'Ở trên chỉ nói, có làm đâu mà sai, ở dưới làm nên nóng lên là chết'

22/05/2019 14:11 GMT+7

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh Quốc hội Võ Trọng Việt phản ánh, nhiều lãnh đạo hay nói “trên nóng dưới lạnh”, nhưng nhiều “anh em dưới địa phương không đồng tình”.

Sáng 22.5, thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh Quốc hội Võ Trọng Việt khẳng định, báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội cuối năm 2018, đầu năm 2019 rất đầy đủ, rất sâu.
Ông Việt đánh giá tình hình kinh tế - xã hội thời gian vừa qua là ổn định, phát triển, quyết liệt, sáng tạo và tạo được lòng tin.
“Có thể nói chưa lúc nào lòng tin của xã hội tốt như hiện nay, không chỉ lòng tin trong nước mà còn lòng tin chính trị của các nước với Việt Nam”, ông Việt nói.
Tuy nhiên, ông Việt cũng cho rằng, bức tranh kinh tế - xã hội của đất nước cũng còn một số tồn tại.
“Thứ nhất là tiêu cực và sức ì trong bộ máy công quyền quá lớn”, ông Việt nhận xét, và cho rằng cái này mà không sửa, không quyết liệt làm thì dứt khoát là ách tắc rất lớn.
“Nhân chuyện này tôi muốn nói chuyện một số đồng chí lãnh đạo hay nói trên nóng dưới lạnh. Tôi đi địa phương thấy anh em không đồng tình đâu. Anh em nói ở trên có làm đâu mà sai, còn ở dưới làm nên nóng là chết”, ông Việt nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh cũng nói thêm: "Anh em người ta nói, ở trên có làm đâu, chỉ nói. Ông nóng gì thì nóng nhưng ông chỉ nói thì không sai. Ở dưới người ta làm thì có sai sót, nên nóng lên là sai".
Từ đó, ông Việt đề nghị không nên lạm dụng câu nói này.

Tư duy ăn đong, sự vụ sẽ làm lùi sự phát triển đất nước

Một tồn tại khác, theo ông Việt, tệ nạn, tội phạm xã hội đang ở mức báo động mà càng làm càng phức tạp, càng làm càng thấy lớn. Bên cạnh đó, vấn đề quản lý mạng xã hội cũng chưa ổn.
“Quản lý mạng xã hội thế này thì tôi nói thật có thể dẫn dắt, đảo lộn xã hội. Đành rằng chúng ta thấy thông tin đa chiều, nhưng để mạng xã hội thế này thì rất nguy”, ông Việt nói.
Từ đó, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Quốc hội đề nghị thời gian tới, Chính phủ cần lưu ý vấn đề tăng cường phân cấp, vì nếu phân cấp dở chừng thế này thì địa phương sẽ rất khó khăn.
“Chính phủ thử đóng vai địa phương thì sẽ thấy là ách tắc và phân cấp chưa đến nơi, đến chốn, rất khó làm, khó giải quyết”, ông Việt nói, và đề nghị cần phải phân cấp mạnh hơn.
Thứ hai là hiện nay Chính phủ quan tâm đến toàn bộ xã hội, địa phương nào, lĩnh vực nào cũng quan tâm, nhưng theo ông Việt, Chính phủ chỉ nên tập trung chỉ đạo những vấn đề lớn của đất nước như doanh nghiệp nhà nước, tập đoàn nhà nước.
Chỉ ra nguyên nhân của vấn đề này nằm ở chỗ "khâu chọn cán bộ không chuẩn nên điều hành hoạt động hiệu quả thấp”, ông Việt đề nghị Chính phủ cần phải rà soát, tập trung những vấn đề lớn và làm đến nơi, đến chốn, vì những vấn đề lớn mới cần đầu tư nhiều, chứ không nên để các sự vụ lấn át những vấn đề cốt lõi, cơ bản.
“Các đồng chí xem, anh em cũng nói, chuyện gì cũng Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo. Vậy Thủ tướng không chỉ đạo thì không làm à? Làm như vậy mất quyền tự chủ của địa phương”, sau nhận xét này, ông Việt cho rằng nếu cứ "tư duy ăn đong, sự vụ sẽ làm lùi sự phát triển đất nước”, và đề nghị cả hệ thống chính trị cần tập trung tháo gỡ ách tắc cả về lập pháp, hành pháp đối với những vấn đề lớn, căn cơ của đất nước.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.