Những ngày này, hình ảnh thân thương của trường, của Khoa Ngữ văn mấy chục năm về trước lại hiện về. Ai cũng tự hào, nhớ ơn các thầy mà tên tuổi vang lừng cả trong và ngoài nước: Đặng Thai Mai, Trần Văn Giàu, Đào Duy Anh, Cao Xuân Huy, Nguyễn Mạnh Tường, Hoài Thanh, Trương Chính... Hình ảnh, giọng giảng bài, tình thầy trò của các thầy cô thuở chưa xa: thầy hiệu trưởng Ngụy Như Kontum; thầy chủ nhiệm Khoa Ngữ văn Hoàng Xuân Nhị; các thầy Nguyễn Tài Cẩn, Đinh Gia Khánh, Cao Xuân Hạo, Hoàng Như Mai, Hà Minh Đức, Nguyễn Văn Tu, Phan Cự Đệ, Tôn Gia Ngân, Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Hàm Dương, Nguyễn Kim Đính, Trần Đình Hượu, Lê Đình Kỵ, Nguyễn Văn Khỏa, Phan Ngọc, Bùi Duy Tân, Đoàn Thiện Thuật, Đỗ Hồng Chung, Chu Xuân Diên, Nguyễn Lộc, Nguyễn Phan Cảnh… Các cô Đặng Thị Hạnh, Hoàng Thị Châu, Lê Hồng Sâm, Nonna Stankevitch… Các thầy Hoàng Trọng Phiến, Nguyễn Xuân Lương, Đinh Văn Đức, Lại Văn Toàn, Trần Nho Thìn, Nguyễn Đức Dân, Nguyễn Trường Lịch, Lê Quang Thiêm, Nguyễn Thiện Giáp, Lê Chí Quế, Nguyễn Lai, Đỗ Văn Khang, Nguyễn Cao Đàm, Mã Giang Lân, Lê Đức Niệm, Lê Huy Tiêu, Phạm Quang Long... Còn rất nhiều thầy, cô kính yêu khác nữa. Và còn nhiều thầy cô tiếp bước sau này, trong số họ có những người sinh viên của Khoa Ngữ văn.
Những năm tháng chống xâm lược Mỹ gian khổ, trường và khoa phải sơ tán về làng Láng - Hà Nội; Đại Từ, Tràng Dương - Thái Nguyên; La Khê - Hà Đông; Ứng Hòa - Hà Tây; Hiệp Hòa - Hà Bắc... Không ít sinh viên vừa vào trường đã mặc ngay áo lính, đến các chiến trường gian khổ, ác liệt, có người anh dũng hy sinh, được truy tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang như Chu Cẩm Phong, Nguyễn Trọng Định... Sau ngày miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất, những người vào trường, học ở khoa là học sinh phổ thông độ tuổi 17, 18 và bộ đội vừa xuất ngũ. Có người vào trường khóa trước, rồi vào bộ đội, khi chiến tranh kết thúc lại về học tiếp ở các khóa sau. Cũng vì thế, trong nhiều lớp học, có những sinh viên là đồng khóa, đồng niên, lại có những người gọi nhau bằng anh em, chú - cháu.
tin liên quan
Về một ngôi trường nghề hơn trăm tuổiSáng 19.11, tại Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng đã diễn ra lễ kỷ niệm 110 năm thành lập và tri ân các thế hệ nhà giáo.
Những năm tháng ấy, đói khổ, thiếu thốn, vất vả trăm bề, vậy mà hầu như tất cả sinh viên đều yêu đời, lạc quan, vượt qua hoặc cầm lòng, dằn lòng trước khốn khó để sống và học tập; khát khao chiếm lĩnh tri thức, văn hóa của dân tộc và nhân loại; luôn say mê học hỏi, nghiên cứu khoa học. Đó là những năm mà thầy và trò nhà trường ra sức phấn đấu để “thầy ra thầy”, “trò ra trò”, “dạy ra dạy”, “học ra học”.
Nhiều thầy, cô ưu tú của khoa, của trường đã trở thành hình mẫu, thành thần tượng của các thế hệ sinh viên, thành phong cách “Ngữ văn Tổng hợp”. Cái dấu ấn, cái phong cách “Ngữ văn Tổng hợp”, hay gọi vắn tắt là “Tổng hợp văn” ấy rất khó lẫn, khó đánh đồng với ai khác, nơi khác. Cũng vì thế, mới có những câu thơ dí dỏm “Trường ta có chuyện lạ kỳ…”; mới có những mối tình thời hậu chiến “Anh ở Cổ - Cận - Dân/Em ở Cao - Xà - Lá/Gặp nhau cuối mùa xuân/Cưới nhau đầu mùa hạ…”; mới có những kỷ niệm “Cái thời lọ mực sẻ ba/Đĩa rau muống luộc nửa già, nửa ôi”...; mới có nhiều câu đối, thơ vui, chuyện tiếu lâm sâu sắc; mới có sinh viên Trần Côn - trầm lặng, lãng tử... đi qua nhiều khóa học, hiện hữu trong nhiều chuyện kể của thầy và trò Khoa Ngữ văn, như một kỳ nhân.
tin liên quan
Người biến nơi 'không ai muốn đến' thành trường đạt chuẩn quốc giaTáo bạo trong cách nghĩ, cách làm, một cô giáo đã vực dậy một ngôi trường mầm non xốc xếch, xuống cấp, không ai dám gửi con trở thành một ngôi trường điểm trên địa bàn.
Cái chất “Tổng hợp văn” của Khoa Ngữ văn, của các thầy, cô ưu tú, của những anh chị sinh viên xuất sắc và có thể cả một phần nào đó cái chất lãng tử “Trần Côn”, lạ kỳ thay, lại hóa thân và thăng hoa trong trang viết của không ít sinh viên Khoa Ngữ văn sau khi ra trường. Họ làm nghề giáo, nghiên cứu khoa học, viết văn, làm thơ, viết báo, làm xuất bản, viết nhạc, làm kịch, làm điện ảnh, sân khấu, phát thanh, truyền hình, làm lý luận phê bình, làm cả những nghề khác tưởng rất xa xôi với bộ môn ngữ văn. Nhưng đọc kỹ, ngẫm kỹ là nhận ra họ. Điều này không còn là cảm nhận, suy diễn, mà là những nhận định, những trải nghiệm, chiêm nghiệm.
Chỉ riêng lĩnh vực báo chí, “dân Tổng hợp văn” cũng không giống, thậm chí rất khác “dân” các “lò” đào tạo khác. Hàm chứa trong đó, sâu thẳm trong đó là cách nhìn vấn đề, cách “thắt”, cách “mở”, đặc biệt là chất nhân văn, năng lực và cá tính sáng tạo, chất lãng mạn, là “hồn vía” của người viết, làm khoa học, làm quản lý. Từ nơi này, nhiều sinh viên ra trường, sau một quá trình phấn đấu, lao động sáng tạo, được giao các trọng trách ở nhiều ngành, lĩnh vực, địa phương. Tiêu biểu là đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư của Đảng, Chủ tịch Quốc hội (nhiệm kỳ 11, 12); đồng chí Nguyễn Thái Ninh, Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương (nhiệm kỳ 7); là các ủy viên Trung ương Đảng Trần Mai Hạnh, Tạ Ngọc Tấn, Thuận Hữu, Lương Ngọc Bính, Nguyễn Thế Kỷ... Các nhà khoa học của khoa được trao tặng 6 Giải thưởng Hồ Chí Minh, 11 giải thưởng nhà nước về văn học - nghệ thuật, khoa học - công nghệ; hàng trăm giáo sư, phó giáo sư; hàng ngàn tiến sĩ, thạc sĩ; hơn 130 sinh viên của khoa là hội viên các hội: Hội Nhà văn, Hội Nghệ sĩ sân khấu, Điện ảnh, Nhiếp ảnh, Mỹ thuật...
Cái “chất ngữ văn” rất nhân văn, đó là hành trang, niềm tự hào, di sản tinh thần vô giá của 60 năm qua và còn lan tỏa, nhân rộng, lắng đọng trong nhiều năm tới.
tin liên quan
Chuyện về người thầy suýt bị chôn sống...May mắn thoát khỏi lưỡi hái tử thần bởi hủ tục, thầy giáo Bríu Bằng (49 tuổi, công tác tại Trường tiểu học xã A Tiêng, huyện Tây Giang, Quảng Nam) dùng mọi hiểu biết để giúp học trò và người dân bước qua những tập quán lạc hậu.
Bình luận (0)