Ô nhiễm từ các cơ sở chế biến hải sản

02/06/2014 09:39 GMT+7

Do không có hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung nên các cơ sở chế biến hải sản ở Tân Hải (xã Tân Hải, H.Tân Thành (Bà Rịa – Vũng Tàu) đã gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Ô nhiễm từ các cơ sở chế biến hải sản
Cá nuôi lòng bè trên sông Chà Và chết hàng loạt do ô nhiễm nguồn nước từ các cơ sở chế biến hải sản - Ảnh: Nguyễn Long

Được thành lập năm 1997, khu chế biến hải sản Tân Hải hiện có 22 cơ sở đang hoạt động (gồm: 8 cơ sở chế biến bột cá, 2 cơ sở chế biến hải sản kết hợp sản xuất bột cá, 10 cơ sở chế biến hải sản và 2 cơ sở chế biến mắm, nước mắm).

Ô nhiễm nghiêm trọng

Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, hiện có 14/22 cơ sở chế biến hải sản xả nước thải vào đầm tiếp nhận trước cổng số 6 (xã Tân Hải). Còn trước năm 2008, các cơ sở chế biến hải sản Tân Hải chủ yếu xử lý nước thải bằng phương pháp lắng lọc rồi thải ra đầm chứa nước trước cổng số 6 (rộng khoảng 12ha), đã làm cho khu vực này bị tích tụ các chất ô nhiễm trong một thời gian dài nên dẫn đến tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng đến hôm nay.

Ông Lê Tân Cương, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, để khắc phục tình trạng ô nhiễm tại khu chế biến hải sản Tân Hải, từ nằm 2009, cơ quan chức năng của địa phương đã tăng cường công tác thanh kiểm tra, xử lý vi phạm. Qua đó, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã tạm đình chỉ hoạt động của nhiều cơ sở chế biến hải sản để khắc phục ô nhiễm. Vì vậy, đến nay hoạt động xả thải của các cơ sở chế biến hải sản ở khu vực này có nhiều chuyển biến tích cực; 22 cơ sở đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải theo quy định. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm môi trường tại đầm chưa nước trước cổng số 6 vẫn chưa được khắc phục do một thời gian dài tiếp nhận nước thải chưa xử lý đạt quy chuẩn của các cơ sở chế biến hải sản.

Trong khi đó, báo cáo của Viện Môi trường và Tài nguyên (MT-TN) cho hay, lượng bùn hữu cơ tích tụ dưới đáy đầm chứa nước nước trước cổng số 6 hiện nay gần 170.000m3. Do bị ô nhiễm rất nặng nên nước thải từ đầm chảy ra sông Rạch Ván và Chà Và khiến thủy hải sản trên sông và cá nuôi lồng bè của người dân chết liên tục từ nhiều năm nay (Báo Thanh Niên đã có nhiều tin, bài phản ánh).

Tìm giải pháp xử lý ô nhiễm

Mới đây, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã có cuộc họp với các Sở, ngành để nghe Viện MT-TN báo cáo dự án xử lý ô nhiễm, cải tạo, phục hồi môi trường khu vực cống xả số 6, khu chế biến hải sản Tân Hải. Theo đó, dự án gồm 3 hợp phần chính: Kiểm soát và quản lý chặt chẽ việc xả nước thải của các doanh nghiệp ra đầm chứa; áp dụng các giải pháp kỹ thuật công nghệ thích hợp để xử lý các chất ô nhiễm tích tụ trong khu vực đầm chứa nước thải và thiết lập chế độ đóng, mở cửa xả thích hợp để điều tiết mực nước hồ thích hợp.

Theo Sở TN-MT, để kiểm soát chất lượng nước thải của các doanh nghiệp chế biến hải sản thì yêu cầu các đơn vị này phải lắp đặt thiết bị quan trắc tự động. Để xử lý lượng bùn tích tụ tại đây, Sở này yêu cầu Viện MT-NT tiến hành mô hình thử nghiệm trồng 3 loại thực vật (lau sậy, cỏ hương bài, ráng đại) để đảm bảo các loài thực vật này có thể tồn tài và phát triển trong môi trường bùn tích tụ bị ô nhiễm.

Nguyễn Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.