Những ngày đầu tháng 8, trên chuyến xe từ TP.HCM đến Bà Rịa - Vũng Tàu, PV Báo Thanh Niên đã có dịp được đồng hành cùng anh Tuấn Vỹ, chủ kênh "Tuấn Vỹ kết nối yêu thương" nổi tiếng trong việc giúp đỡ các gia đình đoàn tụ thân nhân, chứng kiến cuộc đoàn tụ đặc biệt này.
60 năm "phiêu bạt"
Đến thời điểm này, bà Chụt, tên thật là Nguyễn Thị Như Hoa (67 tuổi) vẫn chưa thể nào tin được điều kỳ diệu đã đến với cuộc đời của mình. Bởi cuối cùng, sau 60 năm dài đằng đẵng, bà đã được vỡ òa trong niềm hạnh phúc đoàn viên với người thân máu mủ, ruột rà.
Mọi chuyện bắt đầu vào những ngày giữa tháng 7, khi bà xuất hiện trên kênh YouTube của Tuấn Vỹ để tìm về nguồn cội của mình. Trong ký ức tuổi thơ chập chờn của người phụ nữ luống tuổi, khi mới lên 6 - 7, vì gia đình khó khăn nên bà theo ông nội ra chợ gần nhà ở Đông Hà (Quảng Trị) để bán một cái mâm.
"Sau đó, tôi bị lạc với ông nội. Có một người phụ nữ, tôi nhớ tên là bà Đơ cưu mang tôi. Không lâu sau, tôi cùng bà vào Đà Nẵng. Lúc đó, tôi tiếp tục lạc bà Đơ, đi vô tới tận Quảng Ngãi rồi được người phụ nữ không con cưu mang, là mẹ nuôi của tôi bây giờ", bà kể lại.
Kể từ đó, bà Chụt lớn lên trong tình yêu thương và sự chăm sóc của mẹ nuôi. Qua bao biến cố, thăng trầm đời người, năm 1983 bà theo chồng vào Bà Rịa - Vũng Tàu sinh sống. Họ có với nhau 5 người con, trai gái đều đủ và xây dựng tổ ấm hạnh phúc của mình từ những ngày khó khăn đến khi có cuộc sống ổn định hôm nay. Mẹ nuôi của bà, cũng đã mất nhiều năm trước.
Suốt 60 năm qua, chưa đêm nào người phụ nữ thôi nghĩ về nguồn cội, gốc gác của mình. Thế nhưng, vì không biết chữ, nên bà không biết cách nào để tìm kiếm người nhà.
Nhờ người con nuôi kết nối với anh Tuấn Vỹ, bà Chụt kể về câu chuyện của mình. Bà vẫn nhớ những ký ức chập chờn về quê quán, tên của chị em trong gia đình. Theo đó, bà có 3 chị em, người chị tên thường gọi ở nhà là Xin, người em út tên Đai. Hình ảnh của người em thường mút móng tay để qua cơn đói, vì gia đình nghèo khó và cha mẹ đều mất sớm trong chiến tranh, cứ vấn vương mãi trong tâm trí của bà.
Câu chuyện của bà Chụt ngay sau khi được chia sẻ đã nhận được sự quan tâm lớn và đồng cảm của cư dân mạng. Nhiều người bày tỏ sự xúc động trước khát khao tìm về gốc gác cũng như mong cầu cho bà tìm thấy được phép màu.
Điều kỳ diệu đã xảy ra…
Chỉ 13 phút sau clip được đăng tải, ông Nguyễn Văn Đạt (60 tuổi, ngụ Quảng Trị) tên thường gọi lúc nhỏ là Đai, vô tình xem được và bất ngờ nhận ra người phụ nữ trong clip là người chị ruột mà cả gia đình tìm suốt 60 năm qua. Bởi tất cả những ký ức của bà Chụt kể lại, đều trùng khớp với câu chuyện của gia đình ông.
"Lúc đó, tôi không thể tin được, không thể nào tin đó là sự thật. Chị Chụt mà gia đình tìm kiếm bấy lâu nay, cứ nghĩ chị đã chết rồi, cuối cùng đã tìm về với gia đình", người đàn ông luống tuổi rớm nước mắt, kể lại khoảnh khắc khó tin.
Trong cuộc gặp gỡ online với sự kết nối của anh Tuấn Vỹ, bà Chụt, ông Đai và bà Xin đã được nhìn thấy mặt nhau sau 6 thập kỷ. Họ xác nhận lại các thông tin, nghẹn ngào khi hoàn toàn trùng khớp. Trong cuộc gặp gỡ đó, ai cũng òa khóc nức nở như được trở lại thành những đứa trẻ thơ năm nào rồi kể cho nhau nghe về cuộc sống suốt ngần ấy thời gian đời người.
Ông Đạt kể rằng từ khi ông nội làm lạc mất chị Chụt, cả gia đình đã nhiều lần ra chợ, tìm khắp các khu gần nhà nhưng không có kết quả. Ông nội đã mang niềm day dứt đó cho tới những ngày cuối đời.
Khi trút hơi thở cuối cùng vào năm 1985, cụ ông vẫn không quên dặn các cháu trong nhà rằng họ còn có một người chị, dù như thế nào, vẫn phải cố gắng tìm lại được. Sự ra đi của ông, là điều mất mát lớn nhất của cả gia đình, bởi cha mẹ của các chị em ông Đạt mất sớm, họ được ông nội nuôi nấng, dạy dỗ.
"Chúng tôi đã biết bao nhiêu năm tìm chị, cũng gửi đơn tới nhiều chương trình, nhưng không có tin. Có thời gian tôi đi làm ở Sài Gòn, vẫn dò hỏi, tìm kiếm tin tức như vô vọng. Tới nay, phép màu đã thực sự đến với gia đình rồi", em trai bà Chụt bày tỏ.
"Ông ơi! Chị em chúng con đoàn tụ rồi!"
Những ngày cuối tháng 7, bà Chụt cùng người thân có chuyến đi về quê hương Quảng Trị đoàn tụ cùng chị em ruột, bà con dòng họ. Ngay trong khoảnh khắc gặp nhau, họ òa khóc nức nở, ôm chầm lấy nhau thật lâu.
Cái ôm, những giọt nước mắt ướt đẫm trên khuôn mặt của 3 chị em như để bù đắp cho 60 năm xa cách. Bấy nhiêu năm qua, họ vẫn nhớ về nhau, vẫn tìm cách tìm nhau, thế mà giờ đây mới gặp được nhau bằng xương bằng thịt.
Thắp hương lên bàn thờ của tổ tiên, của ông nội, ông Đạt đã tâm sự với ông, rằng: "Ông ơi! Ông ở nơi chín suốt hãy mỉm cười và yên tâm. Chị em chúng con đoàn tụ rồi". Đại gia đình đã dành nhiều ngày gặp gỡ, ăn uống, thăm nom, kể cho nhau nghe những câu chuyện giấu kín trong lòng suốt bao năm qua chưa từng được kể.
Chứng kiến khoảnh khắc gia đình đoàn tụ cùng nhau, anh Tuấn Vỹ cũng không giấu được những giọt nước mắt xúc động. Nước mắt, nụ cười, hạnh phúc đoàn viên của họ, là động lực lớn để anh tiếp tục hành trình giúp đỡ những gia đình đoàn tụ cùng nhau.
"Đây là một trong những cuộc đoàn tụ nhanh nhất và đầy kỷ niệm, trong hành trình của mình", anh Tuấn Vỹ bày tỏ.
Bà con, hàng xóm chung vui
Trở lại nhà sau chuyến đoàn tụ ở Quảng Trị không lâu, gia đình bà Chụt hào hứng đón tiếp người thân, anh chị em ruột của mình về nhà ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Cả nhà bà Chụt mở một bữa tiệc ấm áp chào đón người thân ở phương xa ghé thăm cũng như dành những lời tri ân với anh Tuấn Vỹ, người mà họ xem là ân nhân lớn nhất làm nên cuộc đoàn tụ này.
Bữa tiệc ấm áp cũng có sự tham dự của đông đúc bà con, họ hàng đến chung vui. Ông Lê Ngọc (67 tuổi), là em rể của bà Chụt cho biết mình sống và làm việc ở gần đây. "Vậy mà gia đình tôi không hề biết chị Chụt là người thân, dòng họ của mình. Cho tới khi nhận ra nhau, cả nhà mới tá hỏa vì ở quá gần mà không biết. Hôm nay, chỉ nói được duy nhất một điều thôi, là quá vui và hạnh phúc", ông Ngọc bày tỏ.
Cả gia đình cùng nhau tâm sự, hát hò, vui chơi gắn kết thêm tình cảm. Bà Chụt tâm sự rằng bà đang sống trong những ngày vui nhất, hạnh phúc cuộc đời bởi từ nay, bà đã trút được nỗi đau đáu về nguồn cội.
Nỗi niềm đó, như viên đá đè đặng tâm trí, trái tim bà suốt mấy chục năm qua. Không có gì hơn tình thâm, máu mủ, bà cho biết các anh chị em trong nhà, gia đình ruột sẽ gắn kết, giữ liên lạc với nhau. Bà Chụt và người thân trong gia đình cũng biết ơn tất cả những ân nhân đã đi qua cuộc đời bà, giúp đỡ bà để có được cuộc đời, hạnh phúc hôm nay.
Những ngày đoàn viên của đại gia đình vẫn còn tiếp tục, trong niềm vui, hạnh phúc, tiếng cười…
Bình luận (0)