TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch mạng lưới không khí sạch Việt Nam, đánh giá cơ quan quản lý nhà nước thời gian qua đã quá thờ ơ với vấn đề ô nhiễm không khí. Chỉ khi người dân xôn xao lo lắng thì mới nháo nhào họp, tìm giải pháp kiểm soát.
“Năm nay, có nhiều đợt ô nhiễm không khí, tần suất dày đặc hơn, mỗi đợt cũng kéo dài ngày hơn, mức độ ô nhiễm cũng nghiêm trọng hơn. Các cấp lẽ ra phải biết được trước, dự báo được tình hình này để chuẩn bị các biện pháp trước mắt, cấp bách, lâu dài kiểm soát chất lượng không khí, bảo vệ người dân. Trách nhiệm thuộc về lãnh đạo các bộ, ngành liên quan, địa phương bị ô nhiễm không khí và các vùng lân cận”, TS Tùng nói.
Đánh giá về sự phối hợp giữa cơ quan cấp bộ với địa phương, TS Tùng cho rằng rất rời rạc, thiếu phối hợp hành động. Đúng ra, các cơ quan cấp bộ, địa phương liên quan phải cùng bàn bạc để xác định nguyên nhân phát thải gây ô nhiễm không khí, rồi căn cứ từ đó tìm giải pháp, lực lượng thực hiện hiệu quả.
Đơn cử như việc kiểm soát khí thải từ xe máy, có hẳn chương trình hành động quốc gia có đưa ra lộ trình kiểm soát khí thải xe máy, đưa ra quy chuẩn ra sao... nhưng hầu như không thấy nhiều kết quả đáng kể. Hiện mới chỉ có quy chuẩn phát thải của ô tô.
Xe máy ở TP.Hà Nội và TP.HCM nhiều như vậy, bao năm qua sao không làm được? Đây là lĩnh vực quản lý của Bộ GTVT. Tuy nhiên, trường hợp cần thiết, Hà Nội cũng có thể tự xây dựng được. Bên cạnh đó, các vấn đề làm sao để quan trắc không khí, làm sao kiểm kê khí thải xem nguồn nào lớn… các cơ quan liên quan vào cuộc chậm.
Cũng theo TS Tùng, cơ sở hạ tầng, phương tiện quan trắc chất lượng không khí hiện nay yếu kém, chưa được đầu tư, duy tu bảo dưỡng nên năng lực quan trắc yếu, đã đến lúc cần thay đổi.
Một số chuyên gia nhận định, từ khi người dân quan tâm đến chất lượng không khí đến nay, cơ quan chức năng hầu như chỉ đưa ra cảnh báo, khuyến cáo chậm trễ, chưa có giải pháp kiểm soát, loay hoay trong việc tìm giải pháp dài hạn, căn cơ. Nguyên nhân, có sự chồng chéo, khoảng trống trong phân công trách nhiệm giữa các bộ, ngành trong vấn đề bảo vệ môi trường.
Cụ thể, nhiều bộ được giao trách nhiệm bảo vệ môi trường nhưng chỉ kiểm soát trong ngành của mình. Vai trò “nhạc trưởng” của Bộ TN-MT rất khó phát huy. Do vậy, cần có văn bản luật chuyên biệt về bảo vệ môi trường không khí để rõ ràng về vai trò, trách nhiệm, phạm vi của các bộ, ngành, địa phương, gắn trách nhiệm cụ thể với người đứng đầu các cơ quan.
Bình luận (0)