban hành và xây dựng các chính sách kiểm soát môi trường. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm vẫn có xu hướng gia tăng. Điều này đòi hỏi các cấp chính quyền cần có chính sách quyết liệt và kịp thời hơn trong việc kiểm soát và giảm thiểu nguồn gây ô nhiễm. "Ô nhiễm không khí là vấn đề liên quan trực tiếp đến sức khỏe người dân. Nếu không giải quyết sớm thì thiệt hại về lâu dài là rất lớn và từ sức khỏe người dân sẽ ảnh hưởng ngược lại tới vấn đề phát triển kinh tế", ông Tùng khuyến cáo.

Cũng theo ông Tùng, các nước và các thành phố lớn trong khu vực như Bắc Kinh (Trung Quốc), trước đây cũng bị ô nhiễm không khí rất nặng nề nhưng họ đã quyết tâm làm cho bầu không khí sạch hơn và đã cơ bản thành công. Hiện tại, chúng ta đã xác định được nguyên nhân của tình trạng này thì việc tìm ra giải pháp cũng giống như bài toán đã biết trước kết quả. "Ở góc độ người dân, bản thân mỗi người cũng cần có ý thức bảo vệ môi trường, hạn chế tới mức tối đa các hoạt động góp phần gây ô nhiễm, đặc biệt như đốt rác, rơm rạ… Bên cạnh đó, cần thường xuyên theo dõi thông tin về chất lượng không khí để có thể chủ động áp dụng các biện pháp ứng phó phù hợp", ông Tùng khuyến cáo.

Ô nhiễm không khí ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe người dân

Biến đổi khí hậu và ô nhiễm không khí cũng có liên quan với nhau. Các loại nhiên liệu hóa thạch là nguồn chính gây ô nhiễm không khí ngoài trời và cũng là nguồn phát thải khí carbon, một yếu tố góp phần đẩy nhanh quá trình biến đổi khí hậu. Khi biến đổi khí hậu diễn ra, những chất gây ô nhiễm cũng vì đó mà bị giữ lại trong không khí mà chúng ta hít thở hằng ngày. Biến đổi khí hậu và ô nhiễm không khí đe dọa đến những yếu tố thiết yếu của một sức khỏe tốt - đó là không khí trong lành, nguồn nước uống an toàn, nguồn cung cấp thực phẩm bổ dưỡng và chỗ ở an toàn. Chúng tôi kêu gọi các nhà hoạch định chính sách, các tổ chức, cộng đồng khoa học, các phương tiện truyền thông cùng ủng hộ những cam kết mạnh mẽ của Chính phủ trong việc bảo vệ môi trường và ưu tiên sức khỏe của người dân.

TS Angela Pratt, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại VN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.