Vài lần được giới thiệu tại các triển lãm xe hơi kể từ năm 2012 nhưng chiếc ô tô Made in Vietnam của Vinaxuki vẫn chưa một lần hoàn thiện.
>> Người Việt thích dùng xe sang phản ánh đẳng cấp
>> Reuters: 8/10 người Việt không có ô tô vẫn đi học bằng lái
Năm 2012, tại triển lãm Vietnam Motor Show, khách tham quan bất ngờ với gian hàng cực kỳ đơn giản ở bên ngoài không gian triển lãm, lạc lõng hoàn toàn với “thế giới” bên trong. Đó là gian hàng của công ty Xuân Kiên (Vinaxuki) với sản phẩm ô tô Made in Vietnam đầu tiên với dòng chữ giới thiệu tỉ lệ nội địa hóa tới 56%. Vào thời điểm đó, dù chưa hoàn thiện và vẫn đang “trưng cầu dân ý” nhưng Vinaxuki đã mạnh dạn công bố giá bán và chế độ bảo hành tới 5 năm. Cụ thể, bản VG 100 có giá 220 triệu đồng, VG 130 là 329 triệu và VG 150 là 349 triệu đồng.
Vinaxuki VG lần đầu có mặt tại Vietnam Motor Show 2012 nhưng chưa hoàn thiện
|
Khó đầu vào...
Những tưởng người Việt có thể sở hữu chiếc xe gán mác “Duyên dáng Việt Nam” trong tương lai gần thì cho tới thời điểm này, gần 3 năm sau ngày chính thức lộ diện, sản phẩm của Vinaxuki vẫn chưa một lần được bày bán, thậm chí là hoàn thiện. Trong một số bức hình gần đây nhất, chiếc ô tô Made in Việt Nam vẫn sơ khai như ngày đầu bỡ ngỡ tại triển lãm Vietnam Motor Show 2012 vì đang chờ vốn nhập linh kiện.
Trần tình về điều này, ông Bùi Ngọc Huyên, Chủ tịch Vinaxuki nhiều lần chia sẻ với truyền thông rằng xe VG của công ty đắp chiếu vì thiếu... vốn. Ông này cho biết vào thời điểm năm 2012 khủng hoảng kinh tế lên đỉnh điểm, lãi suất ngân hàng tăng, nhiều nguồn vốn bị cắt khiến việc đầu tư xuất xưởng VG bị dừng lại... vô thời hạn.
Sau gần 3 năm ô tô Made in Vietnam vẫn dậm chân tại chỗ |
Chủ tịch Vinaxuki cũng cho biết, công ty đã đầu tư khoảng 250 tỉ đồng để nghiên cứu, chế tạo dòng xe du lịch 4 chỗ kể từ năm 2009. Thời kỳ đầu, công ty còn thuê một số chuyên gia người Nhật sang trực tiếp nghiên cứu, cố vấn thiết kế kỹ thuật. Nhà máy của công ty đã sản xuất được khoảng 200 khung vỏ xe sẵn sàng cho lắp ráp khi có đầy đủ linh, phụ kiện.
Ông Huyên cho biết hiện vẫn đang chờ đợi những chính sách hỗ trợ mới từ Nhà nước để hoàn thành giấc mơ sản xuất ô tô nội địa. Ngoài ra, công ty cũng đang tìm kiếm đối tác phù hợp để bán cổ phần, bán một số nhà máy lấy tiền trả nợ ngân hàng đồng thời tiếp tục đầu tư sản xuất. Tuy nhiên, theo giới phân tích dù nguồn vốn đầu vào có thuận lợi thì Vinaxuki cũng còn rất nhiều khó khăn chờ đợi phía trước.
...khó cả đầu ra
Đặt tình huống Vinaxuki nhận được nguồn vốn đầu tư lớn đủ để mở lại dây chuyền sản xuất, đưa VG ra thị trường thì thử thách dành cho chiếc ô tô mang thương hiệu Việt mới chỉ thực sự bắt đầu. Thứ nhất, ngay từ khi ra mắt, thiết kế của VG chưa bao giờ được đánh giá cao. Cho tới thời điểm này, sau gần 3 năm VG càng trở nên lạc hậu so với các đối thủ trên thị trường. Trong khi đó, việc đầu tư nghiên cứu thiết kế mới, làm lại kết cấu hệ thống khung gầm, vỏ rất phức tạp và tốn nhiều thời gian cũng như chi phí.
Khó khăn lớn nhất của Vinaxuki VG không chỉ nằm ở vốn mà ở khâu tiếp cận khách hàng
|
Khó khăn thứ 2 chính là sự tin tưởng của người tiêu dùng. Khác với mặt hàng nhỏ trị giá vài trăm ngàn đồng hay vài triệu đồng, chiếc ô tô trị giá vài trăm triệu là cả một gia tài với nhiều người, đặc biệt là những khách hàng tìm đến một chiếc xe giá rẻ. Chính vì vậy, những băn khoăn về chất lượng, dịch vụ hậu mãi sẽ khiến người tiêu dùng chùn chân trước một thương hiệu mới. Nhất là trong tầm giá trên 300 triệu, khách hàng hoàn toàn có thể lựa chọn dòng xe giá rẻ đến từ Hàn Quốc hay Nhật Bản với thương hiệu lâu đời dù có thể sử dụng động cơ công suất thấp hơn.
Để thành công, ông Bùi Ngọc Huyên và Vinaxuki cần nhiều vấn đề phải giải quyết hơn chứ không chỉ tiền vốn. Sản xuất 1 chiếc ô tô đã khó, việc tạo dựng niềm tin, đưa chiếc xe đó đến tay người tiêu dùng còn khó khăn hơn nhiều lần.
Ảnh: Tiền Phong
Bình luận (0)