Oan sai đâu phải bồi thường là xong

29/06/2020 05:53 GMT+7

Nhắc lại những vụ án oan sai với mức bồi thường tiền tỉ gần đây, bạn đọc Báo Thanh Niên không chỉ bàn về chuyện 'tiền bồi thường ở đâu ra?' mà còn cho rằng quan trọng là 'làm sao để hạn chế thấp nhất oan sai'.

Câu chuyện án oan và bồi thường oan sai một lần nữa được nhắc lại khi mới đây cụ ông ở Vĩnh Phúc sau gần 40 năm chịu án oan giết người đã yêu cầu được bồi thường thiệt hại, tinh thần, sức khỏe

Cụ ông 40 năm mang tiếng oan chủ mưu giết người mong ngóng đền bù

Bi kịch đời người

Bạn đọc (BĐ) Nphong không biết nói gì hơn ngoài một câu cảm thán “Trời ơi” vì “một cái án oan 40 năm đã làm ảnh hưởng cuộc sống của mấy thế hệ người ta...”. Nói như BĐ loi1973pham thì đó thực sự là một bi kịch “đời người sống được bao lâu. Oan sai mấy chục năm như vậy còn gì là cuộc đời. Công danh, sự nghiệp, cuộc sống riêng tư cũng xem như chấm hết”, và cũng không quên đặt câu hỏi: “Người oan sai bị bỏ tù. Vậy những người xử oan cho người khác thì có bị ở tù không?”.

Phải buộc các cán bộ gây oan sai làm việc trả nợ cho nhà nước thì mới có thể chấm dứt được án oan sai.

Thanh Ha Mai

BĐ Trang Nguyễn Mai Diễm cứ suy nghĩ mãi về “một lời phán xét, ảnh hưởng cả một đời người” vốn phải có sức mạnh đến thế nào để nâng lên hạ xuống thì tại sao “không thử đặt mình vào hoàn cảnh của họ?”. Những câu hỏi của BĐ đặt ra, tiếc thay, đều trong thế đã rồi, khi những án oan đã xảy ra.
BĐ Hoàn Lê Văn xót xa: “Án oan khiến cả gia đình lâm vào cảnh đau thương. Có người ngồi tù cả chục năm trời, may còn sống ra tù được giải oan thì cũng phải lận đận mới được xin lỗi, bồi thường, nhưng có thấm vào đâu với những ngày tháng trong tù”.

Tâm sự cay đắng của “chủ mưu” vụ giết người được giải án oan sau 40 năm

Sao cho không còn oan sai

Như Thanh Niên đã thông tin, luật Trách nhiệm bồi thường đã có những quy định rõ về “tiền bồi thường ở đâu ra”. Theo đó, người thi hành công vụ “nếu cố ý gây oan sai phải hoàn trả toàn bộ số tiền mà nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại”. Nếu lỗi cố ý gây oan sai nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì mức hoàn trả từ 30 - 50 tháng lương nhưng tối đa là 50% số tiền bồi thường. Trường hợp người thi hành công vụ vô ý gây thiệt hại thì mức hoàn trả từ 3 - 5 tháng lương tại thời điểm có quyết định hoàn trả, nhưng tối đa là 50% số tiền mà nhà nước đã bồi thường.

Trước hết phải nói đến trách nhiệm của luật pháp, phải thực sự khắt khe... Quy trách nhiệm từng người, từ điều tra, kiểm sát, đến người tuyên án. Chứ trách nhiệm thì “cá nhân” mà bồi thường để nhà nước gánh thì ai tuyên án chả được.   

Sơn Phạm

BĐ Anh lái tàu họ Nhạc nhận xét: “Theo ý kiến cá nhân tôi, người thi hành công vụ có lỗi cố ý thì dù chịu hay không chịu trách nhiệm hình sự cũng phải loại ra khỏi ngành tư pháp vì tâm bất minh, còn người vô ý gây thiệt hại thì cách hết các chức vụ trong ngành vì không đủ năng lực”.
Tán thành, BĐ Cao Tấn Lược góp ý rằng mục tiêu cuối cùng của luật không phải để đo đếm với nhau bao nhiêu tiền bồi thường, ai phải trả, mà “nên có chế tài nghiêm khắc để hạn chế thấp nhất oan sai” khi người thi hành công vụ phải luôn “tích cực nâng cao nghiệp vụ, cẩn trọng khi làm việc” mới mong không còn oan sai…
Ngẫm nghĩ xa hơn, BĐ Phong Lý nêu ý kiến: “Oan sai phải lấy tiền nhà nước trả rồi, chứ cán bộ gây oan sai tiền đâu mà trả hết. Nhưng nếu vậy thì lỗi cũng cần quy cho cả người tham mưu, bổ nhiệm sai người. Việc chọn cán bộ làm công tác này phải là người giỏi, tư duy sắc bén để đánh giá, phân tích vấn đề được thấu đáo”.

Tâm sự ngày trở về trong sạch sau 40 năm oan sai của người cựu binh Tây Ninh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.