Kế hoạch của Trung Quốc tấn công Đài Loan phần nào được hé lộ vào hôm 23.1 khi không quân nước này điều đến 13 máy bay quân sự, trong đó có 8 oanh tạc cơ H-6K, bay vào khu vực phía tây nam thuộc vùng nhận diện phòng không (ADIZ) Đài Loan.
Oanh tạc cơ H-6 là phiên bản cải tiến của loại máy bay ném bom chiến lược Tu-16 do Liên Xô phát triển từ những năm 1950. Máy bay H-6 không có tính năng tàng hình và bị cho là có nguy cơ rủi ro cao trước các hệ thống phòng không hiện đại.
Tạp chí Forbes dẫn lời chuyên gia về máy bay chiến đấu Trung Quốc Andreas Rupprecht nhận xét rằng máy bay H-6K có thể được điều động để oanh tạc các căn cứ, doanh trại của Đài Loan nhưng chỉ trong trường hợp các hệ thống phòng không của Đài Loan bị tiêu diệt trước bằng tên lửa.
|
Đó là lý do Trung Quốc phải phát triển mẫu oanh tạc cơ mới với tính năng tàng hình để có thể âm thầm xâm nhập phòng tuyến phòng không của Đài Loan, thay vì sử dụng tên lửa đạn đạo mang đầu đạn thông thường rất tốn kém vì phải cần sử dụng số lượng lớn tên lửa để tấn công các mục tiêu.
Chuyên gia quân sự Ian Easton thuộc Viện nghiên cứu Dự án 2049 (Mỹ) cho rằng các oanh tạc cơ tàng hình có thể giúp quân đội Trung Quốc thực hiện hàng loạt cuộc tấn công khi mỗi máy bay loại này có thể mang theo nhiều bom đạn với hoả lực hơn cả một lữ đoàn tên lửa. Ngoài ra, oanh tạc cơ tàng hình còn có ưu thế là linh hoạt về mặt chiến thuật và độ tấn công chính xác cao hơn.
|
Oanh tạc cơ tàng hình H-20 được Trung Quốc úp mở lâu nay được cho là mẫu máy bay phù hợp cho nhiệm vụ nói trên. Máy bay H-20 được cho là có thiết kế nhái theo oanh tạc cơ B-2 Spirit của Mỹ. Dù Trung Quốc không công bố thông tin về loại máy bay này nhưng giới quan sát nhận định nó có tầm bay khoảng 12.000 km và có thể mang theo đến 20 tấn vũ khí, và đặc biệt là có tính năng tàng hình.
Theo các chuyên gia quân sự, Trung Quốc có thể sử dụng máy bay ném bom H-20 để bổ trợ cho lực lượng tên lửa đạn đạo oanh kích các lực lượng phòng không, sân bay của Đài Loan. Sau đó, các máy bay ném bom H-6 sẽ tham gia cuộc tấn công.
|
Để đối phó, các chuyên gia cho rằng Đài Loan cần đầu tư vào các hệ thống cảm biến tần số thấp hoặc cảm biến hồng ngoại để phát hiện máy bay tàng hình. Ngoài ra, chuyên gia Easton nêu ý kiến rằng Đài Loan có thể “lấy công bù thủ” bằng cách tấn công trước các căn cứ bố trí máy bay H-20 của Trung Quốc, vô hiệu hóa các máy bay này trước khi chúng xuất kích.
Theo ông Easton, loại tên lửa hành trình Hùng Phong HF-2E của Đài Loan có thể thực hiện nhiệm vụ này, trong khi Đài Bắc cũng có chương trình tên lửa tầm xa hơn nhưng được cho là số lượng hạn chế. Theo Dự án phòng thủ tên lửa thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ), tên lửa HF-2E có tầm bắn 600 - 1.250 km.
Bình luận (0)