Ô nhiễm môi trường làm giảm giá trị sản xuất nông nghiệp

01/07/2016 05:58 GMT+7

Chiều qua 30.6, Chính phủ đã họp trực tuyến về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2016.

Mở đầu phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, nền kinh tế đất nước trong nửa năm đầu 2016 đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức. Chính phủ đã ban hành kịp thời 49 nghị định trên tinh thần đổi mới, nâng cao chất lượng văn bản, giải phóng sức sản xuất của người dân và doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh.
"Tuy nhiên, theo số liệu từ Bộ KH-ĐT, tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm chỉ đạt 5,52%, thấp hơn so với cùng kỳ là do nguyên nhân nào? Chính phủ đề ra một số chủ trương để sản xuất kinh doanh phát triển tốt hơn thì đến nay đã vào cuộc sống hay chưa ?...”, Thủ tướng đặt ra một loạt câu hỏi.
Lý giải nguyên nhân, tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu 2016 thấp hơn cùng kỳ năm ngoái, Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết có nhiều nguyên nhân, trong đó có 2 nguyên nhân chính. Thứ nhất, ngành nông nghiệp (chiếm trên 75% giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm và thủy sản) giảm 0,78% do gặp nhiều khó khăn vì tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn trên diện rộng tại các tỉnh vùng ĐBSCL, nam Trung bộ, Tây nguyên và ô nhiễm môi trường biển tại các tỉnh miền Trung làm giảm giá trị sản xuất nông nghiệp. Thứ hai, do tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp chỉ đạt 6,82%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 9,66% của cùng kỳ năm 2015 vì ngành khai khoáng giảm 2,2% (cùng kỳ năm 2015 tăng 8,48%). Tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chỉ đạt tương đương của cùng kỳ năm trước.
Báo cáo của Bộ KH-ĐT cho biết GDP 6 tháng đầu năm 2016 chỉ tăng 5,52%, thấp hơn nhiều mức 6,47% của cùng kỳ năm ngoái. Trong khi chỉ số lạm phát CPI bình quân nửa năm qua đã tăng 1,72%, cao gấp 2,7 lần so với cùng kỳ 2015 và khả năng chỉ số này trong năm 2016 sẽ cao hơn mức đề ra. Trong 6 tháng đầu năm 2016, tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 476,8 ngàn tỉ đồng (bằng 47% dự toán), tăng 6,1% so với cùng kỳ 2015. Trong khi đó, tổng chi ngân sách nhà nước ước đạt 562,5 ngàn tỉ đồng (bằng 44,2% dự toán), tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2015. Như vậy, 6 tháng đầu năm 2016, bội chi ngân sách nhà nước ước đạt 85 ngàn tỉ đồng.
Theo Bộ trưởng KH-ĐT, để đạt mục tiêu GDP cả năm 6,7% thì trong 6 tháng cuối năm phải tăng 7,6%. Đây là mức khá cao trong bối cảnh không còn nhiều dư địa cho việc nới lỏng chính sách tiền tệ và tài khóa. "Tăng trưởng kinh tế suy giảm sẽ ảnh hưởng đến các chỉ tiêu bội chi, nợ công và nợ chính phủ. Cuối 2016 các chỉ số này có thể vượt trần cho phép", ông Dũng lo ngại.
Tác động trực tiếp của Brexit đến VN không lớn
Tại phiên họp, Chính phủ đã nghe Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Đình Quý báo cáo sơ bộ sự kiện Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu) và những tác động đến VN. Theo ông Quý, tác động trực tiếp của Brexit đến VN không lớn nhưng tác động gián tiếp thì chưa tính được. EU là đối tác thương mại hàng đầu VN, đồng thời là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 sau Mỹ, do vậy nếu kinh tế Anh và EU có khó khăn thì điều này sẽ tác động đến kinh tế VN. Brexit cũng đưa đến khả năng những thỏa thuận thương mại sẽ phải đàm phán lại.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.