Ô tô cỡ nhỏ: Người Việt chuộng xe lắp ráp trong nước hơn nhập khẩu

15/10/2019 13:25 GMT+7

Sự áp đảo về số lượng mẫu mã vẫn chưa thể giúp ô tô cỡ nhỏ hạng A mang thương hiệu Nhật Bản nhập khẩu vào Việt Nam lật đổ được “đế chế” xe Hàn lắp ráp trong nước - vốn đang được khách hàng ưa chuộng.

Sau gần 1 năm gia nhập ồ ạt đổ bộ thị trường ô tô Việt, các mẫu xe cỡ nhỏ hạng A mang thương hiệu Nhật Bản lắp ráp tại các quốc qua trong khu vực ASEAN, hưởng thuế nhập khẩu 0% khi vào Việt Nam… vẫn chưa thể lấn át được bộ đôi xe Hàn đang lắp ráp tại Việt Nam.

Doanh số xe Hàn gấp đôi bộ ba xe Nhật

Số liệu được PV Thanh Niên tổng hợp từ báo cáo bán hàng của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) và TC Motor trong tháng 9.2019 cho thấy, ở phân khúc ô tô cỡ nhỏ hạng A, mức giá dưới 450 triệu đồng, người tiêu dùng vẫn ưa chuộng 2 mẫu xe Hàn (Hyundai Grand i10, KIA Morning) lắp ráp trong nước hơn xe nhập khẩu từ các nước trong ASEAN.
Doanh số bán Hyundai Grand i10, KIA Morning lấn át Toyota Wigo, Suzuki Celerio, Honda Brio
Cụ thể, trong tổng số 3.499 xe thuộc phân khúc ô tô cỡ nhỏ hạng A bán ra tại Việt Nam trong tháng 9.2019, doanh số Hyundai Grand i10, KIA Morning lắp ráp trong nước chiếm tới 2.289 xe. Trong đó, mẫu Hyundai Grand i10 do TC Motor lắp ráp, phân phối vẫn dẫn đầu phân khúc với lượng tiêu thụ đạt 1.668 xe, tăng gần 450 xe so với tháng 8.2019. Mẫu KIA Morning do Trường Hải (THACO) lắp ráp, phân phối vẫn giữ vị trí thứ 2 với 621 xe.
Trong khi đó, bất chấp sự áp đảo về số lượng, ô tô cỡ nhỏ mang thương hiệu Nhật Bản nhập khẩu từ các nước ASEAN gồm Toyota Wigo, Suzuki Celerio, Honda Brio… vẫn lép vế hơn về doanh số bán. Tổng lượng tiêu thụ 3 mẫu xe này trong tháng 9.2019 chỉ đạt 1.160 xe. Trong đó, Toyota Wigo chiếm 582 xe, Suzuki Celerio chiếm 225 xe và mẫu Honda Brio gia nhập thị trường mới đây đạt 353 xe.
Xe cỡ nhỏ hạng A nhập khẩu từ các nước trong ASEAN vẫn chưa thể lật đổ được đế chế xe Hàn lắp ráp trong nước
Kết thúc 9 tháng đầu năm 2019, Hyundai Grand i10, KIA Morning tiếp tục cũng cố vững chắc vị thế xe Hàn ở phân khúc ô tô cỡ nhỏ với tổng lượng xe bán ra đạt 19.934 xe, nhiều hơn tới 11.512 xe so với doanh số của Toyota Wigo, Suzuki Celerio và Honda Brio công lại (đạt 8.422 xe). Như vậy, sau gần 1 năm lần lượt đổ bộ vào thị trường Việt Nam, các mẫu xe cỡ nhỏ hạng A mang thương hiệu Nhật Bản được lắp ráp trong khu vực ASEAN vẫn chưa thể lật đổ được đế chế xe Hàn lắp ráp trong nước vốn đã tạo dựng trong gần 10 năm đã qua.

Người Việt chuộng Xe Hàn lắp ráp hơn xe Nhật nhập khẩu?

Với mức giá nằm trong khoảng từ 300 - 450 triệu đồng, ô tô cỡ nhỏ hạng A tại Việt Nam được các nhà sản xuất, phân phối hướng tới nhóm khách hàng mua xe chạy dịch vụ, gia đình nhỏ hay những người lần đầu sắm ô tô… Trong bối cảnh thị trường Việt Nam đang chuẩn bị bước vào giai đoạn ô tô hóa, phân khúc này đang thực sự nở rộ trong vòng 1 năm trở lại đây.
Phân khúc ô tô cỡ nhỏ hạng A tại Việt Nam đang có sự góp mặt của 6 mẫu xe
Ngoài hai cái tên gạo cội Hyundai Grand i10, KIA Morning chỉ trong vài tháng lần lượt Suzuki Celerio, Toyota Wigo, Honda Brio… gia nhập cuộc đua. Bên cạnh đó, Thương hiệu ô tô Việt - VinFast cũng tham gia vào phân khúc tiềm năng này thông qua việc sản xuất, phân phối mẫu Fadil. Như vậy, tính về số lượng ô tô mang thương hiệu Nhật Bản nhập khẩu từ các nước trong khu vực ASEAN vẫn áp đảo phân khúc xe cỡ nhỏ hạng A. Tuy nhiên, phần lớn thị phần vẫn đang nằm trong tay các mẫu mã lắp ráp trong nước, trong đó bộ đôi mang thương hiệu xe Hàn Quốc vẫn chiếm đa số.
Điều này đến từ nhiều yếu tố khác nhau. Trong đó, với lợi thế lắp ráp trong nước, Hyundai Grand i10, KIA Morning… dường như thấu hiểu nhu cầu người tiêu dùng hơn. Cụ thể, Grand i10 của TC Motor, Morning của THACO đều có danh mục phiên bản khá đa dạng. Mẫu xe cỡ nhỏ của Hyundai bán ra thị trường Việt Nam có đến 9 phiên bản gồm 2 biến thể sedan và hatchback, trong khi KIA Morning hiện tại cũng có đến 4 phiên bản. Ngoài các phiên bản trang bị tiêu chuẩn hướng đến khách hàng mua xe chạy dịch vụ, Hyundai Grand i10, KIA Morning đều có bản trang bị đầy đủ hơn nhằm phục vụ nhóm khách hàng cá nhân, gia đình.
Mang danh xe nhập khẩu như Toyota Wigo nhưng khá nghèo nàn về trang bị, tính năng
Trong khi đó, Suzuki Celerio, Toyota Wigo… gia nhập thị trường Việt Nam từ năm ngoái nhưng mỗi mẫu xe chỉ có 2 phiên bản lựa chọn. Trang bị tính năng trên các phiên bản của hai mẫu xe này cũng được đánh giá là nghèo nàn hơn so với, Hyundai Grand i10, KIA Morning hay VinFast Fadil lắp ráp tại Việt Nam. Đơn cử như trên bản cao cấp nhất của Hyundai Grand i10 được trang bị hệ thống kiểm soát lực kéo, camera lùi, hỗ trợ phanh khẩn cấp, hay cân bằng điện từ…. Đây là những tính năng mà khách hàng khó có thể tìm thấy trên các mẫu xe nhập khẩu như Suzuki Celerio, Toyota Wigo…
Bên cạnh đó, dù hưởng thuế nhập khẩu 0% nhưng thực tế giá bán các mẫu ô tô mang thương hiệu Nhật Bản nhập khẩu từ các nước trong khu vực ASEAN vẫn cao hơn so với các mẫu mã lắp ráp trong nước (ngoại trừ VinFast Fadil). Cụ thể, giá khởi điểm của KIA Morning chỉ từ 299 triệu đồng, Hyundai Grand i10 giá 315 triệu đồng… Trong khi đó, Suzuki Celerio được niêm yết giá thấp nhất 329 triệu đồng, Toyota Wigo giá 345 triệu đồng. Thậm chí với Honda Brio, phiên bản thấp nhất có giá lên tới 418 triệu đồng.
Honda Brio phiên bản thấp nhất có giá lên tới 418 triệu đồng
Đặc biệt, với lợi thế của những kẻ tiên phong tại thị trường Việt Nam, bộ đôi xe Hàn Quốc (Hyundai Grand i10, KIA Morning) đã phần nào tạo được miềm tin đối với khách hàng Việt Nam. Trong khi đó, với những kẻ đến sau như Toyota Wigo, Suzuki Celerio, Honda Brio… dù được đánh giá cao về mẫu mã, kiểu dáng thiết kế… nhưng thực tế vẫn cần thời gian để khẳng định được niềm tin trong người lòng người tiêu dùng Việt Nam.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.