Mấy ai ngờ, số phận hẩm hiu của hai mẹ con họ đã được cộng đồng đứng cạnh bên để cùng gây dựng một niềm tin cổ tích...
Năm 1995, bà mẹ đơn thân nghèo Trần Thị Sữa (ở xã Lộc Điền, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế) sinh đứa con gái rồi đặt tên cháu là Trần Thị Ô Xin. Cái tên “lạ”, do ảnh hưởng bởi nữ nhân vật Ôsin vượt lên nghịch cảnh chiếu trên truyền hình trước đó.
Bất ngờ chiếc laptop thứ 13
Ô Xin của bà mẹ đơn thân đúng là vừa chào đời đã gặp nghịch cảnh. Gầy tong teo, đôi lúc xanh như tàu lá, thêm căn bệnh “sưng lách bẩm sinh” (sau này xác định là Thalassemia). Cơm áo khốn khó, bệnh tật bủa vây đã đè nặng lên hai mẹ con họ. Nhưng Ô Xin cũng dần trưởng thành, với thành tích 12 năm là học sinh giỏi.
Khi bà mẹ nghèo còn đang phân vân lấy gì để cho con học tiếp, khi mỗi ngày gánh nước thuê từ sông Truồi lên chợ quê bán mỗi gánh 1.000 đồng… thì cũng là lúc họ được báo tin không biết là nên buồn hay vui: đỗ cả Trường đại học Bách khoa Đà Nẵng lẫn Trường đại học Y Dược Huế. Khi nhận tin ấy, cả 2 mẹ con cũng đang điều trị bệnh tại Bệnh viện Trung ương Huế.
|
Trong lúc gian nan đó, phóng viên Thanh Niên nhận được thông tin kèm đề nghị từ thầy Lê Triều Sơn (Phó hiệu trưởng Trường THPT Gia Hội, thành phố Huế) làm nhịp cầu giúp Ô Xin đến được với các nhà hảo tâm. Thầy Sơn trong lần đi công tác tại huyện Phú Lộc đã biết tin về cô học sinh nghèo này, liền tìm đến, viết bài về gương hiếu học. “Khi hay tin Ô Xin đỗ 2 trường đại học, mình nghĩ đến chặng đường khó khăn phía trước và nhờ Báo Thanh Niên làm cầu nối”, thầy Sơn chia sẻ.
Chuyện tiếp theo, xảy ra từ năm 2013. Sau bài báo Nhận tin đỗ 2 trường đại học trên giường bệnh (đăng trên Thanh Niên ngày 6.8.2013), bạn đọc nhiều nơi gom góp giúp đỡ. Không kể khoản tiền mặt gần 35 triệu đồng, mà có cả chiếc laptop của chương trình “Laptop tặng tân thủ khoa” do FPT, Nokia phối hợp với Báo Thanh Niên trao tặng. Đấy cũng là một câu chuyện đẹp: Khi danh sách 12 thủ khoa đã “chốt” (với 12 chiếc laptop), Ô Xin lại không phải là tân thủ khoa, nhưng ban tổ chức chương trình đã “phá lệ” quyết định bổ sung chiếc thứ 13.
Rời bỏ tên cũ “ô xin”
Hình ảnh những chiếc áo blouse thân thiện trong bao năm nằm viện khiến Ô Xin chọn học ngành bác sĩ đa khoa, Trường đại học Y Dược Huế. Bà Sữa đóng cửa nhà, khăn áo cùng con lên Huế thuê phòng trọ. Bà rửa chén bát thuê ở các quán ăn để kiếm tiền nuôi con ăn học và lo viện phí.
Hai năm đầu đại học, Ô Xin tiếp tục “lấy bệnh viện làm nhà”, nhưng vẫn luôn có học bổng cao dành cho top 50 của sinh viên Trường đại học Y Dược Huế. “Cháu nó có lúc nản, định buông xuôi. Nhưng tui động viên, nói ráng mà học… Học bổng mỗi học kỳ, trừ tiền đóng học phí xong còn dư mấy trăm ngàn đồng”, bà Sữa kể.
Năm 2018, bạn bè và thầy cô khuyên nhủ, cô nữ sinh ngành bác sĩ đa khoa quyết định đổi tên. Từ Ô Xin, giờ cô mang tên mới là Trần Thị Nam Phương. Tên này do bà Sữa tự nghĩ ra, tự nhiên thấy thích và chọn…
Năm 2019, sau 6 năm “chiến đấu” với chuyện học hành lẫn bệnh tật, Nam Phương tốt nghiệp đại học, là 1 trong 10 sinh viên giỏi nhất trường. Cô nộp hồ sơ và trúng tuyển làm việc tại Khoa Giải phẫu bệnh - pháp y, Trường đại học Y Dược Huế, chuyên ngành mà cô vừa làm luận văn và cũng thấy phù hợp với sức khỏe.
Hôm tôi đến nhà trọ của mẹ con Nam Phương ở kiệt 131 Trần Phú (thành phố Huế), cô vẫn làm việc với chiếc laptop thứ 13 mà bạn đọc Báo Thanh Niên tặng từ hơn 6 năm trước. Cô chưa rời nó, vì chứa đầy kỷ niệm và ân tình. Cô rụt rè muốn gửi lời tri ân đến những người đã tin yêu mình.
“Chặng đường đại học khép lại, phía trước vẫn còn rất dài, Phương sẽ cố gắng để xứng đáng với tấm lòng của mọi người đã dành cho”, cô nói.
Bình luận (0)