Ô tô Trung Quốc và 'cuộc cách mạng 2.0' tại Việt Nam: Lịch sử có lặp lại?

10/06/2024 11:44 GMT+7

Trở lại thị trường Việt Nam với lực lượng thương hiệu "hùng hậu", cách làm bài bản hơn cùng chất lượng xe được cải thiện… làn sóng ô tô Trung Quốc mới liệu có chinh phục được khách Việt, hay lịch sử thất bại sẽ lặp lại?

Sau giai đoạn trầm lắng, vài năm trở lại đây, hàng loạt thương hiệu ô tô Trung Quốc đã bất ngờ "đánh tiếng" và chính thức có những động thái quay trở lại Việt Nam; dần hình thành một làn sóng xe mới từ thị trường tỉ dân, với quy mô lớn và chiến lược bài bản hơn.

Làn sóng ô tô Trung Quốc mới liệu có "làm nên chuyện" tại Việt Nam?

"Cuộc cách mạng 2.0" của xe Trung Quốc?

Làn sóng mới của ô tô Trung Quốc vào Việt Nam có lẽ bắt đầu hình thành từ nửa cuối năm 2020 với "ngọn sóng đầu" mang tên MG (Morris Garages). Sau thời gian dài rút lui, thương hiệu xe lâu đời nhất nước Anh nhưng hiện thuộc sở hữu của công ty công nghiệp ô tô Thượng Hải (SAIC) bất ngờ trở lại thị trường Việt Nam với hàng loạt mẫu xe thế hệ mới.

Chỉ vài tháng sau đó, Beijing nối gót MG, mở bán mẫu SUV/crossover cỡ trung Beijing X7. Hongqi cũng đặt chân đến Việt Nam bằng việc trình làng hai mẫu xe định vị ở nhóm xe sang, gồm Hongqi H9 và E-HS9.

Ô tô Trung Quốc và 'cuộc cách mạng 2.0' tại Việt Nam: Lịch sử có lặp lại?- Ảnh 1.

MG trở lại thị trường ô tô Việt Nam kéo theo hàng loạt hãng xe Trung Quốc khác

Đình Tuyên

Làn sóng mới của xe Trung Quốc thực sự dâng mạnh ở giai đoạn cuối năm 2023 đến đầu năm 2024 khi một loạt tên tuổi bắt đầu xuất hiện. Chỉ trong vòng nửa cuối năm 2023, thị trường ô tô Việt liên tục chào đón đến 4 thương hiệu xe từ thị trường tỉ dân, lần lượt có Wuling, Haval, Lynk & Co và Haima.

Nhưng cuộc "đổ bộ" vẫn chưa dừng lại ở đây. Bởi lẽ, những "ông lớn" thực sự như Cherry hay BYD dù chưa chính thức mở bán, tuy nhiên đã gần hoàn tất những công đoạn cuối cùng để sẵn sàng tung ra thị trường trong thời gian tới. Đó là chưa kể đến "kỳ lân" của ô tô Trung Quốc và thế giới - GAC Aion. Thương hiệu mới này hiện cũng đã có đại lý tại TP.HCM và chỉ chờ chốt ngày khai trương.

Ô tô Trung Quốc và 'cuộc cách mạng 2.0' tại Việt Nam: Lịch sử có lặp lại?- Ảnh 2.

Chỉ trong vòng vài năm, xe Trung Quốc đã hình thành làn sóng mới đổ vào Việt Nam với khoảng 10 thương hiệu

Đình Tuyên

Như vậy, chỉ trong vòng chưa đầy 4 năm, xe Trung Quốc xem như đã hình thành một "cuộc cách mạng" mới; khi có tới trên dưới 10 thương hiệu lần lượt gia nhập thị trường Việt Nam. Sở dĩ gọi là "cuộc cách mạng 2.0", bởi trước đây đã từng có giai đoạn, các thương hiệu xe Trung Quốc cố thâm nhập vào "dải đất hình chữ S".

Giai đoạn này kéo dài suốt gần 15 năm. Bắt đầu bằng phát súng mở màn của Lifan vào năm 2006. Thời điểm đó, thương hiệu xe Trung Quốc này "bắt tay với công ty Bảo Toàn, đưa vào Việt Nam mẫu sedan Lifan 520. Đến năm 2009, lần lượt Chery, BYD hay Haima cũng lân la tiếp cận thị trường Việt. Chery mang đến với những mẫu xe cỡ nhỏ như Chery QQ3, Riich M1 (năm 2009). BYD chọn bán mẫu F0 (năm 2010). Trong khi, Haima quyết tâm hơn với dải sản phẩm đa dạng, gồm các mẫu Haima 2, New Haima 3, Haima 7 và Haima Freema (năm 2011).

Ô tô Trung Quốc và 'cuộc cách mạng 2.0' tại Việt Nam: Lịch sử có lặp lại?- Ảnh 3.

Trước đây, các hãng xe đến từ thị trường tỉ dân đã từng nhiều lần cố gắng thâm nhập vào Việt Nam nhưng bất thành

Khoảng thời từ năm 2012 - 2017, thị trường ô tô trong nước chào đón thêm vài thương hiệu xe phương Bắc nữa như Zotye, BAIC. Tuy nhiên, tất cả có chung một kết cục thất bại. Các hãng xe Trung Quốc nối đuôi nhau mở bán tại Việt Nam được vài năm đều lặng lẽ rời đi.

Chật vật tìm đất sống, xe Trung Quốc vẫn quyết tâm thâm nhập thị trường Việt Nam

Lịch sử có lặp lại?

Có lẽ chính vì quá khứ không mấy "tươi đẹp", nên khi làn sóng ô tô từ Trung Quốc quay trở lại, không ít khách Việt hiện vẫn tỏ ra hoài nghi. Mặc dù vậy, theo nhiều chuyên gia trong ngành ô tô trong nước, xe Trung Quốc thời điểm này nhìn chung đã khác nhiều so với giai đoạn đầu thế kỷ 21. Trước đây, hầu hết hãng xe Trung Quốc khi đặt chân vào thị trường Việt Nam đều cho thấy nhiều hạn chế. Trong đó, 3 yếu kém cốt lõi nhất vẫn là cách làm thương hiệu, chất lượng xe và dịch vụ hậu mãi. Đó là lý do, dù giá thành rẻ hơn nhiều so với những mẫu mã xe Nhật Bản, Hàn Quốc hay châu Âu, xe Trung Quốc vẫn chưa thể thuyết phục được khách Việt.

Nhưng ở thời điểm này mọi chuyện có vẻ đã khác. Những tên tuổi ô tô Trung Quốc đã và sẽ đặt chân đến Việt Nam đều ít nhiều thay đổi so với trước đây.

BYD, Chery hiện đã là những thương hiệu toàn cầu. Haval, MG đã chinh phục được nhiều thị trường khác ngoài Trung Quốc, trong đó có các thị trường ở khu vực Đông Nam Á. Trong khi, những thương hiệu khác như Beijing, Hongqi, Wuling, Lynk & Co hay Haima đều đã có chỗ đứng ở "quê nhà" Trung Quốc và sẵn sàng vươn tới các thị trường lân cận. Điều này đang phần nào cho thấy uy tín thương hiệu và chất lượng sản phẩm của xe Trung Quốc đã dần cải thiện.

Ô tô Trung Quốc và 'cuộc cách mạng 2.0' tại Việt Nam: Lịch sử có lặp lại?- Ảnh 4.

So với giai đoạn trước, các thương hiệu ô tô Trung Quốc hiện nay đã thay đổi nhiều và được đánh giá cao hơn về chất lượng

Ngoài ra, cách tiếp cận thị trường Việt Nam của các hãng xe láng giềng giai đoạn này cũng đã khác. Nếu nhìn lại lịch sử, có thể dễ dàng nhận thấy, trước đây các hãng xe Trung Quốc thường "qua loa" trong khâu tìm chọn đối tác phân phối, dẫn đến tình trạng bán xe theo kiểu "ăn xổi ở thì". Do vậy, khi các thương hiệu này rút lui, đại lý cũng sẵn sàng "bỏ rơi" khách hàng. Thế nhưng, với chiến lược hiện nay, có thể thấy nhiều "ông lớn" xe Trung Quốc đã lên kế hoạch xây dựng hẳn nhà máy sản xuất, lắp ráp xe tại Việt Nam. Điều này phần nào cho thấy sự "nghiêm túc" và quyết tâm gắn bó lâu dài hơn với thị trường.

Dĩ nhiên, cuộc "cách mạng 2.0" của ô tô Trung Quốc tại Việt Nam có thành công hay không còn phải chờ thời gian trả lời. Tuy nhiên, với những thay đổi tích cực kể trên, khó có thể phủ nhận tiềm năng và triển vọng của những hãng xe đến từ thị trường láng giềng trong lần trở lại này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.