Tương tự năm ngoái, kể từ khi bước sang năm 2024 đến nay cuộc đua giảm giá vẫn đang diễn ra rầm rộ trên thị trường ô tô Việt Nam. Hàng loạt mẫu mã của nhiều thương hiệu ô tô tiếp tục được nhà sản xuất, phân phối giảm giá bán nhằm tạo sức hút với khách hàng. Thế nhưng, thực tế sức mua ô tô vẫn sụt giảm.
Số liệu được PV Thanh Niên tổng hợp từ báo cáo bán hàng của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), Liên doanh Hyundai Thành Công (HTV) và VinFast công bố mới đây cho thấy, kết thúc quý 1/2024 các thương hiệu ô tô đang kinh doanh tại Việt Nam đã bán ra tổng cộng gần 76.500 xe ô tô các loại, giảm gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy, dù ô tô giảm giá bán vẫn khó thu hút khách hàng mua ô tô. Thực trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có 3 lý do chính sau đây:
Thị trường ô tô Việt khó "có cửa" khởi sắc trong năm 2024
Mặt bằng giá bán ô tô liên tục giảm
Thông thường trong bối cảnh sức mua trên thị trường suy yếu, giảm giá bán được xem là "liều thuốc" để kích cầu. Tuy nhiên, việc ô tô giảm giá quá nhanh cũng ít nhiều khiến "liều thuốc" giảm giá phản tác dụng. Bởi với người Việt, ô tô không chỉ xem như phương tiện mà còn là tài sản, nhiều người mua xe rất chú trọng tỷ lệ khấu hao, giữ giá của xe để chịu lỗ ít nhất khi bán lại. Do đó, hầu hết khách mua ô tô mới, không muốn chiếc xe vừa mua mất giá nhanh chỉ sau vài tháng lăn bánh do nhà sản xuất, phân phối giảm giá.
Trong bối cảnh nhiều mẫu mã ô tô ồ ạt giảm giá nhưng sức mua vẫn giảm, nhiều người cho rằng để tránh "ôm" hàng tồn kho, các nhà sản xuất, phân phối sẽ tiếp tục giảm giá để xả hàng hoặc giải quyết bài toán doanh số. Điều này thực tế đã từng diễn ra trong những năm qua khi một số mẫu mã liên tục giảm giá chỉ trong một thời gian ngắn.
Chờ đợi chính sách ưu đãi lệ phí trước bạ
Giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước là chính sách từng được Chính phủ ban hàng nhiều lần trong những năm qua để kích thích sức mua trên thị trường ô tô, đồng thời hỗ trợ các nhà sản xuất ô tô trong nước. Năm ngoái, chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước cũng được triển khai trong giai đoạn nửa cuối năm 2023, đến đầu năm 2024 đã hết hiệu lực. Lệ phí trước bạ được áp dụng khi khách mua ô tô làm thủ tục để xe lăn bánh, vì vậy chính sách này áp dụng sẽ giúp người mua ô tô hưởng lợi.
Từ đầu năm 2024 đến nay, doanh số bán ô tô liên tục sụt giảm, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn. Do đó mới đây, Thủ tướng giao Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong tháng 5 việc gia hạn thời hạn nộp thuế, giảm lệ phí trước bạ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, giảm tiền thuê đất, mặt nước. Chính sách này mới đang ở giai đoạn kiến nghị, đề xuất nhưng nhiều người có ý định mua ô tô, đặc biệt xe lắp ráp trong nước sẵn sàng chờ đợi để được hưởng lợi khi chính sách giảm lệ phí trước bạ một lần nữa được áp dụng.
Một số mẫu xe rục rịch cải tiến, thay đổi
Ngoài chính sách ưu đãi lệ phí trước bạ, việc nhiều mẫu mã trên thị trường ô tô đang ở cuối vòng đời như Mitsubishi Triton, Mitsubishi Outlander, Hyundai Accent, Nissan Almera… chuẩn bị được nâng cấp, cải tiến hoặc những mẫu mã hoàn toàn mới rục rịch gia nhập thị trường cũng khiến khách mua ô tô chờ đợi. Bởi không ai muốn chiếc ô tô mới vừa lăn bánh chỉ sau một thời gian ngắn đã "lạc hậu" về thiết kế, công nghệ.
Bình luận (0)