Khu vực này được xem là “thủ phủ” lò vôi ở các tỉnh phía Bắc vì tập trung tới 30 hộ đang sản xuất vôi, với tổng số 64 lò, chiếm diện tích hơn 108.000 m2. Trong số này, chỉ có 4/30 cơ sở có thủ tục về môi trường.
Ông Phạm Đức Thuận, Chủ tịch UBND TT.An Bài cho biết, các lò vôi đã gây ra tình trạng ô nhiễm trầm trọng tại địa phương từ nhiều năm qua và ngày càng tăng. Từ năm 2012, kết quả điều tra của cơ quan chức năng cho thấy, khu vực này có ô nhiễm không khí vượt mức quy chuẩn từ 1,03 - 1,5 lần; tình trạng ô nhiễm do bụi, khói, khí… liên tục tăng. Tháng 8.2015, mẫu quan trắc của Sở TN-MT tỉnh Thái Bình lấy tại 2 cơ sở sản xuất vôi tại đây, có kết quả chỉ số bụi vượt 1,6 - 1,8 lần, chỉ số CO vượt 4 - 4,2 lần…
Có mặt tại đây, PV chứng kiến hầu hết nhà dân đều bị bụi phủ trắng, không khí ngột ngạt vì khói độc từ các lò vôi liên tục tuôn ra. Không chỉ người lao động, hầu hết người dân TT.An Bài đều luôn phải đeo khẩu trang kín mít cả khi ở trong nhà.
Tuy nhiên, phương pháp hạn chế sự ô nhiễm môi trường ở đây lại đơn giản, thủ công. Hiện nay, UBND TT.Quỳnh Phụ chỉ yêu cầu các chủ cơ sở sản xuất vôi tăng thời gian quét dọn khu vực đường, bến bãi 4 lần/ngày; tăng thời gian phun nước hạn chế bụi phát tán 2 lần/ngày; dùng tôn, lưới, bạt che chắn khu vực sản xuất, phun nước tưới sân, bãi quanh khu vực lò, khu vực sàng lọc xỉ 4 lần/ngày; các xe chở vôi xuất bến phải che chắn, đậy phủ bạt kín, chở đúng quy định trọng tải, không để rơi vãi trên đường. Trong khi đó, phần lớn các chủ lò cũng “phớt lờ”, không thực hiện các yêu cầu trên.
Không chỉ có vậy, hoạt động của các lò vôi còn tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn lao động. Hiện, tất cả 64 lò vôi được xây dựng từ năm 1993 - 2013, với tổng số lao động tham gia sản xuất hơn 1.600 người. Hầu hết số lao động trên làm việc theo ngày, không ký hợp đồng lao động và không được trang bị các phương tiện bảo hộ khi làm việc trong môi trường độc hại. Điều đáng nói là tình trạng trên đã tồn tại hàng chục năm nay; người dân đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền các cấp nhưng vẫn chưa được xử lý.
Trao đổi với Thanh Niên, Chủ tịch UBND TT.An Bài cho biết, chính quyền chỉ biết xử phạt hành chính nhưng rồi đâu lại vào đó. Phương án duy nhất là phải xóa bỏ các lò vôi này trước năm 2020, để chuyển khu vực này thành điểm kinh doanh bến bãi, trung chuyển vật liệu xây dựng; sản xuất vật liệu xây dựng không nung... Tuy nhiên, đến nay, đề án này vẫn chưa được UBND tỉnh phê duyệt. “Đề án cần nhân lực, kinh phí hàng chục tỉ đồng, vượt quá khả năng của chúng tôi. Nếu không được tỉnh đầu tư, chúng tôi cũng chỉ biết ngồi chờ”, ông Thuận lý giải.
Bình luận (0)