Mất gần 2 giờ đồng hồ, chiếc thuyền máy từ xã Yên Na (H.Tương Dương) chạy ngược lên lòng hồ thủy điện Bản Vẽ, mới đến được bản Chà Coong. Ông Lương Sĩ Thôn, người lái thuyền, chỉ tay về phía thung lũng mênh mông nước, nói: “Bản cũ Chà Coong ở dưới đó, thủy điện chặn dòng, giờ nằm sâu cách mặt nước 60 m”. Bên trên, nơi lưng chừng núi, thưa thớt mấy căn nhà do dân dựng lên sau khi bản cũ đã nằm dưới biển nước.
|
|
Trước khi thủy điện chặn dòng vào năm 2009, toàn bộ bản Chà Coong phải di dời xuống khu TĐC ở H.Thanh Chương cách đó gần 200 km. Nhà ông Phùng có 4,6 ha đất rừng được nhà nước giao khoanh nuôi, bảo vệ. Ông nói: “Đất rừng nằm trên mực nước hồ thủy điện nên huyện nói không được bồi thường. Nhà tui chỉ nhận được 60 triệu đồng để di dời. Chừng đó tiền, nếu đến nơi TĐC cũng chưa đủ tiền dựng lại nhà nên tui không đi”.
tin liên quan
Ma Thiên Lãnh hoang sơ 'hút hồn' dân phượtGần 1.000 hộ dân xã Hữu Dương, trong đó có hơn 100 hộ ở bản Chà Coong lần lượt rời chốn núi rừng xuống khu TĐC, tên xã bị xóa sổ. 37 gia đình ở Chà Coong với lý do như ông Phùng nói, bám trụ ở lại. Để đối phó với nước dâng, họ dời nhà lên núi. Từ đó, họ bắt đầu cuộc sống mới: không đường, không điện, không trường học, không trạm xá và không chính quyền xã nào quản lý. Tình trạng trẻ con thất học, dân sống nơi chốn núi rừng cách trở khiến chính quyền H.Tương Dương “đau đầu” mấy năm nay.
Cũng giống ông Phùng, gia đình ông Lương Sĩ Thôn, người lái thuyền chở tôi cũng không chịu di dời xuống nơi TĐC. Khi nước hồ dâng lên, ông quyết định đóng bè, dựng ngôi nhà nhỏ trên mặt hồ. Căn nhà nổi chật chội dựng trên cái bè nứa dập dềnh bên mép hồ là chỗ sinh sống của 4 con người trong gia đình đã 7 năm rồi. Ngoài làm rẫy, đánh cá, ông Thôn đóng chiếc thuyền gỗ, mua động cơ để chở cá và nhu yếu phẩm thuê cho các hộ dân sống trôi nổi trên hồ.
|
Lặng lẽ hồi cư
Cách bản Chà Coong chừng 15 phút chạy thuyền, có mấy căn nhà thấp lè tè nổi dập dềnh trên sóng. Ông Thôn chở tôi ghé vào một căn nhà, hỏi vọng một câu bằng tiếng Thái. Chủ nhà ngó đầu ra, đáp lại. “Tui hỏi, bữa nay được nhiều cá không, nó nói không ăn thua”, ông Thôn giải thích. Chủ căn nhà ấy là anh Vi Văn Hòa, rời quê năm 2008, xuống khu TĐC ở xã Thanh Sơn, H.Thanh Chương. Cuộc sống mới quá chật vật vì đất sản xuất ít, gạo hỗ trợ của chủ đầu tư thủy điện cũng hết nên năm 2014 vợ chồng anh quay về làm bè, dựng lán bám lấy hồ sống bằng nghề đánh cá.
Từ xã Hữu Khuông, con thuyền xuôi về hướng thủy điện Bản Vẽ chừng 30 phút rồi rẽ ngoặt vào một nhánh sông. Đây vốn là một khe cạn, giờ thủy điện chặn dòng, đã thành sông. Thuyền chạy chừng nửa tiếng nữa là đến điểm tận cùng của chỗ ngập nước. Đó là nơi tìm về của 52 hộ dân bản Kim Hồng, xã Kim Tiến (H.Tương Dương). Năm 2009, tên xã Kim Tiến bị xóa sổ, cả xã phải di dời, nhường đất cho thủy điện Bản Vẽ. 104 hộ dân bản Kim Hồng khăn gói đến vùng đất mới, nhưng 3 năm sau đó họ lặng lẽ hồi cư.
Con đường mòn dẫn lên bản Kim Hồng mới dốc dựng đứng, ngoằn ngoèo, trơn trượt. Ông Lô Văn Tính, một cư dân hồi cư, kể: Năm 2009, cả nhà ông gồm 5 người được nhận 60 triệu đồng, xuống khu TĐC dựng nhà ở. Đất rừng ít, ruộng nước cằn cỗi nên năm 2011, ông và mấy người nữa rủ nhau bán tháo căn nhà được 9 triệu đồng rồi “trốn chạy” về quê cũ. Bản cũ đã chìm trong nước, họ tìm đến vùng đất này rồi giúp nhau khai đất, dựng nhà ở.
Cách nhà ông Tính một quãng là nhà anh Lương Văn Thân. Căn nhà sàn nằm trên lưng đồi, cheo leo dốc. Năm 2012, vợ chồng anh Thân bán nhà, mang 2 đứa con đang học lớp 1 và lớp 3 bỏ khu TĐC để về rừng. Hai vợ chồng tìm chỗ dựng nhà, làm rẫy và nuôi bò. Anh nói, cuộc sống ở đây “vẫn sướng hơn” ở khu TĐC. Thế nhưng từ ngày hồi cư, hai đứa con của vợ chồng anh Thân không còn được đến trường.
tin liên quan
Sống bất an bên 'miệng' hà báDân khổ, chính quyền "đau đầu"
Báo cáo của UBND H.Tương Dương cho biết, đến nay đã có 270 hộ dân bỏ khu TĐC quay trở về lòng hồ, 137 trẻ em theo bố mẹ cùng về. Cuộc sống của người dân rất khó khăn, phải đối mặt với nguy hiểm do sạt lở đất. “Trốn chạy” về rừng, người dân trở thành lạc lõng, sống tạm bợ, không địa phương nào quản lý. Ông Phạm Trọng Hoàng, Bí thư Huyện ủy Tương Dương, nói đây là bài toán hóc búa huyện chưa giải được. Để người dân sống bơ vơ trong lòng hồ là không ổn, nhưng chấp nhận cho họ ở lại là rất khó vì quỹ đất ở và đất sản xuất hạn chế, chưa kể kinh phí xây dựng hạ tầng rất lớn, chưa biết lấy đâu ra. Nếu thực hiện phương án này, nguy cơ dòng người bỏ khu TĐC để hồi cư sẽ rất lớn. Vận động dân ra khỏi rừng thì họ không biết đi đâu vì nhiều gia đình đã bán nhà cửa, đất đai ở nơi TĐC.
Ông Hoàng cho hay, đây là câu chuyện trách nhiệm của nhiều ngành, nhiều cấp. Không “đuổi” người dân ra khỏi lòng hồ, chính quyền phải chấp nhận cho họ ở lại và vận động họ không phá rừng làm rẫy, kết nối với chính quyền để khai sinh cho trẻ và đưa trẻ đến trường. Giờ chỉ còn một trường học duy nhất trong lòng hồ thủy điện Bản Vẽ sau khi 4 xã phải xóa sổ. Để đến được trường học này, từ các điểm cư trú của người dân di cư trở về, đi thuyền máy cũng mất từ 30 phút đến 1 giờ, nên việc những đứa trẻ nơi thâm sơn cùng cốc này lâm vào cảnh thất học là lẽ đương nhiên và nó cũng khiến chính quyền địa phương hết sức lo lắng.
Bình luận (0)