Ô tô 'nội' chờ 'phao cứu sinh' từ chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ

22/06/2023 09:37 GMT+7

Doanh số ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước liên tiếp sụt giảm, lượng xe tồn kho có chiều hướng gia tăng… các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ô tô "nội" đang trông chờ cứu cánh từ chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ sau khi đã được gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt.

Ngành sản xuất kinh doanh ô tô tại Việt Nam đang "lâm trọng bệnh" trong bối cảnh tình hình kinh tế đang đối mặt với nhiều khó khăn thử thách. Việc lạm phát có chiều hướng gia tăng, nhiều cá nhân, gia đình thắt chặt các khoản chi tiêu vào các mặt hàng có giá trị cao như ô tô… khiến cho doanh số bán ô tô lắp ráp trong nước liên tiếp giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, bất chấp các nhà sản xuất, phân phối ô tô "nội" đã nỗ lực giảm giá.

Ô tô 'nội' chờ 'phao cứu sinh' từ chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ - Ảnh 1.

Doanh số bán ô tô liên tiếp lao dốc đang đẩy các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ô tô tại Việt Nam vào thế khó

Bá Hùng

Nỗ lực giảm giá nhưng vẫn bất lực trước đà sụt giảm doanh số

Bắt đầu từ cuối năm 2022 với mức giảm vài triệu đến vài chục triệu đồng, đến nay có thể nói nhiều mẫu mã ô tô lắp ráp trong nước đang được đại lý "đại hạ giá", mức giảm một số mẫu xe không còn dừng lại con số chục triệu mà lên đến hàng trăm triệu đồng. Tất cả góp phần hình thành nên "cơn bão" giảm giá mạnh nhất trên thị trường ô tô Việt Nam trong những năm qua.

Chia sẻ về các chương trình giảm giá của các nhà sản xuất, kinh doanh ô tô thời gian gần đây anh Trọng Nhân - một người có thâm niên gần 10 năm trong nghề tư vấn bán hàng cho một đại lý xe Nhật Bản nhận định: "Chưa bao giờ giá ô tô tại Việt Nam lại giảm nhanh, giảm mạnh như những tháng qua. Không chỉ những xe có giá tiền tỉ, ngay cả những mẫu xe phổ thông giá vài trăm triệu đồng được giảm từ vài chục đến cả trăm triệu không còn là chuyện lạ trên thị trường ô tô những tháng gần đây".

Ô tô 'nội' chờ 'phao cứu sinh' từ chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ - Ảnh 2.

Ô tô giảm giá hàng trăm triệu đồng không còn là chuyện lạ tại Việt Nam những tháng gần đây

Bá Hùng

Thậm chí, những mẫu ô tô lắp ráp trong nước từng một thời "khan hàng, đội giá" như Hyundai Santa Fe, Mazda CX-8, Mazda CX-5 hay Kia Sorento… nay lại khiến người mua phải "giật mình" khi được đại lý báo giá giảm cả trăm triệu đồng.

Thế nhưng với tình hình kinh tế hiện tại, những mặt hàng có giá hàng trăm triệu đến cả tỉ đồng như ô tô không phải cứ giảm mạnh giá sẽ dễ bán. Anh N.T.H, tư vấn bán hàng của một đại lý Hyundai ở TP.HCM cho biết: "Hai tháng qua dù rất cố gắng chạy quảng cáo, thậm chí cắt giảm hoa hồng cá nhân để tăng mức giảm cho khách hàng nhưng kết quả cũng chỉ bán được vỏn vẹn 2 xe".

Ô tô năm 2022: Doanh số kỷ lục, Toyota và Hyundai lại "đua song mã"

Từ đầu năm đến nay, từ tư vấn bán hàng, đại lý cho đến nhà phân phối liên tiếp "thắt lưng, buộc bụng" nỗ lực giảm giá bán để chạy doanh số nhưng vẫn không thể chặn được đà sụt giảm về lượng tiêu thụ của ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước.

Số liệu bán hàng từ Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho thấy, tháng 5 vừa qua doanh số bán ô tô lắp ráp trong nước (CKD) chỉ đạt 12.079 xe, giảm 9% so với tháng trước đó đồng thời cũng là tháng thứ 2 liên tiếp ghi nhận mức sụt giảm doanh số. Cộng dồn cả 5 tháng đã qua của năm 2023, tổng lượng tiêu thụ ô tô lắp ráp trong nước chỉ đạt 62.096 xe, giảm 43% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chờ "phao cứu sinh" từ chính sách giảm lệ phí trước bạ

Sau nhiều tháng liên tiếp "gồng mình", cắt giảm lợi nhuận thậm chí chịu lỗ để áp dụng chính sách giảm giá ô tô, kích cầu… đến nay một số đại lý phân phối của các doanh nghiệp lắp ráp, sản xuất ô tô trong nước đang dần rơi vào tình trạng "sức cùng, lực kiệt" khi tình hình kinh doanh vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện.

Thậm chí, với nhiều mẫu ô tô sản xuất từ năm 2022 các đại lý sẵn sàng hy sinh lợi nhuận, chịu lỗ để hy vọng xả hàng tồn kho khi thời gian bán hàng của năm 2023 đã đi qua gần nửa chặng đường.

Ô tô 'nội' chờ 'phao cứu sinh' từ chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ - Ảnh 5.

Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ô tô "nội" đang trông chờ cứu cánh từ chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ

Bá Hùng

Trong bối cảnh đó, chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ từ phía Chính phủ được các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ô tô "nội" kỳ vọng sẽ trở thành chiếc phao cứu sinh, trợ lực giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn của thị trường ô tô.

Đến thời điểm này, sau thời gian được đưa ra thảo luận lấy ý kiến, đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ của các doanh nghiệp thuộc VAMA cũng như UBND các tỉnh Ninh Bình, Quảng Nam… đã được Chính phủ đồng thuận và đang trong giai đoạn chờ ban hành Nghị định. Dự kiến, Nghị định liên quan đến việc giảm 50% lệ phí trước đối với ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước sẽ được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1.7 tới đây. Đây sẽ là lần thứ 3 trong 3 năm trở lại đây chính sách này được áp dụng để tạo động lực vực dậy thị trường ô tô Việt Nam.

Ô tô 'nội' chờ 'phao cứu sinh' từ chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ - Ảnh 6.

Ngày 21.6 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 36/2023/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước

Bá Hùng

So với 2 lần ban hành trước đây, chính sách giảm 50% lệ phí trước đối với ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước sắp tới được dự báo khó có thể vực dậy thị trường khi kinh tế vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn. Tuy nhiên, chính sách này sẽ góp phần giảm áp lực, tạo tiền đề để các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ô tô lắp ráp trong nước có thể vượt khó. Trước đó, vào ngày 21.6 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 36/2023/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.