Sau không ít lần "nhận trái đắng" ô tô Trung Quốc đang trở lại mạnh mẽ tại thị trường Việt Nam vốn đang có nhiều thay đổi. Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng loạt thương hiệu ô tô với nhiều mẫu mã thuộc các phân khúc khác nhau, gồm cả xe động cơ đốt trong, xe hybrid và ô tô thuần điện ồ ạt tràn về Việt Nam. Sau các mẫu xe mang thương hiệu MG, Wuling… hàng loạt thương hiệu xe Trung Quốc như Haval thuộc hãng mẹ Great Wall Motor (GWM), Lynk & Co, GAC hay mới nhất là Chery thông qua bán hai thương hiệu con là Omoda và Jaecoo cũng quay trở lại thị trường Việt Nam.
Nhiều cơ hội đang chờ đợi ô tô "made in China"
So với những lần trước đây vốn được phân phối nhỏ lẻ với một vài mẫu xe, "làn sóng" ô tô Trung Quốc tràn vào Việt Nam thời gian gần đây cho thấy quy mô sự đầu tư khá rõ, khi hầu hết bắt tay hợp tác với các nhà phân phối ô tô trong nước để dễ dàng hơn trong việc tiếp cận thị trường. Trong bối cảnh công nghệ, phong cách thiết kế liên tục thay đổi theo thị hiếu người tiêu dùng, sự đa dạng mẫu mã, thương hiệu có thể được xem là một trong những lợi thế của ô tô Trung Quốc.
Ô tô Trung Quốc phủ đều ở tất cả các phân khúc. Từ ô tô điện giá rẻ có giá chỉ hơn một chiếc xe máy như Wuling Hongguang Mini, sedan cỡ nhỏ dưới 600 triệu như MG5 mới, xe hybrid như Haval H6, xe MPV cỡ nhỏ như Haima 7X và 7X-E, hay ô tô gầm cao cỡ nhỏ như MG RX5, cho đến các dòng xe sang, giàu công nghệ như Lynk & Co 01, Lynk & Co 09… Tất cả đều hướng đến mỗi nhóm khách hàng khác nhau nhưng nhìn chung đều rất đa dạng mẫu mã để khách hàng lựa chọn nếu mua ô tô xuất xứ Trung Quốc. Trong đó, nhiều thương hiệu xe Trung Quốc đang tập trung vào phân khúc ô tô gầm cao cỡ nhỏ vốn đang được xem là xu hướng ngày càng được nhiều người tiêu dùng ô tô Việt Nam ưa chuộng.
Cùng với sự đa dạng mẫu mã, việc sở hữu hàng loạt công nghệ, tính năng tiện ích trong khi giá bán khá cạnh tranh cũng được xem là thế mạnh truyền thống tiếp tục được ô tô Trung Quốc tạo ra khi trở lại Việt Nam lần này.
Đặc biệt, chính sách ưu đãi của Chính phủ khi áp dụng mức thu lệ phí trước bạ 0% với ô tô điện cũng được xem là một khía cạnh để các thương hiệu ô tô Trung Quốc vốn có thế mạnh về xe xanh có thể phát huy lợi thế. Những ông lớn của ngành ô tô Trung Quốc như BYD, Chery… đang có trong tay nhiều yếu tố như công nghệ chế tạo pin, công nghệ sạc nhanh, hay trí tuệ nhân tạo… vốn được xem là những yếu tố quan trọng để phát triển xe điện.
Ngoài ra, Việt Nam và Trung Quốc đang có mối quan hệ đối tác chiến lược với nhau. Điều này sẽ tạo ra cơ hội cho các thương hiệu ô tô Trung Quốc khi tiếp cận thị trường Việt Nam. Các thương hiệu này có thể tận dụng quan hệ giữa hai nước để tiếp cận các cơ hội kinh doanh mới như hợp tác để xây dựng nhà máy sản xuất, mở rộng hệ thống đại lý bán hàng, dịch vụ để phục vụ khách hàng tốt hơn.
Làn sóng ô tô Trung Quốc mới liệu có "làm nên chuyện" tại Việt Nam?
Không ít thách thức với ô tô Trung Quốc khi trở lại Việt Nam
Không ít cơ hội để ô tô Trung Quốc có thể cạnh tranh, tiếp cận khách hàng Việt vốn đang có sự thay đổi, chuyển dịch khi lựa chọn mua sắm ô tô. Tuy nhiên, cũng sẽ có không ít thách thức đang chờ đợi các thương hiệu ô tô Trung Quốc tại thị trường ô tô Việt Nam vốn được xem "chẳng giống ai" trong khu vực Đông Nam Á.
Ô tô Trung Quốc giá rẻ có thể dễ dàng tiếp cận khách hàng Indonesia, Thái Lan… Tuy nhiên, khi bước vào thị trường Việt Nam, việc giá rẻ có lẽ vẫn chưa đủ. Bước khởi đầu chật vật tại Việt Nam của mẫu ô tô điện giá rẻ từng bán chạy nhất thế giới như Wuling Hongguang Mini là một minh chứng rất rõ. Có giá bán chưa tới 300 triệu đồng, tuy nhiên việc hạn chế về công nghệ và chưa thật sự phù hợp với thói quen sử dụng của người tiêu dùng cũng như những hạn chế về hạ tầng giao thông tại Việt Nam khiến những mẫu xe như Wuling Hongguang Mini dù rẻ đến mấy cũng ít người quan tâm.
Bên cạnh đó, trong lần trở lại này nhiều thương hiệu ô tô Trung Quốc chú trọng vào các sản phẩm ô tô điện vốn được xem là thế mạnh của xe Trung Quốc thời đại mới, tuy nhiên việc hạ tầng giao thông, hệ thống trạm sạc tại Việt Nam còn hạn chế… được xem là rào cản lớn để ô tô điện Trung Quốc có thể cạnh tranh, phát triển tại Việt Nam. Tính đến thời điểm hiện tại, chưa có hãng ô tô Trung Quốc nào đầu tư phát triển mạng lưới trạm sạc công cộng, ngoài những trụ sạc được lắp tại đại lý bán hàng.
Đáng chú ý, ô tô Trung Quốc dù đa dạng mẫu mã, thương hiệu, giàu công nghệ tính năng… nhưng việc thuyết phục được khách hàng Việt không phải là câu chuyện một sớm, một chiều. Bởi, thực tế thị trường ô tô Việt Nam khá đa dạng nhưng lợi thế vẫn đang nghiêng về phía các thương hiệu ô tô Nhật Bản, Hàn Quốc hay Mỹ, Đức… vốn đã tạo được chỗ đứng, niềm tin trong suy nghĩ của khách hàng Việt Nam. Trong khi đó, dù đã "bớt lo" về chất lượng sản phẩm hay dịch vụ sau bán hàng của ô tô Trung Quốc, tuy nhiên phần lớn khách hàng Việt Nam đều khá e ngại và không muốn làm "chuột bạch" với các mẫu mã ô tô Trung Quốc vốn vẫn chưa chứng minh được sự ổn định, độ bền bỉ với môi trường, địa hình giao thông tại Việt Nam.
Bình luận (0)