Từng ở trọ cùng bạn thân, nhưng sau 3 tháng, Nguyễn Thị Hoàng Quyên, sinh viên (SV) Trường ĐH Luật TP.HCM, và bạn cùng phòng đã có những mâu thuẫn khó hòa giải, dẫn đến việc cả hai không thể tiếp tục ở cùng nhau.
Đôi khi có chuyện gì đó xảy ra trong cuộc sống, dù rất nhỏ, nhưng nếu biết cách ứng xử phù hợp thì mọi chuyện sẽ êm xuôi |
THƯỢNG HẢI |
“Lúc đầu, tụi mình ở chung rất vui, thường đi chơi và mua sắm vào cuối tuần. Nhưng về sau lại hay cãi nhau về việc phân chia dọn nhà cửa, giờ giấc sinh hoạt và các vấn đề về không gian riêng tư của nhau. Cả hai đã tranh luận rất gay gắt và bạn kia quyết định dọn sang chỗ trọ mới”, Hoàng Quyên kể lại.
Cũng gặp vấn đề khó khăn khi ở trọ cùng bạn thân, B.T.T, SV Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, kể: “Tụi mình thân từ năm lớp 12, cũng vì thân thiết nên đôi khi những tật xấu của bạn ấy lại biểu hiện ra quá rõ ràng như: nấu ăn thì không bao giờ dọn, nhà vệ sinh cũng vậy và thường một tuần bạn mới giặt đồ một lần nên có mùi hôi rất khó chịu”, T. ta thán.
T. nhiều lần nhắc nhở nhưng vì là bạn thân nên không thể góp ý quá thẳng thắn vì sợ tổn thương đến bạn. “Nhưng đỉnh điểm dẫn đến mâu thuẫn không thể hàn gắn chính là một lần mình bị mất máy tính xách tay tại phòng trọ và ngỏ ý muốn cùng bạn hợp tác điều tra vụ mất trộm đó vì đây là trách nhiệm của cả hai. Đáp lại là sự vô tâm và gia đình người bạn đó còn gây áp lực cho mình. Từ đó tình bạn rạn nứt và mỗi người thuê trọ riêng”, T. kể.
Ở với bạn thân đôi khi có chuyện gì đó xảy ra trong cuộc sống dù rất nhỏ nhưng nếu không biết cách ứng xử phù hợp thì rất dễ từ “người thương” sẽ hóa “người dưng”.
Thạc sĩ Đinh Văn Mãi
Thạc sĩ Đinh Văn Mãi, giảng viên bộ phận kỹ năng mềm, Trung tâm phát triển năng lực SV, Trường ĐH Văn Lang, cho biết ở với bạn thân sẽ giúp người trẻ dễ dàng chia sẻ hơn và ít ngại hơn vì đã có tính thân thuộc từ trước. Tuy nhiên, đôi khi có chuyện gì đó xảy ra trong cuộc sống dù rất nhỏ nhưng nếu không biết cách ứng xử phù hợp thì rất dễ từ “người thương” sẽ hóa “người dưng”.
“Hầu như những người ở trọ với bạn thân hay ngại chuyện bày tỏ vì sợ rằng nói ra đối phương sẽ buồn, vô hình trung làm cho mâu thuẫn cứ âm ỉ, không được giải quyết. Có trường hợp dẫn đến cuộc “chiến tranh lạnh”, sinh ra khoảng cách, nhưng có khi lại “bùng nổ” khiến điều không mong muốn xảy ra chính là tình bạn chấm dứt”, Th.S Mãi nhìn nhận.
Th.S tâm lý Nguyễn Thế Huy, giảng viên thỉnh giảng Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, khuyên người trẻ có thể né tránh hoặc giảm nhiệt xung đột bằng sự phân công và thông cảm.
“Nên phân công công việc một cách rạch ròi vì nhiều bạn quá thân thường hay nói là ai rảnh thì làm nhưng công việc và học tập đôi khi khác nhau sẽ mất cân đối nên cần phân chia từ lúc đầu. Bên cạnh đó, có thể thông cảm cho nhau về một vấn đề nào đó ít nhất 3 lần nhưng đến lần 4 thì cần nói ra ý kiến của mình để đối phương biết”, Th.S Huy nói.
Ngoài ra, cũng theo Th.S Huy, khi xảy ra tình trạng mâu thuẫn ở trọ cùng bạn thân thì sẽ có nhiều cách để giải quyết nhưng hãy giải quyết bằng sự tử tế: “Không phán xét, đổ lỗi cho nhau, hãy nhìn vào vấn đề và giải quyết trên cơ sở tôn trọng và cảm thông lẫn nhau để giữ được tình bạn, có cơ hội hòa thuận trở lại”, Th.S Huy khuyên.
Bình luận (0)