Ngày 5.6, Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe báo cáo, thảo luận về tình hình oan sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan theo quy định.
Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang phát biểu tại phiên thảo luận - Ảnh: Ngọc Thắng
|
Theo báo cáo của UBTV QH, trong kỳ giám sát (từ 1.10.2011 đến 30.9.2014), các cơ quan tiến hành tố tụng đã khởi tố, điều tra 219.506 vụ với 338.379 bị can, trong đó có 71 vụ án oan, chiếm 0,02%.
|
Lãnh đạo chỉ huy để xảy ra oan sai đều bị xử lý
Phát biểu tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang nhìn nhận, mặc dù số vụ oan, sai giảm hằng năm nhưng hoạt động điều tra, xử lý tội phạm còn một số hạn chế, thiếu sót. Cá biệt còn xảy ra hiện tượng bức cung, nhục hình, ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan tiến hành tố tụng, gây bức xúc trong dư luận.
“Từ 1.1.2011 đến nay đã có 40 cán bộ, chiến sĩ công an bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về các tội xâm phạm hoạt động tư pháp, đồng thời lãnh đạo chỉ huy các đơn vị để cán bộ chiến sĩ có hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp đều bị xử lý trách nhiệm liên đới”, Bộ trưởng Trần Đại Quang cho biết.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến oan, sai theo Bộ trưởng Quang là do tình hình tội phạm diễn biến phức tạp, số vụ án bị can khởi tố điều tra hằng năm đều tăng, tính chất tội phạm ngày càng nghiêm trọng.
Ở nhiều cơ quan điều tra, mỗi điều tra viên thụ lý từ 30-50 vụ án mỗi năm, thậm chí có điều tra viên thụ lý tới 70 vụ án một năm gây áp lực lớn đối với cán bộ điều tra, ảnh hưởng đến chất lượng điều tra và xử lý tội phạm. Trong khi đó, một số điều tra viên cơ quan điều tra ở địa phương vẫn còn tư tưởng chủ quan, nóng vội, nhất là trước áp lực công việc và đòi hỏi yêu cầu công việc cần kết thúc sớm vụ án hoặc do áp lực của dư luận. Cũng có những trường hợp nóng vội vì tư tưởng thành tích.
Bộ trưởng Quang cũng bày tỏ đồng tình với quan điểm của một số ĐBQH về thực tế một số quy định của bộ luật Hình sự còn bất cập, thiếu hướng dẫn các tình tiết định tính.
|
Một trong những giải pháp nhằm phòng chống oan, sai trong thời gian tới là đề cao trách nhiệm của lãnh đạo, thủ trưởng cơ quan điều tra. “Ngành công an sẽ xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, kiên quyết điều chuyển khỏi cơ quan điều tra những cá nhân vi phạm trong công tác điều tra các vụ án hình sự. Xử lý trách nhiệm liên đới của thủ trưởng cơ quan điều tra nếu để xảy ra oan sai, bức cung, nhục hình, các vụ án có cán bộ chiến sĩ công an bị khởi tố, bị kỷ luật do để ra oan sai, bức cung, nhục hình”, Bộ trưởng Quang nói.
“Hệ thống tố tụng không tự phát hiện oan sai”
Đại biểu (ĐB) Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng tình hình oan, sai hiện nay nghiêm trọng và đáng lo ngại chính là do hệ thống tố tụng không tự phát hiện oan sai.
“Chưa kể tình trạng người bị bức cung, nhục hình khi được tha thì rất e sợ tiết lộ, thậm chí buộc phải cam kết không khiếu nại. Nhiều luật sư phản ánh các bị can, bị cáo cho biết tình trạng bức cung, mớm cung, nhục hình tương tự như các vụ đã phát hiện diễn ra không cá biệt ở nhiều mức độ”, ông Nghĩa nói.
Một nguyên nhân khác, theo ĐB Nghĩa hệ thống kiểm tra chéo giữa 3 cơ quan điều tra, kiểm sát, tòa án hiệu lực không cao. “Có tình trạng nể nang, người không đụng đến ta thì ta không đụng đến người. Tình trạng ba bộ đồng tình bằng những cuộc họp thống nhất án trước khi truy tố hay xét xử khiến cho việc kiểm tra và việc tranh tụng đôi lúc bị vô hiệu”, ĐB Nghĩa nhận định.
Cũng theo ĐB Nghĩa, tình trạng hạn chế quyền bào chữa, cản trở người bào chữa ở nhiều mức độ diễn ra khá thường xuyên trên nhiều tỉnh, thành. ĐB Nghĩa cho rằng hiện nay số lượng luật sư VN tính trên đầu người rất thấp.
ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) phát biểu: cùng vụ Lê Bá Mai bị khởi tố năm 2004 về 2 tội hiếp dâm trẻ em và giết người. Tại các phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm đều kết án Lê Bá Mai tử hình nhưng sau khi 2 bản án này được hủy để điều tra lại thì tòa lại tuyên vô tội. Quá trình tố tụng tiếp theo, các phiên tòa sau đó lại tuyên Lê Bá Mai có tội. “Trong cùng một vụ án, cùng một bị can, cùng một khuôn khổ pháp lý nhưng tòa lại tuyên các bản án khác nhau, nên cũng tác động tiêu cực đến niềm tin công lý. Phần nào liên hệ đến một câu nói của một đồng chí lãnh đạo TAND tối cao cách đây nhiều năm tại QH của chúng ta “pháp luật VN xử thế nào cũng được”. Tôi nghĩ phải cắt nghĩa, làm rõ điều này để cử tri hiểu”, ĐB Hùng nói.
Viện trưởng Viện KSND tối cao xin lỗi những người bị oan “Thay mặt lãnh đạo ngành chúng tôi xin lỗi gia đình và những người bị oan”. Đây là lời xin lỗi được Viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Hòa Bình đưa ra trước QH chiều qua (5.6). Trước vấn đề các ĐB đặt ra về việc có xử lý những người gây ra oan sai không, ông Nguyễn Hòa Bình cho biết đã “xử lý nội bộ khá nhiều”.
Về việc sửa đổi bộ luật Tố tụng hình sự để chống oan sai, bức cung, nhục hình ông Nguyễn Hòa Bình cho biết cơ quan soạn thảo đã cố gắng đưa vào dự luật nhiều giải pháp quán triệt tinh thần tư pháp tiến bộ trong Hiến pháp 2013. Trong đó có nhiều giải pháp minh bạch hóa quá trình tố tụng, tăng cường sự giám sát của cơ quan dân cử, nhân dân, tăng trách nhiệm của các chức danh tư pháp gồm điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán. Bên cạnh đó, dự luật cũng đưa ra nhiều điều khoản đảm bảo cho luật sư tiếp cận quá trình tố tụng rộng hơn, sớm hơn và thuận lợi hơn; đề cao nguyên tắc tranh tụng và trao cho tòa án quyền tuyên án trên cơ sở tranh tụng. Bồi thường oan sai quá chậm
Theo ĐB Huỳnh Nghĩa (TP.Đà Nẵng), điều bức xúc nhất hiện nay còn là tình trạng đã gây ra oan ức cho dân nhưng việc bồi thường thiệt hại diễn ra quá chậm chạp, cầm chừng. Tâm lý người bị oan vốn đã rất nặng nề nhưng dường như tâm lý của cơ quan tố tụng còn nặng nề hơn. Chính tâm lý này dẫn đến việc bồi thường oan sai không kịp thời. “Mặc dù theo luật, kể từ khi người bị oan có đơn yêu cầu bồi thường đến khi hòa giải ra quyết định bồi thường tối đa là 80 ngày. Nhưng qua giám sát có vụ kéo dài đến 9 năm vẫn chưa được giải quyết xong, nghĩa là gấp 41 lần so với thời gian quy định. Vậy nguyên nhân từ đâu, trách nhiệm của thủ trưởng, cơ quan đã gây ra án oan nhưng giải quyết bồi thường như thế nào?”, ĐB Huỳnh Nghĩa đặt vấn đề. ĐB Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) dẫn chứng vụ ông Lương Ngọc Phi (Thái Bình) 9 năm, ông Phan Văn Lá (Long An) 21 năm chưa được giải quyết bồi thường. “Phải coi đây là trách nhiệm và chủ động của các cơ quan tiến hành tố tụng chứ không phải là một việc kiện dân sự thông thường, giải quyết bình thường, theo thủ tục bình thường”, ĐB Xuyền nói. |
Bình luận (0)